Xuất bản: 31/01/2024 | Cập nhật lần cuối: 05/02/2024
Ho, chảy mũi, nhức mắt , ớn lạnh là các triệu chứng hay gặp của bệnh cảm lạnh - Ảnh: BookingCare
Trong những ngày không khí lạnh của mùa đông, thời tiết giao mùa thay đổi, dễ khiến nhiều người bị cảm lạnh. Vậy cảm lạnh là bệnh gì, nguyên nhân, triệu chứng và điều trị như thế nào, cùng BookingCare tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Cảm lạnh không chỉ mang đến những triệu chứng phiền toái đến cuộc sống như sổ mũi, hoặc đau họng, mà còn là một lời nhắc nhở về sự suy giảm “sức mạnh” của hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Bài viết này sẽ đề cập đến các khía cạnh chính của cảm lạnh, từ nguyên nhân, triệu chứng đến cách điều trị hiệu quả.
Cảm lạnh là gì?
Cảm lạnh là bệnh viêm đường hô hấp thông thường do virus,, thường gây ra các triệu trên đường hô hấp trên. Bệnh thường lành tính, tự khỏi. Cảm lạnh khác với cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản do vi khuẩn. Bệnh gặp nhiều khi thời tiết thay đổi, khí hậu lạnh, mưa ẩm. Người bị cảm lạnh thường gặp sau khi tiếp xúc lạnh như đi mưa, uống nước đá.
Bất kỳ ai cũng có thể gặp bệnh cảm lạnh. Trẻ dưới 6 tuổi có nguy cơ bị cảm lạnh cao hơn, những người khác có thể bị cảm lạnh 2-3 lần trong một năm.
Đa phần bệnh cảm lạnh tự khỏi sau 5-10 ngày, nếu không điều trị bệnh có thể kéo dài và gây triệu chứng khó chịu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hằng ngày.
Nguyên nhân gây cảm lạnh
Nguyên nhân gây cảm lạnh chủ yếu là do virus gây nên. Khoảng 50% số các trường hợp bị cảm lạnh là do một trong hơn 100 tuýp huyết thanh của nhóm Rhinovirus, ngoài ra còn có một số loại virus phổ biến khác như Enterovirus, RSV, …
Một số điều kiện thuận lợi như lạnh, nhiễm nước mưa, khí hậu thay đổi, khiến cho hệ miễn dịch không đủ mạnh để ngăn cản sự xâm nhập của các loại virus, stress tâm lý, rối loạn giấc ngủ
Con đường lây nhiễm chủ yếu của các virus gây bệnh cảm cúm là do tiếp xúc các giọt bắn dịch tiết qua mũi họng, khi người bệnh ho hay hắt hơi. Một số ít có thể lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với bàn tay của người bệnh hoặc gián tiếp dụng cụ, bề mặt có bám virus.
Triệu chứng và diễn biến của bệnh cảm lạnh
Các triệu chứng của cảm lạnh thường biểu hiện bởi các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên, Các triệu chứng thường gặp là
Đau đầu, ớn lạnh, đau mỏi người, mệt mỏi: là biểu hiện sớm, thường xảy ra sau khi người bệnh tiếp xúc lạnh như mới đi ngoài trời lạnh, ăn uống đồ lạnh, …
Hắt hơi, đau rát họng, ho khan: ban đầu hắt hơi từng tràng, đó là cơ chế bảo vệ của cơ thể, những ngày sau đó xuất hiện rát họng, đau họng. Ho thường là ho khan, nặng hơn về đêm khiến người bệnh khó ngủ. triệu chứng ho có thể còn lại từ vài tuần sau khi khỏi cảm lạnh.
Triệu chứng ở mũi gồm ngạt mũi chảy nước mũi. Ở những ngày đầu nước mũi thường mũi trong, loãng. Sau một vài ngày có thể chuyển sang màu xanh, vàng do tăng số lượng và hoạt tính enzyme của tế bào đa nhân, màu sắc của nước mũi không hoàn toàn liên quan đến tình trạng nhiễm khuẩn như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Đau nhức hốc mắt, chảy nước mắt: kèm với triệu chứng chảy mũi, người bệnh cảm thấy nhức hốc mắt, mắt có thể đỏ, sau đó chảy nước mắt.
Sốt: thường là sốt nhẹ đến vừa ở những ngày đầu ở những ngày đầu, trong cảm lạnh thông thường triệu chứng sốt không phải triệu chứng đặc trưng.Sốt thường gặp ở trẻ em hơn so với người lớn
Các triệu chứng trên thường không xuất hiện cùng nhau, mà xuất hiện theo từng giai đoạn bệnh
Giai đoạn đầu: thông thường cảm lạnh từ ngày thứ 1 – 3, người bệnh sẽ có biểu hiện hơi ngứa ở cổ, một vài cái hắt hơi hoặc cơn nhức đầu nhẹ có thể xuất hiện trong vài ngày đầu tiên. Tuy nhiên, đôi khi các triệu chứng thoáng qua và không nhận biết được. Có thể là sáng hôm sau khi thức dậy, cổ họng bắt đầu ngứa ran và bắt đầu cảm thấy uể oải. Đây cũng là thời điểm bệnh có thể phát tán và lây lan virus sang những người xung quanh. Vì thế, hãy đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần với người khác.
Ở giai đoạn 2: thông thường cảm lạnh từ ngày thứ 4 – 7 người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi nhất, bởi đây là lúc số lượng và mức độ hoạt động của virus cao nhất và hệ miễn dịch phản kháng mạnh mẽ nhất. Các triệu chứng hắt hơi, chảy mũi, ho trở nên trầm trọng hơn, kèm theo có thể bị sốt. Trong khoảng thời gian này, người bệnh cần được nghỉ ngơi nhiều hơn và có chế độ ăn uống hợp lý. Bên cạnh đó, người bệnh vẫn phải cách ly với những người xung quanh, vì virus vẫn có khả năng lây lan.
Ở giai đoạn 3: cảm lạnh từ ngày thứ 8 – 10, người bệnh sẽ thấy đỡ mệt hơn, bởi đây là giai đoạn phục hồi, vì cảm lạnh thông thường sẽ kết thúc sau 8 - 10 ngày. Người bệnh sẽ cảm thấy khỏe hơn và bắt đầu muốn ăn nhiều thứ hơn. Triệu chứng còn sót lại cuối cùng sau 10 ngày thường là ho khan.
Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ và các triệu chứng tiếp tục nặng lên. Khi đó, người bệnh cần được đưa đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Điều trị cảm lạnh hiệu quả
Cảm lạnh là một bệnh viêm đường hô hấp cấp thông thường, đa số người bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Việc điều trị giúp người bệnh giảm bớt các triệu chứng khó chịu và bệnh nhanh khỏi.
Điều trị cảm lạnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, bao gồm:
Thuốc giảm đau hạ sốt: có thể sử dụng Paracetamol để hạ sốt, trường hợp trẻ em có thể dùng dưới dạng siro như Hapacol, nếu trường hợp sốt cao dùng Paracetamol không cải thiện nhiều có thể dùng xen kẽ Ibuprofen.
Một vài thuốc cảm cúm thông thường có thể sử dụng tại nhà như Tiffy, cảm xuyên hương, thuốc cảm siro thảo dược…
Thuốc kháng histamin: Các thuốc kháng histamin như cetirizin, loratadin, fexofenadine có tác dụng giảm chảy mũi, giảm ngạt mũi,
Điều trị ho: Sử dụng các thuốc giảm ho như dextromethorphan, kháng histamin. Ở trẻ em có thể bổ sung 2,5 - 5ml mật ong buổi tối trước khi đi ngủ có hiệu quả cải thiện triệu chứng ho ,
Vệ sinh họng súc họng nước muối, 2-4 lần/ ngày, giúp sát khuẩn và làm dịu cơn đau họng.
Xịt rửa mũi bằng các dung dịch rửa mũi có sẵn giúp làm cải thiện triệu chứng của cảm lạnh
Tăng cường sức đề kháng bằng cách dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung vitamin cho cơ thể, ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, bổ sung kẽm. Tập luyện, vận động nhẹ nhàng theo thể lực.
Uống nhiều nước, chủ động uống nước không để khát mới uống. Uống nước ấm, có thể sử dụng nước trà gừng, mật ong ấm giúp cổ họng được làm ấm và giảm ho cũng như đau rát họng.
Nghỉ ngơi, thư giãn, tránh căng thẳng, stress.
Phòng ngừa cảm lạnh trong thời tiết giao mùa, khí hậu lạnh
Khác với cảm cúm hay covid 19, cảm lạnh thông thường không có vắc xin phòng ngừa, chính vì vậy biện pháp phòng ngừa duy nhất là thay đổi các thói quen sống bao gồm:
Giữ ấm cơ thể đặc biệt là vùng cổ, tay chân, đặc biệt khi đi ra ngoài.
Vệ sinh cơ thể, rửa tay thường xuyên, tránh tắm khuya, tắm muộn.
Ngủ đủ giấc, tránh stress.
Đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người.
Uống đủ nước, tăng cường dinh dưỡng và các vitamin, vận động thể dục thể thao, giúp tăng đề kháng cho cơ thể.
Không hút thuốc
Súc họng thường xuyên bằng nước muối.
Hạn chế tiếp xúc các đồ vật với người mắc cảm lạnh, thường xuyên vệ sinh các bề mặt bàn, ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập ở các trường mầm non, mẫu giáo.
Cảm lạnh là một bệnh nhiễm virus đường hô hấp thông thường, nhưng lại gây nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của người bệnh. Với sự hiểu biết về cảm lạnh từ nguyên nhân, triệu chứng, chăm sóc đúng đắn và các biện pháp phòng ngừa, chúng ta có thể giảm thiểu tác động của nó đến đời sống hằng ngày. Việc giữ gìn sức khỏe và tuân thủ các biện pháp vệ sinh cá nhân là chìa khóa để tránh cảm lạnh và duy trì một cuộc sống khỏe mạnh.