Căng cơ đùi: Dấu hiệu, cách xử lý và phòng ngừa
Căng cơ đùi: Dấu hiệu, cách xử lý và phòng ngừa
Căng cơ đùi
Dấu hiệu, cách xử lý và phòng ngừa căng cơ đùi - Ảnh: BookingCare

Căng cơ đùi: Dấu hiệu, cách xử lý và phòng ngừa

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 05/01/2024 | Cập nhật lần cuối: 05/01/2024
Căng cơ đùi là loại căng cơ phổ biến, thường gặp trong hoạt động thể thao hoặc xảy ra do tai nạn. Cùng tìm hiểu về căng cơ đùi trong bài viết dưới đây để biết cách chăm sóc giảm đau, phòng ngừa chấn thương này đúng cách.

Một trong những chấn thương cơ đùi phổ biến nhất là căng cơ. Điều này đặc biệt phổ biến ở nhóm cơ gân kheo và cơ tứ đầu do chúng bắt chéo ở khớp hông và đầu gối. Căng cơ đùi xảy ra khi các cơ bị kéo giãn quá mức, thậm chí bị rách; hoặc bị kéo giãn đột ngột.

Giải phẫu vùng đùi và tìm hiểu về căng cơ đùi

Ở đùi có 3 bộ cơ chính là:

  • Nhóm cơ ở phía sau đùi (cơ nhị đầu đùi, cơ thon, cơ bán gân, bán màng): hỗ trợ, nâng đỡ cơ thể khi thực hiện các tư thế gập gối, khuỵu gối.
  • Cơ tứ đầu ở phía trước:  Nhóm cơ tứ đầu được tạo thành từ 4 cơ: cơ thẳng đùi, cơ rộng ngoài, cơ rộng giữa, cơ rộng trong. Cơ tứ đầu nằm ở phía trước của đùi, ngay trên đầu gối, có nhiệm vụ duỗi đầu gối và gập chân.
  • Cơ khép ở bên trong 

Thông thường, người bệnh có thể bị căng cơ đùi sau các hoạt động thể thao tốc độ cao như điền kinh, chạy vượt rào, nhảy xa, bóng đá, bóng rổ,...

Ngoài ra, tiền sử bị căng cơ hoặc chấn thương trước đó có thể làm tăng nguy cơ chấn thương lại ở cùng khu vực, đặc biệt nếu chấn thương trước đó không được điều trị thích hợp.

Vết rách ở cơ đùi được gọi là căng cơ đùi và tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng được phân loại là căng cơ cấp độ một, cấp độ hai hoặc cấp độ ba:

  • Căng cơ cấp độ 1 là tổn thương một số sợi cơ
  • Căng cơ cấp độ 2 là tổn thương nhiều sợi cơ.
  • Căng cơ cấp độ 3 là cả khối cơ bị đứt.

Các triệu chứng phổ biến của căng cơ đùi

Một số triệu chứng phổ biến cho thấy thấy cơ đùi đang bị căng, kéo giãn quá mức:

  • Đau đột ngột và dữ dội.
  • Vùng bị thương có thể bị đau chói khi chạm vào.
  • Có thể nhìn thấy vết bầm tím nếu mạch máu cũng bị vỡ.
  • Có thể thấy vùng đùi sưng, căng chắc
  • Có thể sờ thấy khối tụ máu trong cơ.

Sau chấn thương hoặc tai nạn, nếu nghi ngờ bị căng cơ đùi, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu, nghỉ ngơi ngay và thăm khám với bác sĩ (nếu cần) để được chẩn đoán xác định bệnh cũng như mức độ tổn thương cơ.

Cách giảm căng cơ đùi tại nhà

  • Hầu hết các tình trạng căng cơ có thể được điều trị bằng nghỉ ngơi, chườm lạnh, băng ép và kê cao chân. Điều này sẽ giúp hạn chế chảy máu, giảm đau và sưng tấy. 
    • Nghỉ ngơi sẽ làm giảm áp lực lên cơ và giảm đau. Tránh các hoạt động làm trầm trọng thêm thương tổn.
    • Chườm đá lên vùng bị ảnh hưởng có thể giúp giảm viêm và đau: Đặt đá hoặc túi nước đá vào một chiếc khăn mỏng và chườm trong 10 - 20 phút khoảng 3 - 4 lần một ngày. Không nên chườm trực tiếp đá lên da có thể gây bỏng lạnh.
    • Băng ép để ngăn ngừa sưng, hãy quấn nhẹ vùng đùi bị thương bằng vải hoặc băng thun để bó đùi lại.
    • Kê chân cao hơn tim khi nằm, nhằm giảm sưng tấy.
  • Sử dụng thuốc chống viêm không steroid, chẳng hạn như Ibuprofen để giảm đau.
  • Tập vật lý trị liệu
    • Khi cơn đau và sưng giảm bớt, tập vật lý trị liệu sẽ giúp cải thiện phạm vi chuyển động và sức mạnh. Các bài tập sức đề kháng nhẹ nhàng và kéo căng đùi rất quan trọng, giúp điều chỉnh các mô sẹo hình thành trong quá trình lành vết thương và tăng cường sức mạnh cơ đùi.
    • Khi cơ đùi khỏe hơn, các bài tập cải thiện và ổn định cơ lõi có thể được thực hiện, giúp cải thiện chức năng cơ trên thân và xương chậu, đồng thời giảm nguy cơ chấn thương gân kheo. 

Tình trạng căng cơ kéo dài bao lâu tùy thuộc vào mức độ căng. Hầu hết các tình trạng căng cơ sẽ lành sau vài tuần bằng các phương pháp điều trị tại nhà. Rất hiếm khi cần phải phẫu thuật vì căng cơ. Nếu bạn bị căng cơ nghiêm trọng (cấp độ 3) có thể cần phải phẫu thuật để sửa chữa cơ bị rách.

Phòng ngừa căng cơ đùi

Bạn có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau để giúp ngăn ngừa căng cơ đùi: 

  • Duy trì sức mạnh cơ bắp bằng các luyện tập thường xuyên
  • Khởi động kỹ trước bất kỳ buổi tập thể dục hoặc hoạt động thể thao nào.
  • Chơi thể thao với cường độ và thời gian vừa phải, tránh gây ra quá tải cho cơ xương
  • Dành thời gian để thư giãn sau khi tập thể dục.
  • Duy trì cân nặng phù hợp: Trọng lượng dư thừa có thể gây thêm áp lực dồn nén lên cơ bắp, làm cho căng cơ có nhiều khả năng xảy ra hơn.
Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare