Các phương pháp điều trị ho khan kéo dài

Tác giả: - Xuất bản: 12/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 12/12/2023
Điều trị ho khan kéo dài
Điều trị ho khan kéo dài - Ảnh: BookingCare
Ho khan kéo dài có thể điều trị bằng những phương pháp nào là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Ho khan kéo dài, ho lâu ngày không khỏi có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Thăm khám và điều trị bệnh sớm là yếu tố quan trọng giúp cải thiện tình trạng cũng như phát hiện kịp thời các căn bệnh tiềm ẩn khác nếu có. Điều trị theo nguyên nhân là quan trọng nhất. 

Phương pháp điều trị ho khan kéo dài

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cũng như mức độ nặng nhẹ của bệnh mà bác sĩ sẽ đề xuất phương án điều trị khác nhau sao cho an toàn và hiệu quả nhất.

Điều trị bằng thuốc

Ho khan kéo dài có thể là biểu hiện của một số bệnh lý như: trào ngược dạ dày, viêm phổi, viêm đường hô hấp, cảm cúm, lao phổi,... Chính vì vậy mà các loại thuốc điều trị sẽ được chỉ định dựa trên nguyên nhân cụ thể.

Dưới đây là một số loại thuốc điều trị ho khan kéo dài phổ biến nhất:

  • Thuốc giảm ho, long đờm: thường được chỉ định khi không tìm được nguyên nhân gây bệnh chính xác. Những người bị ho mức độ nặng ảnh hưởng đến giấc ngủ và sức khỏe cũng được chỉ định thuốc này.
  • Thuốc giảm tắc nghẽn: Một số thuốc trị hen dạng xịt có tác dụng làm giãn khí quản, giãn phế quản có công dụng giảm viêm hiệu quả, được sử dụng phổ biến trong điều trị ho do hen phế quản.
  • Thuốc kháng sinh: Trường hợp bị ho do nhiễm trùng đường hô hấp, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh dạng uống hoặc tiêm, giúp chống viêm tại chỗ như dạng khí dung.
  • Thuốc kháng histamin, corticosteroid và thuốc thông mũi. Những loại thuốc này là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh dị ứng và chảy nước mũi.
  • Thuốc giảm tiết  axit (dùng cho người bệnh bị trào ngược dạ dày): Một số loại thuốc có công dụng ngăn chặn, hạn chế sản xuất axit, giảm thiểu tình trạng ho do bệnh trào ngược dạ dày.

Thuốc ho và cảm lạnh không kê đơn nhằm mục đích điều trị các triệu chứng ho và cảm lạnh chứ không phải bệnh lý nền đã có từ trước. Những loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, trẻ dưới 2 tuổi dùng quá liều có thể dẫn tới tử vong.

Không sử dụng các loại thuốc không kê đơn, trừ thuốc hạ sốt và thuốc giảm đau để điều trị ho, cảm lạnh ở trẻ dưới 6 tuổi. Ngoài ra, người bệnh cần nhắc thật kĩ và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc này cho trẻ dưới 12 tuổi.

Chăm sóc và điều trị ho khan kéo dài tại nhà

Đa số các trường hợp mắc bệnh ho khan kéo dài đều có thể tự điều trị tại nhà bằng cách uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ kết hợp nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe.

Dưới đây là một số mẹo cũng như lời khuyên của chuyên gia hô hấp giúp người bệnh giảm ho hiệu quả trong quá trình điều trị bệnh tại nhà:

  • Uống thuốc đầy đủ, đúng liều theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Không tự ý ngưng thuốc hoặc chuyển sang loại thuốc khác khi chưa được sự cho phép.
  • Súc miệng thường xuyên bằng nước muối: nước muối có công dụng tuyệt vời trong việc hỗ trợ giảm sưng viêm từ đó các triệu chứng đau họng và ho cũng được cải thiện đáng kể.
  • Uống đủ nước mỗi ngày, không uống nước lạnh. Thay vào đó, người bệnh nên uống nước ấm hoặc các loại trà tốt cho cổ họng như: trà gừng mật ong, trà mật ong chanh đào, trà bạc hà, rễ cây cam thảo,...
  • Tránh xa thuốc lá và các chất kích thích khác
  • Một số kẹo ngậm ho hoặc viên ngậm giảm ho cũng có thể đem lại hiệu quả
  • Kê thêm gối khi ngủ giúp lưu thông khí dễ dàng hơn, không kê đầu quá cao, người bệnh có thể bị đau cổ vai gáy.
  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài đường để tránh hít phải khói bụi độc hại và các tác nhân gây bệnh trong môi trường bên ngoài.
  • Nghỉ ngơi một khoảng thời gian nếu tình trạng ho ảnh hưởng đến khả năng lao động, học tập.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về cách điều trị ho khan kéo dài và những lưu ý giúp người bệnh đạt được kết quả điều trị tốt nhất. Trong quá trình điều trị, nếu bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc diễn biến tồi tệ hơn, người bệnh cần tái khám để được bác sĩ kiểm tra và hỗ trợ kịp thời.