Việc lựa chọn thời điểm khi nào cần xét nghiệm sốt xuất huyết là một yếu tố quan trọng để phát hiện chắc chắn virus và tiến hành biện pháp điều trị kịp thời.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm chưa có thuốc đặc trị, vì vậy việc phòng bệnh trong đó có thực hiện xét nghiệm là điều vô cùng cần thiết.
Sốt xuất huyết lây truyền như thế nào?
Sốt xuất huyết thường xuất hiện và bùng phát mạnh mẽ vào các tháng mùa mưa, nóng ẩm. Đó là thời điểm muỗi vằn - vật trung gian có điều kiện phát triển và lây truyền virus trong cộng đồng. Hầu hết các ca mắc sốt xuất huyết được phát hiện đều lây truyền qua đường muỗi đốt.
Ngoài ra, sốt xuất huyết còn có thể lây truyền từ mẹ sang con, các mẫu máu nhiễm bệnh, hiến tạng,... Tuy nhiên, tỷ lệ lây truyền theo chiều dọc này thường khá thấp.
Dấu hiệu cảnh báo cần xét nghiệm sốt xuất huyết
Các dấu hiệu của sốt xuất huyết khá giống với các bệnh virus khác như sốt rét, zika hoặc sốt thương hàn. Cách hiệu quả nhất để chẩn đoán chính là thực hiện các xét nghiệm sốt xuất huyết để tìm ra virus gây bệnh. Người bệnh có thể thực hiện làm xét nghiệm nếu xuất hiện các triệu chứng như:
- Sốt cao trên 40 độ.
- Đau nhức các cơ, xương, khớp gối, khớp tay.
- Đau đầu.
- Đau quanh vùng mắt.
- Cơ thể phát ban, xuất huyết dưới da.
- Đau bụng dữ dội.
- Đi ngoài ra máu.
- Nôn mửa dai dẳng (hơn 3 lần trong vòng 24 giờ).
- Khó thở hoặc thở nhanh.
- Mệt mỏi, khó chịu, bồn chồn.
Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết thường kéo dài từ 2 đến 7 ngày. Hầu hết mọi người sẽ hồi phục sau khoảng một tuần. Sốt xuất huyết thường bắt đầu sau khoảng 4 - 10 ngày kể từ khi bị muỗi đốt.
Thời gian nguy hiểm nhất của bệnh bắt đầu từ ngày thứ 3 đến khoảng ngày thứ 7 sau khi khởi phát triệu chứng (thường là sốt). Vì vậy, nếu có dấu hiệu sốt đến ngày thứ 2 người bệnh nên đi khám để được tư vấn làm các xét nghiệm phù hợp.
Lưu ý sau khi làm xét nghiệm sốt xuất huyết
Trong trường hợp xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết, khi xuất hiện các triệu chứng ở mức độ nhẹ (sốt, đau đầu, mỏi cơ), người bệnh cần được bổ sung nước liên tục và theo dõi tình hình sức khỏe trong khoảng 5 - 7 ngày. Nếu xuất hiện các dấu hiệu nặng hơn, người bệnh cần được bác sĩ thăm khám và can thiệp để tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra.
Đối với những người đang sống tại khu vực bùng phát hoặc có nguy cơ cao xảy ra sốt xuất huyết, mỗi cá nhân cần tự theo dõi và làm xét nghiệm sau khoảng 2 - 3 ngày. Trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu mắc bệnh, mỗi người cần tiến hành các xét nghiệm sốt xuất huyết phù hợp để kiểm soát bệnh và điều trị kịp thời.
Trên đây là những lưu ý về thời điểm khi nào cần xét nghiệm sốt xuất huyết, hy vọng thông tin này sẽ giúp ích cho mọi người trong việc dự đoán thời gian để tiến hành xét nghiệm khi cần thiết.