Bị áp xe cạnh hậu môn liệu có nguy hiểm?

Tác giả: - Xuất bản: 29/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 07/03/2024
Người bệnh áp xe cạnh hậu môn
Biến chứng của áp xe cạnh hậu môn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe - Ảnh: BookingCare
Áp xe cạnh hậu môn là tình trạng nhiễm trùng cấp tính tại vùng hậu môn. Biến chứng của áp xe cạnh hậu môn là hậu quả do người bệnh để lâu không điều trị hay điều trị không đúng cách.

Áp xe cạnh hậu môn là bệnh lý thường gặp ở vùng hậu môn trực tràng gây đau đớn, khó chịu cả về sinh hoạt lẫn đời sống tinh thần của người bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời áp xe cạnh hậu môn có thể trở nên nghiêm trọng và để lại nhiều biến chứng nặng nề.

Những biến chứng của áp xe cạnh hậu môn có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như tâm lý của người bệnh. Cùng Bookingcare tìm hiểu kĩ hơn về biến chứng cũng như những lưu ý chăm sóc người bệnh áp xe cạnh hậu môn qua bài viết dưới đây.

Áp xe cạnh hậu môn gây ra những biến chứng nào?

Tỷ lệ tử vong chung do áp xe cạnh hậu môn là khá thấp. Tuy nhiên áp xe cạnh hậu môn thường không tự khỏi, vì vậy nếu người bệnh chủ quan không điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể dẫn tới các biến chứng như:

  • Rò hậu môn: khoảng 50% số bệnh nhân bị áp xe cạnh hậu môn sẽ phát triển thành rò hậu môn. Các đường rò phát sinh do tắc nghẽn các tuyến hậu môn và được xác định bằng dịch mủ từ ống hậu môn hoặc từ vùng da quanh hậu môn xung quanh.
  • Nhiễm khuẩn chéo sang vùng sinh dục do hai vùng hậu môn sinh dục gần nhau, hay còn gọi là áp xe tầng sinh môn. Đây là một nhiễm trùng nặng nề nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
  • Nhiễm trùng huyết là một biến chứng khá nguy hiểm trên bệnh nhân áp xe cạnh hậu môn do vi khuẩn có thể từ ổ áp xe xâm nhập vào máu từ đó đe dọa tính mạng của người bệnh.

Lưu ý chăm sóc người bệnh áp xe cạnh hậu môn

Bệnh nhân khi bị áp xe cạnh hậu môn cần lưu ý những vấn đề sau đây:

  • Sau khi phẫu thuật người bệnh nên, ngâm hậu môn vào nước ấm.
  • Vệ sinh sạch sẽ vết mổ, vùng hậu môn và xung quanh hậu môn đặc biệt sau khi đi đại tiện sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn và ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Hạn chế sử dụng giấy vệ sinh sau khi đi đại tiện
  • Người bệnh nên vận động nhẹ nhàng, tránh ngồi lâu hoặc nằm lâu một chỗ.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: hạn chế ăn đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ ăn nhiều chất xơ bao gồm rau xanh và hoa quả, uống nhiều nước để giúp phân mềm, tạo điều kiện dễ dàng cho việc đại tiện, tránh gây chấn thương vùng hậu môn.

Những biến chứng của áp xe cạnh hậu môn rất nguy hiểm tuy nhiên nếu biết được nguyên nhân và điều trị sớm bệnh có thể khỏi và ít để lại biến chứng. Vì vậy khi có dấu hiệu bất thường người bệnh nên chủ động đi khám để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị, tránh tái phát.