Các phương pháp phục hồi chức năng vận động cho người bệnh tai biến mạch máu não
Các phương pháp phục hồi chức năng vận động cho người bệnh tai biến mạch máu não
Các phương pháp phục hồi chức năng liệt nửa người do tai biến mạch máu não
Các phương pháp phục hồi chức năng liệt nửa người do tai biến mạch máu não - Ảnh: BookingCare

Các phương pháp phục hồi chức năng vận động cho người bệnh tai biến mạch máu não

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 13/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 22/01/2024
Phục hồi chức năng vận động cho người bệnh tai biến mạch máu não cần phụ thuộc vào từng giai đoạn bệnh như: liệt mềm, liệt cứng và sau khi bệnh nhân xuất viện.

Tai biến mạch máu não, hay đột quỵ não là bệnh lý nguy hiểm, có thể dẫn đến bị liệt nửa người hoặc tứ chi. Khi bị liệt, bệnh nhân gần như không thể tự chăm sóc bản thân, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trong trường hợp này, các biện pháp phục hồi chức năng là rất quan trọng và cần thiết để hỗ trợ cho người bệnh cũng như gia đình bệnh nhân.

Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị di chứng liệt chi

Phục hồi chức năng cho người bệnh yếu liệt chi do tai biến mạch máu não cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt ngay sau khi đột quỵ. Mỗi giai đoạn cần thực hiện các biện pháp và kỹ thuật phục hồi khác nhau. Đồng thời, còn cần phải lưu ý một số nguyên tắc sau đây:

  • Trong quá trình tập luyện cần chú ý vận động cân xứng cả hai bên hướng theo các mẫu vận động bình thường, không sử dụng bên lành vận động thay thế cho bên bị liệt
  • Đảm bảo cho lực cơ trở lại bình thường hoặc gần bình thường trước khi thực hiện vận động
  • Hướng dẫn người bệnh thực hiện các hoạt động vận động giống như trước khi bị yếu liệt bằng cách sử dụng các bài tập, kỹ thuật và các dụng cụ hỗ trợ phù hợp

Phương pháp phục hồi chức năng theo từng giai đoạn

Phục hồi chức năng ở giai đoạn liệt mềm

Ở giai đoạn này, tập vận động thụ động có tác dụng giúp bệnh nhân duy trì tầm vận động khớp, phòng loét điểm tỳ đè.

Các biện pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng trong giai đoạn cấp được thực hiện khi bệnh nhân ở tư thế nằm, bao gồm:

  • Đặt bệnh nhân ở tư thế đúng trên giường, bên liệt ở phía ngoài, bên lành ở phía tường, bố trí các vật dụng trong phòng và khi có người thăm đều ở về phía bên liệt
  • Xoa bóp, tập vận động thụ động các bên liệt
  • Dùng đệm hơi, vệ sinh thân thể, chế độ dinh dưỡng hợp lý

Phục hồi chức năng ở giai đoạn liệt cứng

Cần kết hợp nhiều biện pháp trị liệu khác nhau để giúp người bệnh học cách vận động trở lại và cải thiện chất lượng cuộc sống. Các phương pháp thường được áp dụng gồm:

  • Vận động trị liệu: Tập theo tầm vận động: tập vận động có trợ giúp, vận động chủ động; tập vận động ở các tư thế: nằm, ngồi, đứng, đi; tập dáng đi; tập vận động với các dụng cụ trợ giúp
  • Hoạt động trị liệu: Tập thực hiện các hoạt động tự chăm sóc, Tập bắt buộc sử dụng tay liệt (CIMT: constraint–induced movementtherapy), liệu pháp gương (mirrortherapy)
  • Vật lý trị liệu: Nhiệt, điện trị liệu, FES (kích thích điện chức năng)…
  • Âm ngữ trị liệu: tập nói, tập giao tiếp
  • Tập nuốt

Phục hồi chức năng ở giai đoạn hòa nhập (sau bệnh viện)

Quá trình phục hồi chức năng ở giai đoạn này phụ thuộc nhiều vào người bệnh và người nhà của bệnh nhân. Các biện pháp phục hồi ở giai đoạn này gồm:

  • Tư vấn  bệnh nhân và gia đình cách phòng ngừa di chứng và tai biến tái phát.
  • Tạo điều kiện về môi trường xung quanh cho phù hợp với bệnh nhân
  • Cung cấp các dụng cụ hỗ trợ đi lại, sinh hoạt và làm việc
  • Hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân và gia đình và giúp họ chấp nhận những chức năng không thể phục hồi

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị yếu liệt do đột quỵ não cần nhiều thời gian và đòi hỏi sự kiên trì từ bệnh nhân và cả người nhà để giúp người bệnh từng bước phục hồi chức năng đã mất và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare