Các phương pháp điều trị bệnh sẩn ngứa da

Tác giả: - Xuất bản: 29/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Điều trị bệnh ngứa da
Điều trị sẩn ngứa da - Ảnh: BookingCare
Bệnh sẩn ngứa da điều trị bằng cách nào là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Sẩn ngứa là bệnh lý da liễu thường gặp, xuất hiện do phản ứng viêm xuất tiết ở vùng lớp trung bì nông với sự thâm nhiễm của tế bào lympho và bạch cầu đa nhân trung tính. 

Hiện nay, có nhiều loại thuốc tại chỗ hoặc toàn thân có thể được chỉ định trong bệnh sẩn ngứa, tùy theo mức độ của bệnh mà người bệnh có thể được chỉ định sử dụng một hoặc kết hợp nhiều loại khác nhau.

Nguyên tắc điều trị bệnh sẩn ngứa

  • Tìm và loại bỏ nguyên nhân gây sẩn ngứa
  • Điều trị triệu chứng: kiểm soát cảm giác ngứa bằng cách không cào, gãi làm vết thương nghiêm trọng. Làm giảm/sạch tổn thương tại da. Giữ vết thương và các vùng da xung quanh luôn sạch sẽ, thoáng khí.

Điều trị bệnh sẩn ngứa

Điều trị tại chỗ

  • Kem dưỡng ẩm: giúp làm mềm và làm phẳng các tổn thương sẩn, mảng ngứa và hỗ trợ giảm ngứa.
  • Thuốc giảm ngứa tại chỗ như menthol, phenol, pramoxine hoặc capsaicin. Đây là các loại thuốc có sẵn mà không cần bác sĩ kê toa.
  • Thuốc giảm viêm tại chỗ như: Corticosteroid, pimecrolimus, tacrolimus hoặc calcipotriol. Các thuốc này cần có sự kê toa và hướng dẫn sử dụng từ bác sĩ. Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc từ bác sĩ.
  • Băng y tế phủ corticosteroid: Dùng băng này che các tổn thương sẩn ngứa, có thể giúp da bạn hấp thụ nhiều thuốc hơn và tạo một lớp bảo vệ, tránh việc gãi trực tiếp lên tổn thương da.
  • Các liệu pháp can thiệp tại chỗ khi các thuốc bôi không hiệu quả, bao gồm áp lạnh, tiêm corticoid tại tổn thương, liệu pháp ánh sáng…

Điều trị toàn thân

  • Thuốc kháng Histamin H1 như: Fexofenadin, Bilastin, Desloratadin…
  • Thuốc ức chế miễn dịch với các trường hợp sẩn ngứa dai dẳng, mức độ nặng như: methotrexate, ciclosporin, azathioprine
  • Thuốc tác động lên thần kinh trung ương như gabapentin, pregabalin, amitryptilin… 
  • Liệu pháp ánh sáng như: UVB và PUVA cũng có thể được sử dụng trong quá trình điều trị bệnh.
  • Có thể dùng thêm một số lá thuốc nam có tính thanh nhiệt, giải độc, chống dị ứng như ké đầu ngựa, kim ngân hoa, râu ngô… trong trường hợp mạn tính.

Điều trị bệnh cần được khám và tư vấn kỹ bởi bác sĩ chuyên khoa. Chính vì vậy, người bệnh không được tự ý mua và sử dụng các thuốc khi chưa có sự chẩn đoán và kê đơn của bác sĩ.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh sẩn ngứa

  • Người bệnh cần lưu ý và cẩn thận khi sử dụng các loại thực phẩm mà cơ thể có khả  năng bị dị ứng ví dụ như: Cá biển, tôm, cua, sò, ốc, đậu phộng (lạc), quả óc chó, trứng.
  • Đối với các loại da khô người bệnh cần sử dụng chất giữ ẩm thường xuyên, hạn chế tối đa chà xát lên các vị trí tổn thương trên da. Không sử dụng các sữa tắm chứa xà phòng có thể gây khô da nhiều hơn
  • Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời đặc biệt từ 11h trưa đến 14h chiều, cần mặc quần áo chống nắng trong trường hợp người bệnh được chẩn đoán tình trạng sẩn ngứa do ánh sáng. Khi đi ra ngoài, nên sử dụng các loại kem chống nắng chống cả tia UVA và UVB
  • Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, phòng ốc sạch sẽ, thoáng mát và sử dụng thêm các loại thuốc diệt côn trùng, mắc màn khi đi ngủ để tránh bị côn trùng đốt gây ra tình trạng sẩn ngứa trên da.
  • Sử dụng các thuốc phun diệt côn trùng hoặc điều trị cho thú cưng của trong trường hợp chúng bị ký sinh trùng như: bọ chét, giận, bọ chó mèo…

Bệnh sẩn ngứa tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng  nhưng nếu không được điều trị kịp thời và chính xác, bệnh có thể chuyển biến nặng hơn và có thể để lại sẹo xấu gây mất thẩm mỹ. 

Khi thấy trên da xuất hiện những dấu hiệu bất thường, người bệnh nên thăm khám với các bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả nhất.