Cách chữa Đái Tháo Đường hiệu quả theo phương pháp kiềng ba chân
Cách chữa Đái Tháo Đường hiệu quả theo phương pháp kiềng ba chân
Ứng dụng phương pháp kiềng ba chân trong điều trị đái tháo đường
Ứng dụng phương pháp kiềng ba chân trong điều trị đái tháo đường - Ảnh: BookingCare

Cách chữa Đái Tháo Đường hiệu quả theo phương pháp kiềng ba chân

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 05/08/2023 | Cập nhật lần cuối: 04/10/2023
Để chữa bệnh tiểu đường hiệu quả cần phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc kiềng ba chân gồm: chế độ ăn uống, luyện tập và sử dụng thuốc.

Quá trình chữa bệnh tiểu đường rất phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ loại bệnh, giai đoạn bệnh đến triệu chứng, biến chứng của bệnh,... Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc chữa bệnh Đái Tháo Đường đều cần phải dựa trên nguyên tắc kiềng ba chân.

Phương pháp kiềng ba chân là gì? 

Ngoài yếu tố về di truyền, thì phần lớn nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh Đái Tháo Đường chính là do chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt không hợp lý. Phương pháp kiềng ba chân được các bác sĩ đưa ra, chính là dựa trên việc điều chỉnh lối sống, từ đó đưa các chuyển hóa cơ thể trở lại bình thường.

Nói đến kiềng ba chân ở đây chính là đề cập đến ba yếu tố quan trọng trong phác đồ điều trị bệnh Đái Tháo Đường, bao gồm: Chế độ ăn uống, chế độ tập luyện và sử dụng thuốc. Cụ thể như sau:

  • Chế độ ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp đến đường huyết. Lượng thực phẩm mà bạn nạp vào sẽ tỉ lệ thuận với mức độ tăng Glucose trong máu. Vì vậy, kiểm soát được những gì bạn ăn cũng sẽ giúp kiểm soát được lượng đường huyết
  • Vận động chính là một trong các cơ chế để xử lý các loại thức ăn nạp vào. Nếu bạn tiếp tục nạp vào mà không vận động, các tế bào trong cơ thể sẽ phải hoạt động hết công suất để chuyển hóa thức ăn thành năng lượng trong cơ thể. Trong đó, Insulin phải tiết ra với số lượng lớn, theo thời gian, tuyến tụy ngày càng suy yếu, không thể tiết đủ Insulin hoặc Insulin hoạt động không còn hiệu quả. Do đó, việc vận động là không thể thiếu trong điều trị tiểu đường
  • Sử dụng thuốc có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hóa đường Glucose trong cơ thể, giảm áp lực cho tuyến tụy

Ba yếu tố trên không thể tách rời riêng lẻ mà cần phối hợp nhịp nhàng với nhau để có được hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất.

Để giúp người bệnh, người nhà tham khảo thông tin tin cậy, hữu ích trong chăm sóc, điều trị bệnh đái tháo đường tại nhà, BookingCare chia sẻ tới bạn đọc cẩm nang "4 bước Sống khỏe với bệnh Tiểu đường". Tìm hiểu ngay!

Ứng dụng phương pháp kiềng ba chân trong điều trị tiểu đường

Cách chữa Đái Tháo Đường theo phương pháp kiềng ba chân Infographic - Ảnh: BookingCare
Cách chữa Đái Tháo Đường theo phương pháp kiềng ba chân Infographic - Ảnh: BookingCare

Với mỗi tình trạng bệnh khác nhau thì việc ứng dụng phương pháp kiềng ba chân trong chữa trị bệnh cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có các nguyên tắc chung khi áp dụng mà người bệnh cần tuân thủ:

Chế độ ăn uống lành mạnh

Về việc lựa chọn thức ăn, ưu tiên đầu tiên đối với người bệnh Đái Tháo Đường chính là ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết ( GI - Glycemic Index) thấp. Chỉ số đường huyết của thực phẩm là chí số đánh giá khả năng hấp thụ và khả năng làm tăng đường huyết sau khi nạp vào trong cơ thể.

Dựa vào chỉ số GI của thực phẩm, các chuyên gia sẽ phân loại thành ba nhóm:

  • Nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (GI: 0-55): Mì , nui , bún , bánh phở , đậu xanh , đậu đen , đậu nành , táo , ổi …
  • Nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết trung bình (GI: 56-69): Cơm , nho , Pizza , nước ép trái cây ( cam , bưởi , đào , dứa …) 
  • Nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết cao (GI: 70-100): Đường mía , mật ong , mạch nha , sữa đặc , khoai , bắp , bánh mì , cà rốt , củ cải trắng , dứa , dưa hấu …

Bên cạnh đó , Chỉ số Tải đường huyết ( Glycemic Load ) = GI/100 x lượng Carbohydrate trong thức ăn .

Ví dụ : Táo có chỉ số đường huyết thấp nhưng ăn nhiều thì chỉ số Tải đường huyết cao sẽ làm tăng đường huyết .

Phân loại các nhóm thực phẩm theo chỉ số đường huyết
Phân loại các nhóm thực phẩm theo chỉ số đường huyết - Ảnh: bvnguyentriphuong

Người bệnh nên ăn đủ ba bữa chính để kiểm soát được tổng năng lượng trong ngày, ăn đúng giờ, không bỏ cữ ăn (để tránh nguy cơ hạ đường huyết khi bỏ bữa, bữa ăn sau đó sẽ ăn bù lại và nhiều hơn), ăn chậm nhai kỹ. Nếu có ăn thêm bữa phụ thì cần sự hướng dẫn của bác sĩ để tính toán năng lượng nằm trong tổng năng lượng trong ngày.

Tham gia cộng động "Sống khỏe cùng bệnh tiểu đường" để nâng cao kiến thức về bệnh từ các bác sĩ chuyên khoa, giúp điều trị, kiểm soát bệnh tiểu đường ngay tại nhà.

Chế độ vận động hợp lý

Với bệnh Đái Tháo Đường, việc vận động là quan trọng và cần thiết để chữa trị bệnh. Tuy nhiên, người bệnh nên lưu ý một số điều sau khi vận động để đảm bảo an toàn:

  • Nếu bạn vốn là một người ít vận động, hãy bắt đầu tập luyện bằng những bài tập đơn giản, bao gồm đi bộ, đạp xe, bơi lội, tập yoga,...
  • Cần duy trì việc luyện tập, tốt nhất là mỗi ngày khoảng 30 phút hoặc có thể duy trì mỗi tuần 150 phút, không nghỉ tập quá 2 ngày liên tiếp . Nếu không có thời gian tập liên tục 30 phút trong ngày thì nên chia ra mỗi lần 10 phút , 3 lần trong ngày. Bắt đầu có thể tập ít và tăng dần cho đến khi đủ 30 phút mỗi ngày 
  • Thực hiện các bài tập thể dục từ cơ bản đến nâng cao, tránh tập luyện ở cường độ cao ngay từ bắt đầu, rất dễ xảy ra chấn thương và còn có thể bị hạ đường huyết
  • Cần kiểm tra đường huyết trước và sau khi tập luyện, đặc biệt là với người bệnh mắc tiểu đường típ 1
  • Trong quá trình tập luyện cần đảm bảo bù đủ nước nhưng nên hạn chế các đồ uống thể thao làm tăng nồng độ glucose trong máu

Chế độ dùng thuốc theo chỉ định từ bác sĩ

Sử dụng thuốc cho người bệnh tiểu đường phụ thuộc vào loại bệnh, tình trạng sức khỏe tổng thể và hướng dẫn từ bác sĩ. 

  • Với bệnh Đái Tháo Đường típ 1, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất ra Insulin, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng thuốc tiêm Insulin bổ sung. Liều lượng và lịch trình tiêm insulin sẽ được bác sĩ chỉ định dựa trên tình trạng của người bệnh
  • Với bệnh Đái Tháo Đường típ 2. cần điều trị bằng thuốc với mục đích cải thiện tình trạng kháng Insulin, tăng chuyển hóa glucose trong cơ thể. Một số nhóm thuốc thường được bác sĩ kê đơn như:
    • Nhóm thuốc giúp giảm đề kháng Insulin: Metformin , Thiazolidinediones (rosiglitazone, pioglitazone,...)
    • Nhóm thuốc kích thích Tụy tăng tiết Insulin: Sulfonylurea, Glinide …
    • Nhóm thuốc ức chế hấp thụ đường sau khi ăn: các loại thuốc ức chế men alpha-glucosidase như: Acarbose
    • Nhóm ức chế men Dipeptidine Peptidase -4 ( ức chế DPP – 4 ): kích thích tiết Insulin, ức chế tiết Glucagon ( Linagliptin, Sitagliptin, Vildagliptin, Saxagliptin …)
    • Nhóm ức chế kênh SGLT -2: tăng thải đường ra nước tiểu, từ đó làm giảm nồng độ Glucose máu ( Empagliflozin, Dapagliflozin)
    • Nhóm đồng vận Incretine (GLP-1 )

Ngoài ra, một số các loại thuốc giúp kiểm soát huyết áp và cholesterol (ACE inhibitors, ARBs và statins,...) cũng sẽ được chỉ định sử dụng.

Muốn áp dụng hiệu quả nguyên tắc kiềng ba chân vào việc chữa trị Đái Tháo Đường, người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn điều trị từ các bác sĩ Nội tiết. Đồng thời, cần đến các cơ sở y tế để khám ngay khi bắt gặp các triệu chứng bất thường của cơ thể.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare