Các triệu chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng

Tác giả: - Xuất bản: 28/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng
Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng - Ảnh: BookingCare
Tay chân miệng là một trong những căn bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan rất nhanh thường gặp ở trẻ nhỏ. Cha mẹ cần nhận biết rõ các triệu chứng của bệnh để có thể điều trị kịp thời.

Tay chân miệng (HFMD- Hand, foot and mouth disease) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh thường diễn ra vào giai đoạn tháng 9 -12 và tháng 3-5.Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 3 tuổi.

Đa số các ca diễn biến nhẹ, tuy nhiên ở một số trẻ bệnh diễn biến rất nhanh, nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong. Chính vì thế việc phát hiện sớm bệnh để theo dõi là rất quan trọng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản về triệu chứng bệnh tay chân miện

Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng

Nguyên nhân gâly bệnh tay chân miệng chủ yếu là do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71. Trong đó, virus Coxsackie A16 là loại thường gặp nhất với các triệu chứng thể nhẹ, ít gây biến chứng và thường tự khỏi..

Ngược lại, virus Enterovirus typ 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong. 

Hầu hết trẻ em đều bị nhiễm coxsackievirus - và bệnh tay chân miệng - qua đường tiêu hóa và hô hấp Bệnh lây lan qua tiếp xúc giữa người với người với người bằng nhiều hình thức như: không khí, nước bọt, phân,...

Các con đường lây truyền virus gây bệnh tay chân miệng:

  • Trẻ tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh.
  • Hít, nuốt phải các dịch tiết, nước bọt người bệnh khi ăn uống chung, ho, hắt hơi, nói chuyện.
  • Tiếp xúc trực tiếp với dịch của mụn nước, bọng nước, phân của người bệnh.
  • Trẻ lành cầm nắm đồ chơi, chạm vào các vật dụng của trẻ bệnh.
  • Lây qua bàn tay người chăm sóc trẻ.

Vì cách thức lây truyền bệnh khá nhanh nên tay chân miệng rất dễ bùng phát thành dịch lớn. Khi một trẻ bị mắc bệnh, nếu không có những biện pháp phòng tránh kịp thời thì những trẻ xung quanh cũng có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào. Đặc biệt là tại các nhà trẻ, trung tâm chăm sóc trẻ em,...

Các triệu chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng

Có một lưu ý quan trọng, đó là: Bệnh chân tay miệng không phải bệnh lở mồm long móng. Hai căn bệnh này khác nhau hoàn toàn. Bệnh lở mồm long móng chỉ xuất hiện ở các loài động vật như: trâu, bò, cừu, lợn,... và không thể xuất hiện ở người.

Dưới đây là các triệu chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng:

Giai đoạn ủ bệnh

Thường kéo dài từ 3 - 7 ngày, không có triệu chứng cụ thể

Giai đoạn khởi phát

Trẻ bắt đầu xuất hiện các biểu hiện rõ rệt như:

  • Trẻ bị sốt, mệt mỏi, sốt  nhẹ (37,5-38 độ C) hoặc bị sốt cao (38-39 độ C).
  • Đau họng.
  • Tổn thương, đau rát ở răng và miệng.
  • Chảy nước bọt nhiều.
  • Biếng ăn.
  • Tiêu chảy vài lần trong ngày.

Giai đoạn toàn phát

Các triệu chứng thường xuất hiện sau giai đoạn khởi phát từ 1 - 2 ngày. Các triệu chứng điển hình bao gồm:

  • Phát ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và đôi khi ở mông. Phát ban không gây ngứa nhưng đôi khi có mụn nước. Tùy thuộc vào màu da, phát ban có thể có màu đỏ, trắng, xám hoặc chỉ hiển thị dưới dạng những vết sưng nhỏ.
  • Các tổn thương đau, giống như mụn nước trên lưỡi, nướu và bên trong má.
  • Loét miệng: ở niêm mạc má, lợi và lưỡi của trẻ xuất hiện các bóng nước có đường kính 2 – 3mm, dễ vỡ. Khi vỡ tạo thành các vết loét khiến trẻ đau khi ăn, quấy khóc.
  • Các bóng nước có đường kính 2 – 10mm, màu xám, hình bầu dục. Chúng có thể mọc lồi hoặc ẩn dưới da, sờ có cảm giác cộm, không đau, không ngứa.
  • Biến chứng thần kinh (viêm não, viêm màng não), biến chứng tim mạch, hô hấp (viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch) thường xuất hiện sớm từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 của bệnh, có thể dẫn đến tử vong nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời

Nếu tình trạng bệnh nhẹ, sau 7 – 10 ngày chăm sóc tại nhà, trẻ sẽ hồi phục sức khỏe hoàn toàn. 

Sau khi khỏi bệnh, cơ thể trẻ sẽ miễn dịch với chủng virus gây bệnh. Tuy nhiên, theo kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ có thể mắc tay chân miệng nhiều lần và lần bị bệnh sau là do những chủng virus khác với lần trước gây ra.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ lây lan nhanh chóng và tử vong cao. Vì chưa có vắc xin phòng bệnh, nên phụ huynh cần theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của trẻ và gia đình, chủ động áp dụng các nguyên tắc phòng ngừa, đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị khi có dấu hiệu bệnh