Các phương pháp điều trị tai biến mạch máu não
Các phương pháp điều trị tai biến mạch máu não
Phương pháp điều trị tai biến mạch máu não
Các phương pháp điều trị tai biến mạch máu não - Ảnh: BookingCare

Các phương pháp điều trị tai biến mạch máu não

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 29/09/2023 | Cập nhật lần cuối: 16/10/2023
Lâm sàng bệnh nhân và hình ảnh học là yếu tố quan trọng để các bác sĩ hội chẩn và đưa ra phương pháp điều trị tai biến mạch máu não cho từng người bệnh phù hợp nhất.

Tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột qụy não là các tổn thương thần kinh với các triệu chứng khu trú, gây hôn mê, nặng hơn là đe doạ tử vong,… bệnh xảy ra đột ngột, do mạch máu não bị vỡ hoặc tắc mà không do chấn thương.

Tai biến mạch máu não có 2 loại: nhồi máu não (thiếu máu cục bộ não) và xuất huyết não (chảy máu não).

Lâm sàng bệnh nhân và hình ảnh học là yếu tố quan trọng để các bác sĩ hội chẩn và đưa ra phương pháp điều trị tai biến mạch máu não cho từng người bệnh phù hợp nhất.

Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não

Tắc mạch

Cục máu đông hay mảng xơ vữa gây hiện tượng tắc nghẽn trong lòng mạch, gây ra giảm hoặc mất tưới máu não diện rộng.

Vỡ mạch máu

Các dị dạng mạch máu não bị vỡ do thành mạch yếu hoặc do cơn tăng huyết áp kịch phát,… tạo ổ xuất huyết chèn ép não gây mất chức năng, tụt não dẫn đến tử vong.

Lâm sàng

  • Mức độ nhẹ: đau đầu, chóng mặt, nôn, nói ngọng, nuốt khó,...
  • Nặng hơn: yếu liệt nửa người, liệt mặt, sụp mi, hôn mê,… 

Các phương pháp điều trị tai biến mạch máu não

1. Dùng thuốc làm tan cục máu đông

Theo khuyến cáo y học hiện nay, người bệnh đến trung tâm đột quỵ gần nhất trước 6 tiếng (kể từ khi bị đột quỵ). Bệnh nhân có thể được dùng thuốc tan huyết khối làm tan dần cục máu đông trong động mạch, ngăn chặn di chứng não do thiếu máu nuôi kéo dài, tổn thương não bị mất khả năng hồi phục.

Hiện tại, mọi người có khuyến cáo dùng thuốc phòng đột quỵ hoặc uống sau bị đột quỵ bán trôi nổi trên thị trường, và nhiều người đã làm theo nhưng các bác sĩ không khuyến cáo sử dụng loại thuốc này.

2. Can thiệp nội mạch

Đây là cuộc cách mạng điều trị phòng ngừa tai biến mạch máu não trong phình mạch, AVM, rò động tĩnh mạch xoang hang,…

Phương pháp: bác sĩ đưa dụng cụ qua một lỗ chọc kim ở động mạch bẹn hoặc cánh tay, luồn dụng cụ theo lòng mạch để đến vị trí động mạch tổn thương, tiến hành can thiệp (đặt stent, thả bóng, thả coils, bơm chất gây tắc mạch bệnh lý,…) kiểm tra lưu thông dòng máu lên não tốt, an toàn thì dừng thủ thuật.

Với sự phát triển của khoa học tiên tiến, bác sĩ sử dụng thiết bị trong lòng mạch để kéo cục máu đông ra khỏi mạch máu. Phẫu thuật này tỉ lệ thành công cao nếu được thực hiện từ 6 đến 24 giờ kể từ khi cơn đột quỵ bắt đầu.

3. Phẫu thuật não mạch máu

3.1. Phẫu thuật mạch máu ngoài sọ

Các bác sĩ sẽ kiểm tra bệnh lý động tĩnh mạch cảnh trong và đưa ra phương pháp phẫu thuật tái thông mạch (tắc mạch do cục máu đông kéo dài, hẹp lòng mạch do xơ vữa, hẹp do bẩm sinh,…).

Nối động mạch thái dương vào trong sọ điều trị hội chứng Moyamoya – hẹp động mạch cảnh trong sọ hai bên không có bệnh lý đi kèm.

3.2. Phẫu thuật trong sọ

Trong trường hợp các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, hoặc biến chứng, phẫu thuật là phương pháp trực tiếp cầm máu và loại bỏ cục máu đông đang chèn ép não cấp,…

Phẫu thuật này có thể được thực hiện bằng một lỗ nhỏ vào trong đầu bệnh nhân: hút hết máu đông do xuất huyết dưới sự dẫn dắt của hệ thống định vị không gian 3 chiều (Stereotaxy).

Nếu cục máu đông đặc biệt lớn, bác sĩ phẫu thuật có thể mở rộng hộp sọ giải ép, lấy máu tụ, kẹp túi phình, cầm máu,…

4. Phối hợp các phương pháp khác

Trong quá trình chẩn đoán, can thiệp điều trị, người bệnh luôn được dùng thuốc nhằm:

  • Giảm huyết áp
  • Giảm áp lực trong não
  • Ngăn ngừa cơn động kinh
  • Ngăn ngừa co thắt mạch máu
  • Vật lý trị liệu:
    • Phục hồi ngôn ngữ: người bệnh có thể gặp các rối loạn về ngôn ngữ do tổn thương tại vùng não chi phối chức năng ngôn ngữ. Chuyên gia trị liệu ngôn ngữ sẽ làm việc với người bệnh để học lại cách nói. Chuyên gia sẽ giúp tìm ra những cách giao tiếp mới nếu người bệnh cảm thấy khó giao tiếp bằng lời nói.
    • Tập vận động: khoảng 90% người bệnh gặp các di chứng về vận động như yếu tay chân, khó khăn trong đi lại, thậm chí là liệt nửa người, liệt toàn thân. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ làm việc với người bệnh để phục hồi lại các chức năng vận động.
    • Liệu pháp tâm lý: một trong những di chứng nặng nề của tai biến mạch máu não: khó tập trung, suy giảm trí nhớ, khó học hỏi, khó ra quyết định, hoặc thậm chí mất trí nhớ. Chuyên gia trị liệu có thể giúp người bệnh nỗ lực lấy lại lối suy nghĩ và hành vi trước đây cũng như quản lý các phản ứng cảm xúc.

Trên đây là các biện pháp điều trị tai biến mạch máu não. Việc điều trị tai biến mạch máu não kịp thời không chỉ giúp cứu sống người bệnh, mà còn hạn chế được các biến chứng nguy hiểm để lại sau tai biến. Giúp người bệnh quay lại cuộc sống, tự lao động, tự sinh hoạt,… giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết