Các biến chứng thường gặp ở bệnh vẩy nến
Các biến chứng thường gặp ở bệnh vẩy nến
Biến chứng của bệnh vẩy nến
Biến chứng của bệnh vẩy nến - Ảnh: BookingCare

Các biến chứng thường gặp ở bệnh vẩy nến

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 25/09/2023 | Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Bệnh vẩy nến nếu không được điều trị kịp thời rất dễ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Cùng tìm hiểu những biến chứng bệnh vẩy nến thường gặp trong bài viết dưới đây.

Các biểu hiện của bệnh vẩy nến có thể chỉ biểu hiện trên da của người bệnh. Tuy nhiên, đây là một trong những căn bệnh dai dẳng và rất khó điều trị. Bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần, đồng thời dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới nhiều bộ phận khác của cơ thể.

Dưới đây là các biến chứng thường gặp nhất của bệnh vẩy nến

Viêm khớp vẩy nến

Bệnh viêm khớp vẩy nến có ở khoảng 30% người mắc bệnh vẩy nến. Tỷ lệ mắc tăng ở bệnh nhân AIDS. Nguy cơ gia tăng ở những bệnh nhân có kháng nguyên bạch cầu người B27 (HLA-B27) hoặc một số alen cụ thể khác (HLA-Cw6, HLA-B38, HLA-B39, HLA-DR) trong các thành viên gia đình.

Viêm khớp vảy nến là bệnh do tự miễn cơ thể tự sinh ra các chất gây ra những tổn thương ở trên da dạng vảy nến và gây tổn thương kết hợp với tổn thương khớp. Viêm khớp vảy nến nằm trong nhóm bệnh lý viêm khớp – cột sống.

Viêm khớp vảy nến thường xuất hiện ở các khớp lớn như khớp gối, khớp cổ chân, khớp khuỷu tay, khớp cổ tay. Thậm chí có thể có tổn thương cột sống hoặc viêm khớp vùng chậu.

Dấu hiệu của bệnh viêm khớp vảy nến thường xuất hiện đồng thời tổn thương của viêm khớp vảy nến ở trên da và sưng đau các khớp.

Tuy nhiên, có một số trường hợp ít gặp như bệnh nhân sẽ đau khớp một thời gian sau đó mới xuất hiện tổn thương vảy nến. Hoặc người bệnh xuất hiện tổn thương vẩy nến trước một thời gian sau mới có tổn thương viêm khớp.

Không phải khi nào cũng biểu hiện song song cả 2 triệu chứng. Đây cũng là lý do khiến những bệnh nhân thời gian đầu chẩn đoán không đúng bệnh.

Biểu hiện: đỏ, sưng đau, cứng khớp khiến người bệnh giảm khả năng vận động và mệt mỏi.

Ngoài ra, đối với tổn thương viêm khớp vẩy nến thể mủ có thể gây nhiễm trùng trên da. Có những trường hợp bệnh nhân nhiễm trùng lan vào trong khớp.

Hội chứng chuyển hóa

Hội chứng chuyển hóa là một nhóm các tình trạng, bao gồm: huyết áp cao, lượng đường trong máu cao, cholesterol cao và béo phì, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và các vấn đề khác. 

Tiểu đường và bệnh tim mạch là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh vẩy nến. Đây là những căn bệnh có tỉ lệ người mắc tử vong cao nhất thế giới.

Theo nghiên cứu, bệnh vẩy nến càng nghiêm trọng, khả năng mắc các bệnh về hội chứng chuyển hóa càng tăng cao.

Biến chứng trên thận: Một số bệnh nhân vảy nến xuất hiện biến chứng gây ra tình trạng suy thận. Ngoài ra, nếu bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc điều trị, điều trị không đúng theo hướng dẫn của bác sĩ thì nguy cơ tổn thương thận do thuốc là rất cao.

Bệnh Celiac (Không dung nạp gluten)

Bệnh Celiac là hiện tượng cơ thể không dung nạp các loại thực phẩm có chứa gluten. Gluten là một họ protein được tìm thấy trong các loại ngũ cốc như: lúa mì, lúa mạch đen, lúa mì spenta và lúa mạch. 

Bệnh Caliac dẫn đến tình trạng viêm và không sản sinh niêm mạc ruột non gây ra hàng loạt các rối loạn tiêu hóa, giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng tại ruột non.

Hạn chế lượng gluten trong chế độ ăn uống của một người có thể làm giảm triệu chứng bệnh vẩy nến ở một số bệnh nhân, mặc dù mối liên hệ chính xác giữa hai điều này vẫn chưa rõ ràng.

Biến chứng ở mắt

Bệnh vẩy nến cũng có thể biểu hiện ở mắt, gây ra tình trạng đỏ mắt, đau mắt, mờ mắt và mắt nhạy cảm với ánh sáng. Bệnh vẩy nến đã được chứng minh là thủ phạm gây ra các triệu chứng viêm ở mắt. Dưới đây là một số trường hợp thường gặp:

  • Viêm bờ mi: Viêm các cạnh của mí mắt nơi lông mi mọc
  • Viêm kết mạc: Còn được gọi là “mắt hồng”, viêm kết mạc là tình trạng viêm giác mạc, một lớp mô mỏng và trong suốt bao phủ phần trắng của mắt.
  • Khô mắt: Điều này xảy ra khi bề mặt mắt không có đủ chất bôi trơn và độ ẩm.
  • Tổn thương mí mắt: Bệnh vẩy nến trên mí mắt được đặc trưng bởi sự phát triển nhanh chóng của các tế bào da, dẫn đến các mảng dày, đỏ và có vảy
  • Viêm màng bồ đào: Tình trạng mắt này, đặc trưng bởi đỏ và đau, xảy ra ở 20% số người mắc bệnh vẩy nến (nhưng phổ biến hơn ở những người mắc cả bệnh vẩy nến và viêm khớp vẩy nến).

Biến chứng thính giác: Người bệnh vảy nến có nguy cơ cao mắc các bệnh về thính giác làm suy giảm khả năng nghe. Do vảy nến có thể gây tổn thương tai trong và dẫn đến giảm thính giác.

Biến chứng ở miệng: Bệnh vảy nến có thể gây ra các màng nhầy trong khoang miệng, các tổn thương thường gặp là nứt lưỡi, tổn thương nướu và bên trong má.

Ảnh hưởng cảm xúc và tâm lý: Người bệnh vảy nến thường có cảm giác tự ti vì những thương tổn trên cơ thể. Lo lắng vì bệnh tật, mặc cảm về bản thân, ngại giao tiếp làm người bệnh mệt mỏi, có thể dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực và bệnh trầm cảm.

Bệnh vẩy nến nếu không được điều trị kịp thời, bệnh rất có khả năng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Ngay khi được chẩn đoán mắc bệnh vẩy nến, người bệnh cần điều trị sớm để có thể kiểm soát bệnh ổn định và bảo vệ bản thân tránh khỏi những nguy cơ về rủi ro biến chứng.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết