Cách hạ huyết áp bằng dân gian: Một số cách tự nhiên và lưu ý

Tác giả: - Xuất bản: 02/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 19/12/2024
Tập thể dục và đi bộ nhẹ nhàng
Một số cách tự nhiên để hạ huyết áp và lưu ý - Ảnh: BookingCare
Cách hạ huyết áp bằng dân gian hay cách hạ huyết áp tự nhiên không dùng thuốc được nhiều người tìm kiếm. Nội dung bài viết sẽ đưa ra một số cách để hạ huyết áp tự nhiên và lưu ý cho người bệnh.

Với người bệnh đã được chẩn đoán tăng huyết áp, làm thế nào để kiểm soát huyết áp ổn định là câu hỏi thường trực bởi huyết áp cao là bệnh mạn tính, cần điều trị lâu dài. 

Hiện nay, bên cạnh điều trị nội khoa bằng thuốc, nhiều người có xu hướng sử dụng các bài thuốc dân gian, Đông y, cách hạ huyết áp tự nhiên,... để điều trị bệnh. Cách hạ huyết áp không dùng thuốc hay cách hạ huyết áp dân gian do vậy cũng được nhiều người tìm kiếm. 

Lưu ý khi hạ huyết áp bằng dân gian, không dùng thuốc

Chữa bệnh không dùng thuốc nói chung đang là xu hướng mà nhiều người lựa chọn vì lo ngại sử dụng thuốc tây có ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe, có tác dụng phụ. Không ít người bệnh huyết áp cao, thường tìm kiếm cách hạ huyết áp dân gian, uống lá cây gì để hạ huyết áp,... 

Tuy nhiên, lời khuyên cho người bệnh là các biện pháp trị bệnh không dùng thuốc này nên là điều trị kết hợp, không thay thế hoàn toàn thuốc điều trị bệnh.

Trong điều trị tăng huyết áp cần kết hợp việc dùng thuốc theo chỉ định, phác đồ của bác sĩ, đồng thời kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao, thay đổi thói quen sinh hoạt. 

Khi bị tăng huyết áp nếu tình trạng bệnh ở mức độ trung bình và nhẹ, bác sĩ sẽ cho chỉ định thực hiện chế độ không sử dụng thuốc là thay đổi lối sống trong vòng 1 - 2 tháng hay 1 - 2 tuần. Nếu không giảm huyết áp như mục tiêu đề ra sẽ kết hợp với thuốc để kiểm soát huyết áp.

Tránh:

  • Không tuân thủ phác đồ của bác sĩ mà tự ý dừng thuốc, chuyển sang dùng thuốc Nam, thuốc Bắc.
  • Tự ý quyết định phương pháp chữa bệnh dễ dẫn đến hậu quả. 
  • Tránh uống theo đơn thuốc trên mạng mà không biết tình trạng bệnh, tình trạng sức khỏe của mình như thế nào. 

Để chữa bệnh dù theo phương pháp nào bao giờ cũng phải được chẩn đoán bệnh trước tiên. Trên cơ sở đó bác sĩ mới đưa ra phác đồ điều trị. Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. 

Một số thói quen/cách sai lầm khi hạ huyết áp

  • Cạo gió để hạ huyết áp: Trong trường hợp này cạo gió có thể làm giãn mạch và làm cho tình trạng thiếu máu não trở nên nghiêm trọng. Người bệnh có thể bị méo miệng, mắt không thể khép lại được. 
  • Sử dụng vòng điều hòa đeo cổ làm giảm huyết áp: "Các nghiên cứu đã chứng minh vòng điều hòa huyết áp không có tác dụng ổn định huyết áp, lưu thông máu, chống đau nhức mỏi vai cổ, không gây cảm giác chóng mặt say xe."

Một số thực phẩm giúp hạ huyết áp

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số loại thực phẩm - chẳng hạn như trái cây, rau, quả hạch và dầu cá - có thể làm giảm huyết áp. Kết hợp những thực phẩm này trong chế độ ăn uống cũng sẽ có lợi sức khỏe lâu dài.

  • Chuối: Chuối chứa kali, có thể giúp kiểm soát chứng tăng huyết áp. Một quả chuối cỡ trung bình chứa khoảng 422 miligam (mg) kali.
  • Tỏi: Tỏi có đặc tính kháng sinh và kháng nấm, nhiều trong số đó có thể là do hoạt chất chính của nó - allicin. Một đánh giá năm 2020 kết luận rằng tỏi có thể làm giảm huyết áp. Tỏi có thể làm tăng hương vị của nhiều món ăn mặn, bao gồm các món xào, súp. Nó cũng có thể là một hương liệu thay thế cho muối.
  • Cần tây: Trong cần tây có chứa chất hóa học tự nhiên apigenin giúp ngừa chứng huyết áp cao và giúp giãn nở mạch. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh rau cần có tác dụng hạ huyết áp rõ rệt. 
  • Mướp đắng: Kali trong mướp đắng có tác dụng giảm huyết áp. (tốt cho những bệnh nhân huyết áp cao). Tuy nhiên, nếu ăn mướp đắng quá nhiều sẽ dẫn đến huyết áp thấp, gây đau đầu, chóng mặt.
  • ...

Một số cách tự nhiên khác giúp hạ huyết áp

Tích cực thay đổi lối sống là cách hiệu quả để giảm huyết áp và ngăn ngừa bệnh tiến triển, đồng thời giảm được số thuốc cần dùng.

  • Tập thể dục và đi bộ nhẹ nhàng, thực hiện đều đặn hàng ngày khoảng từ 30 - 45 phút
  • Thực hiện giảm cân nếu quá cân: Khi giảm được 1kg cân nặng có thể giúp giảm 1mmHg huyết áp tâm trương. 
  • Giảm ăn mặn, nên ăn dưới <5g/ngày (một muỗng cà phê), lưu ý muối không chỉ là muối tinh mà muối còn có trong bột nêm, bột canh, nước mắm và một số loại gia vị khác.
  • Tuyệt đối không hút thuốc lá, thuốc lào.
  • Hạn chế uống rượu, bia: Rượu bia làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và với những người đang bị huyết áp cao, uống rượu bia càng nguy hiểm hơn. 
  • Cần chú ý đến cảm xúc của bản thân và có các biện pháp để giảm căng thẳng: tập yoga, đi dạo ngoài trời, suy nghĩ đơn giản và tích cực, ngủ đủ giấc,... Lo âu, căng thẳng gây ảnh hưởng nhiều đến chỉ số huyết áp, làm huyết áp tăng lên. 

Bạn đọc có thể chủ động tìm kiếm thông tin trên mạng về y học để có thêm kiến thức trong việc chăm sóc sức khỏe, chủ động phòng ngừa các dấu hiệu, biến chứng bệnh. Tuy nhiên, không thể thay thế chẩn đoán từ bác sĩ, người bệnh phải được thăm khám, đưa ra chỉ định từ bác sĩ chuyên môn.