Đột quỵ nhồi máu não: Những điều cần lưu ý
Đột quỵ nhồi máu não
Đột quỵ nhồi máu não: Những điều cần lưu ý - Ảnh: BookingCare

Đột quỵ nhồi máu não: Những điều cần lưu ý

Tác giả: - Xuất bản: 29/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 16/10/2023
Đột quỵ nhồi máu não chiếm hơn 80% các trường hợp đột quỵ. Khi các triệu chứng bắt đầu, điều quan trọng là bệnh nhân phải được điều trị càng nhanh càng tốt để giảm thiểu tối đa các biến chứng của đột quỵ.

Tai biến mạch máu não hay đột quỵ có 2 loại: đột quỵ nhồi máu não và đột quỵ xuất huyết não. Trong đó đột quỵ nhồi máu não (đột quỵ thiếu máu não cục bộ) phổ biến hơn, chiếm hơn 80% các trường hợp đột quỵ.

Đột quỵ nhồi máu não là gì?

Đột quỵ nhồi máu não do tắc nghẽn động mạch cung cấp máu cho não. Nếu phần não bị tổn thương không được tái tưới máu kịp thời, chức năng của phần não này sẽ không được hồi phục.

Dấu hiệu đột quỵ nhồi máu não

Các dấu hiệu của đột quỵ nhồi máu não phụ thuộc vào vùng não bị ảnh hưởng. Một số dấu hiệu thường gặp như:

  • Các vấn đề về thị lực như: mờ hoặc mất thị lực một hoặc hai mắt, nhìn đôi (song thị).
  • Yếu hoặc tê liệt một hoặc nhiều chi, có thể ở một hoặc cả hai bên, tùy thuộc vào động mạch bị ảnh hưởng.
  • Chóng mặt, mất thăng bằng.
  • Rối loạn ý thức.
  • Khuôn mặt bị méo, nụ cười bị lệch sang một bên.
  • Nói chuyện không lưu loát, bị đớt hoặc không nói được.
Chóng mặt, mất thăng bằng
Chóng mặt, mất thằng là một dấu hiệu của đột quỵ - Ảnh: BookingCare

Theo hướng dẫn của Hội Đột quỵ Hoa Kỳ (ASA), sử dụng thuật ngữ viết tắt “B.E.F.A.ST” để nhận biết dấu hiệu đột quỵ:

  • Balance – Cân bằng: đột nhiên gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng hoặc phối hợp cơ thể.
  • Eye – Mắt: mờ hoặc mất thị lực ở một bên hoặc cả hai bên mắt.
  • Face – Khuôn mặt: khuôn mặt méo xệ một bên hoặc miệng méo sụp xuống. Hãy yêu cầu bệnh nhân cười, nếu bệnh nhân không thể cười, đó là một dấu hiệu đột quỵ.
  • Arm – Cánh tay: tê hoặc yếu cánh tay là một dấu hiệu cảnh báo đột quỵ. Hãy yêu cầu bệnh nhân thử giơ một hoặc cả hai cánh tay lên. Nếu bệnh nhân không giơ tay lên được, một bên yếu hơn bên còn lại hoặc cánh tay bị rơi xuống, đó là dấu hiệu cảnh báo.
  • Speech - Ngôn ngữ: yêu cầu bệnh nhân lặp lại một cụm từ. Nếu bệnh nhân nói không lưu loát, bị ngọng so với bình thường, có thể chỉ ra rằng bệnh nhân có khả năng bị đột quỵ.
  • Time – Thời gian: nếu bệnh nhân có bất kỳ các triệu chứng trên, hãy đưa bệnh nhân đến đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu 115.

Khi các triệu chứng bắt đầu, điều quan trọng là bệnh nhân phải được điều trị càng nhanh càng tốt để giảm thiểu tối đa các biến chứng của đột quỵ.

Một tình trạng khác cũng gây ra các dấu hiệu tương tự nhưng các khiếm khuyết thần kinh này hồi phục nhanh chóng đến khỏi hoàn toàn trong vòng 24 giờ thì được gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua (cơn thoáng thiếu máu não). 

Nguyên nhân gây đột quỵ nhồi máu não

Đột quỵ nhồi máu não thường xảy ra do cục máu đông, mạch máu bị nghẽn hoặc lấp. Những điều này có thể xảy ra vì nhiều lý do, chẳng hạn như:

  • Xơ vữa động mạch gây hẹp động mạch não và có thể gây lấp mạch từ mảng xơ vữa của các động mạch lớn 
  • Bệnh huyết học: tăng hồng cầu, tăng tiểu cầu, xuất huyết giảm tiểu cầu kèm huyết khối,…
  • Một số bệnh tim có thể tạo huyết khối trong buồng tim, mảnh huyết khối có thể trôi theo dòng máu làm tắc động mạch não gây đột quỵ. Trong nhóm nguyên nhân này, rung nhĩ chiếm tới 50% các trường hợp
  • Dị tật tim (khiếm khuyết thông liên nhĩ hoặc thông liên thất).

Điều trị đột quỵ nhồi máu não

Đối với đột quỵ nhồi máu não, ưu tiên hàng đầu là khôi phục lưu thông đến các vùng não bị ảnh hưởng. Một số phương pháp điều trị tái thông giai đoạn tối cấp như:

Dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch

Đối với bệnh nhân đến trong cửa sổ 4,5 giờ và không có chống chỉ định. Điều trị tiêu sợi huyết nên thực hiện càng sớm càng tốt, kết cục liên quan trực tiếp đến thời gian từ khi khởi phát triệu chứng đến khi bắt đầu điều trị tiêu sợi huyết.

Can thiệp nội mạch lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học

Chỉ định trong trường hợp đột quỵ thiếu máu cục bộ do tắc mạch máu lớn (cảnh trong, não giữa đoạn M1), dùng dụng cụ lấy huyết khối dạng stent và thực hiện trong vòng 6 giờ từ khi khởi phát triệu chứng đột quỵ. Những bệnh nhân đột quỵ khi thức dậy hoặc đến muộn sau 6 giờ cho đến 24 giờ sau khởi phát, có thể được xét can thiệp lấy huyết khối trong cửa sổ mở rộng (6 - 24 giờ).

Một số lưu ý để phòng ngừa đột quỵ nhồi máu não

  • Cải thiện lối sống: chế độ ăn uống lành mạnh và thêm tập thể dục vào thói quen hàng ngày, đảm bảo ngủ đủ giấc.
  • Hạn chế hoặc không sử dụng hút thuốc lá, thuốc lá điện tử, hút thuốc thụ động, uống rượu bia hoặc sử dụng các chất kích thích khác.
  • Kiểm soát các bệnh lý như béo phì, nhịp tim bất thường, ngưng thở khi ngủ, huyết áp cao, tiểu đường, mỡ máu cao.
  • Khám sức khỏe định kỳ.

Trên đây là những thông tin cần biết về các dấu hiệu, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa đột quỵ nhồi máu não. Đột quỵ nhồi máu não là một tình trạng nghiêm trọng và cần được điều trị kịp thời để giảm thiểu các biến chứng đột quỵ.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết