Cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp tại nhà
Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp
Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp tại nhà - Ảnh: BookingCare

Cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp tại nhà

Tác giả: - Xuất bản: 23/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 04/01/2024
Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp tại nhà bao gồm việc bù nước, điện giải, chú ý đến chế độ dinh dưỡng và theo dõi các dấu hiệu bất thường để cho trẻ đến bệnh viện trong một số trường hợp. 

Tiêu chảy cấp có thể nguy hiểm nếu trẻ không được bổ sung đủ nước, điện giải hoặc kiểm soát tình trạng tiêu chảy hiệu quả. Bên cạnh việc thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ, cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp tại nhà đúng cách, đưa trẻ đến cấp cứu kịp thời trong một số trường hợp.

Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp tại nhà

Cho trẻ uống đủ nước để tránh mất nước

Trẻ bị tiêu chảy cần tiếp tục uống đủ lượng nước để tránh mất nước.

  • Với trẻ đang bú mẹ, hãy tiếp tục cho bú mẹ theo nhu cầu. 
  • Với trẻ khác, hãy cho trẻ uống nhiều nước hơn theo khả năng của bé, uống chậm và từng ngụm nhỏ.
  • Bổ sung thêm nước điện giải theo hướng dẫn của bác sĩ. Pha điện giải oresol cần tuân theo quy định của nhà sản xuất, cha mẹ không tự ý pha đặc/loãng hơn so với hướng dẫn. 
  • Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, cha mẹ cần tránh bổ sung cho trẻ các loại nước giải khát, nước ép trái cây, thức uống có ga... bởi đây là những loại nước có lượng đường cao có thể khiến tình trạng tiêu chảy trầm trọng hơn. 

Chú ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy cấp

Trẻ bị tiêu chảy cần được bổ sung một chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học và đủ chất. Những trẻ không được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ khi tiêu chảy cấp sẽ khiến bệnh kéo dài hơn, chức năng đường ruột phục hồi kém hơn. 

Với trẻ đang bú mẹ: tiếp tục bú mẹ như bình thường. Mẹ nên bổ sung thực phẩm đủ chất dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý đảm bảo nguồn chất lượng sữa tốt nhất. 

Với trẻ đã ăn dặm: Bổ sung đầy đủ nhóm thực phẩm như chất xơ, chất đạm, chất béo. Đặc biệt, cha mẹ nên ưu tiên bổ sung các thực phẩm có chứa vitamin, glucid, pectin và lignin như cà rốt, hồng xiêm,...

Khi chế biến các thực phẩm, cha mẹ nên chú ý chế biến mềm và nghiền nhỏ giúp thức ăn dễ tiêu hóa. Cha mẹ nên chia thành nhiều bữa nhỏ cho trẻ dễ hấp thụ. 

Tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng vẫn tiếp diễn sau khi trẻ khỏi tiêu chảy cấp nên việc cha mẹ cho trẻ ăn thêm thức ăn (trên lượng tiêu thụ thông thường) phải tiếp tục sau khi trẻ hết bệnh.

Lưu ý, trẻ bị tiêu chảy cấp nên hạn chế các loại ngũ cốc nguyên hạt, thịt nhiều gân xơ, thực phẩm nhiều đường vì điều này sẽ tăng áp lực thẩm thấu trong đường ruột , khiến tình trạng tiêu chảy trở nên tồi tệ hơn.

Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Trẻ dưới 6 tháng tuổi bị tiêu chảy cấp phải luôn được đưa đến bác sĩ. Bởi độ tuổi này, trẻ dễ bị mất nước và trở nặng bệnh nhanh mà người nhà không kịp nhận ra. 

Với trẻ lớn hơn, nên đưa trẻ đến viện ngay khi có các dấu hiệu sau đây:

  • Trẻ sinh non hoặc đang có vấn đề về sức khỏe
  • Trẻ có dấu hiệu mất nước, da khô, môi khô, phân có lẫn máu.
  • Trẻ nôn ói nhiều, không chịu ăn uống.
  • Tiêu chảy ra nước lượng nhiều, liên tục, tình trạng này không đỡ
  • Trẻ không thể uống đủ nước, điện giải
  • Trẻ mệt mỏi, quấy khóc liên tục, lờ đờ, ngủ nhiều, khó đánh thức
  • Tiêu chảy cấp ở trẻ không hết sau 7 ngày.
  • Trẻ co giật, sốt cao.

Tiêu chảy kéo dài hơn 14 ngày không được coi là tiêu chảy cấp tính. Liên hệ với bác sĩ của con bạn nếu trường hợp này xảy ra.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết