Cần làm gì để sơ cứu vết thương hở?
Cần làm gì để sơ cứu vết thương hở?
Tìm hiểu cách sơ cứu vết thương hở
Sơ cứu vết thương hở cần phải thật thận trọng và chuẩn xác - Ảnh: BookingCare

Cần làm gì để sơ cứu vết thương hở?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 26/04/2024 | Cập nhật lần cuối: 12/05/2024
Tất cả các vết thương xé rách, cào xước và tai nạn chấn thương đều phải coi là vết thương bẩn và cần vệ sinh sát trùng cẩn thận. Vì vậy việc sơ cứu vết thương hở cần phải thật thận trọng và chuẩn xác để tránh các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Các chấn thương khi làm việc hay trong sinh hoạt hàng ngày rất thường hay xảy ra. Các chấn thương nhẹ như vết cắt, trầy xước thông thường không quá nghiêm trọng và có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên có những vết thương nghiêm trọng như vết thương lớn, sâu chảy máu nhiều hay vết thương do đâm xuyên có dị vật thì rất cần sự can thiệp y tế kịp thời.

Vì vậy việc sơ cứu vết thương chính xác và kịp thời có thể góp phần cứu sống người bệnh. Cùng BookingCare tìm hiểu các phương pháp sơ cứu vết thương hở qua bài viết dưới đây.

Vết thương hở là gì?

Vết thương hở là một vết rách trên da hoặc niêm mạc khiến mô bên trong lộ ra ngoài, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như té ngã, chấn thương, va đập hoặc phẫu thuật.

Phân loại vết thương hở

Trong hầu hết các trường hợp vết thương hở, có thể thực hiện theo cách xử lý vết thương cơ bản. Tuy nhiên, có thể có một số khác biệt tùy thuộc vào loại vết thương hở.

Có 4 loại vết thương hở bao gồm: vết trầy xước, vết rách, vết thương đâm xuyên, vết thương giật đứt.

  • Vết trầy xước: Đây một loại vết thương hở do dạ cọ xát vào bề mặt thô ráp. Đây là những chấn thương rất phổ biến và thường xảy ra ở khuỷu tay, đầu gối, cẳng chân và chi trên.
  • Vết rách là vết cắt sâu hoặc vết rách trên da. Nguyên nhân của trường hợp này thường do tai nạn với dao, dụng cụ, máy móc. Trong trường hợp vết rách sâu, máu có thể chảy nhanh và lan rộng.
  • Vết thương đâm xuyên là một vết thương sâu xảy ra do vật sắc nhọn, chẳng hạn như đinh, mảnh vỡ, gai nhọn, gai nhọn. Vết thương trên da nhỏ, vết đâm có thể không chảy máu nhiều.
  • Vết thương giật đứt: là sự rách một phần hoặc toàn bộ da và mô bên dưới, thường xảy ra trong các vụ tai nạn bạo lực, chẳng hạn như tai nạn đè nát cơ thể, vụ nổ và tiếng súng. Người bệnh trong trường hợp này chảy máu rất nhiều và nhanh chóng.
Vết trầy xước
Vết trầy xước được coi là một loại của vết thương hở - Ảnh:Pinterest

Nguyên tắc cơ bản khi xử lý vết thương hở

  • Rửa tay sạch sẽ trước và sau khi xử lý vết thương. Sử dụng dụng cụ vô trùng. Mang găng tay y tế nếu có thể.
  • Rửa vết thương bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn phù hợp. Rửa nhẹ nhàng từ trong ra ngoài, không chà xát mạnh. Nếu có vật gì mắc kẹt trong vết thương, hãy nhớ loại bỏ bằng dụng cụ vô trùng, tránh dùng tay hoặc dụng cụ bẩn.
  • Dùng gạc hoặc băng vô trùng che phủ hoàn toàn vết thương. Băng bó vừa đủ chặt, không quá lỏng hoặc quá chật
  • Cuối cùng, quan sát dấu hiệu nhiễm khuẩn mỗi ngày. Thay băng thường xuyên. Gặp bác sĩ ngay nếu vết thương lớn, chảy máu nhiều hoặc có dấu hiệu nhiễm khuẩn.

Các cách sơ cứu vết thương hở

Vết thương nhỏ: vết rách da, nông và sắc gọn

Chảy máu ra ngoài là điều tốt, giúp đẩy các chất bẩn trong vết thương ra ngoài vì vậy bạn không cần quá lo lắng.

  • Rửa tay để loại bỏ vi khuẩn.
  • Rửa vết thương bằng nước sạch, tốt nhất là dưới vòi nước chảy, có thể dùng nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội. Nếu vết thương bẩn có thể dùng xà phòng để rửa.
  • Sát trùng vết thương bằng dung dịch sát trùng.
  • Để khô tự nhiên rồi băng lại vết thương, không băng quá kín vết thương.

Vết thương lớn, sâu

  • Cầm máu bằng cách tạo áp lực trực tiếp vào vết thương bằng cách dùng một miếng vải sạch, gấp thành nhiều lớp ép vuông góc với vết cắt. Giữ tối thiểu 15 phút hoặc cho tới khi cầm máu. Nếu tiếp tục chảy máu thì băng ép 1 lớp vải quanh vết thương. Máu thấm qua băng tiếp tục đè thêm 1 lớp gạc nữa rồi băng lại. Gấp chi tối đa để các khối cơ đè ép làm máu ngưng chảy.
  • Vết thương động mạch cần dùng một ngón trỏ hoặc tay cái ấn chặt vào vị trí đường đi của động mạch. Nâng cao chi để chỗ chảy máu cao hơn tim
  • Nếu có dị vật hay chất bẩn cần nhẹ nhàng lấy ra bằng kẹp hoặc nhíp hay gạc vô trùng. Các dụng cụ trước khi đưa vào vết thương cần chú ý luộc ít nhất 5 phút và người sơ cứu đảm bảo đeo găng để tránh nhiễm trùng. Nếu người bị nạn đau thì không nên làm mà hãy che phủ vết thương băng lại và chờ hỗ trợ y tế hoặc đưa đến bệnh viện.

Vết thương đâm xuyên

Đối với vết thương đâm xuyên cần chú ý:

  • Tạo áp lực lên khu vực xung quanh vật đâm xuyên nhô ra để cầm máu.
  • Đặt miếng đệm xung quanh vật thể để tránh vật thể bị xoắn hoặc di chuyển, băng bó xung quanh miếng đệm để cố định vật thể đâm xuyên.
  • Nếu vật thể khá dài, hãy đảm bảo băng quấn quanh vật thể đã cố định một cách an toàn.
  • Tìm kiếm sự trợ giúp y tế nếu bị thương nặng hoặc nếu bạn không thể di chuyển nạn nhân một cách an toàn hãy gọi cấp cứu 115.
  • Nếu là vật sắc nhọn ở tay hoặc chân như đinh, mảnh vỡ, gai nhọn có thể nhẹ nhàng rút ra theo hướng đâm xuyên, rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng, sau đó đến cơ sở y tế để tiêm phòng uốn ván và dự phòng nhiễm trùng.
  • Nếu lưỡi câu đâm vào da cần lấy một chiếc kìm cắt sát vào chân lưỡi câu rồi đẩy lưỡi câu xuyên qua da như khâu quần áo, lỗ thủng sẽ nhỏ và bạn chỉ đau một chút. Rửa lại bằng xà phòng và nước sạch
  • Nếu bị dằm đâm vào tay có thể dùng một chiếc kim khâu hơ qua lửa nóng để sát trùng rồi khều ra. Nếu không được thì ngâm ngón tay trong nước ấm 10 đến 15 phút rồi thực hiện lại.

Cần chú ý KHÔNG làm các điều sau đối với chấn thương đâm xuyên:

  • KHÔNG loại bỏ vật bị đâm như dao dâm vào ngực, bụng vì có thể ngăn ngừa mất máu đáng kể. Việc loại bỏ vật thể cũng có thể gây ra tổn thương lớn về cấu trúc và thần kinh. Việc này phải luôn được xử trí bởi một chuyên gia y tế.
  • KHÔNG gây áp lực lên người bị nạn.
  • KHÔNG cắt phần cuối của vật thể đâm xuyên trừ khi nó hoàn toàn không thể xử lý được và khiến bạn hoặc chuyên gia y tế gặp khó khăn trong việc di chuyển nạn nhân.

Vết thương giật đứt

Đối với loại chấn thương này, cần đảm bảo vùng bị thương được nghỉ ngơi và thường xuyên chườm đá. Sau đó cần đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Lưu ý gì khi sơ cứu bệnh nhân có vết thương hở?

  • Đảm bảo an toàn cho bản thân bằng cách sử dụng găng tay y tế, khẩu trang, kính bảo hộ nếu có thể. 
  • Xác định các nguy cơ tiềm ẩn như cháy nổ, sập đổ,... để đảm bảo an toàn cho bản thân và bệnh nhân. 
  • Chuẩn bị sẵn sàng các dụng cụ cần thiết như gạc, băng, dung dịch sát khuẩn, nhíp,...
  • Dụng cụ dùng để lấy dị vật trong vết thương cần được luộc ít nhất 5 phút trước và sau khi sử dụng.
  • Luôn chú ý đề phòng uốn ván và tình trạng nhiễm trùng.
  • Không sử dụng bông, giấy mềm để cầm máu vết thương hở vì sợi bông có thể dính vào tổ chức da và thịt.
Băng bó vết thương
Luôn đeo găng tay khi xử lý vết thương hở để đảm bảo an toàn, tránh nhiễm trùng - Ảnh:Canva

Vết thương hở là một chấn thương có thể gặp ở bất cứ ai và trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Sơ cứu vết thương hở đúng cách và kịp thời có thể giúp người bị nạn tránh khỏi những biến chứng như mất máu quá nhiều, nhiễm trùng,... Vì vậy việc nắm bắt được những kỹ năng sơ cứu vết thương hở chính xác giúp cho bạn có thể giúp đỡ cho mình và những người xung quanh.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết