Cảnh báo: Biến chứng nguy hiểm nứt kẽ hậu môn
Nứt kẽ hậu môn
Nứt kẽ hậu môn có nhiều biến chứng nguy hiểm - Ảnh: BookingCare

Cảnh báo: Biến chứng nguy hiểm nứt kẽ hậu môn

Tác giả: - Xuất bản: 01/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 04/03/2024
Nứt kẽ hậu môn thường gây đau hoặc chảy máu khi đi tiêu dẫn đến nhiều khó chịu và giảm chất lượng cuộc sống người bệnh. Bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị.

Mọi người thường dễ lầm tưởng nứt kẽ hậu môn với các bệnh lý vùng hậu môn trực tràng khác dẫn đến điều trị khó khăn, phức tạp và nhiều biến chứng. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân mang tâm lý ngại ngùng, sợ sệt nên không thăm khám phát hiện sớm và điều trị kịp thời, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Bạn đọc có thể tìm hiểu các biến chứng nứt kẽ hậu môn trong nội dung dưới đây. 

Các biến chứng nguy hiểm của nứt kẽ hậu môn

Nhiễm trùng vùng hậu môn

Hậu môn, trực tràng là cơ quan giúp cơ thể chứa và thải phân ra khỏi cơ thể. Đây là vùng chứa nhiều vi khuẩn. Khi cơ thể có vết nứt kẽ hậu môn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự nhiễm trùng ở khu vực này, nếu người bệnh không điều trị kịp thời vùng hậu môn, trực tràng có thể bị nhiễm trùng dẫn đến một số bệnh lý nguy hiểm như: áp xe hậu môn, rò hậu môn trực tràng,... 

Ở những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nên kèm theo như: đái tháo đường, suy gan, suy thận, suy giảm miễn dịch,... bệnh sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều. 

Nứt kẽ hậu môn mạn tính

Thường các vết nứt sẽ chóng lành với các phương pháp điều trị đơn giản, tuy nhiên nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời dẫn đến vết nứt không lành trong > 4-6 tuần sẽ được coi là vết nứt kẽ hậu môn mạn tính. Các phương pháp điều trị thể mạn tính sẽ phức tạp hơn. 

Vết nứt kẽ gây ảnh hưởng đến các cơ xung quanh

Vết nứt kẽ hậu môn, vết rách có thể ăn sâu đến cơ xung quanh như cơ thắt trong hậu môn. Chúng ảnh hưởng đến chức năng của cơ co thắt, người bệnh sẽ chảy máu và đau nhiều hơn mỗi thi đi đại tiện. Bên cạnh đó, việc điều trị vết nứt kéo dài đến cơ xung quanh sẽ khó khăn hơn.

Một số biến chứng khác

Ngoài ra nứt kẽ hậu môn còn có thể có một số biến chứng khác như: ứ đọng phân, biến dạng hậu môn, tái phát vết nứt kẽ hậu môn. Đặc biệt, một số bệnh nhân có thể không thể chữa lành vết nứt, loét kẽ hậu môn và cần phải điều trị can thiệp bằng các phương pháp phẫu thuật.

Nứt kẽ hậu môn gây nhiều khó chịu trong sinh hoạt và làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hầu hết các vết nứt hậu môn sẽ thuyên giảm bằng các phương pháp điều trị đơn giản như: xây dựng chế độ ăn giàu chất xơ, thường xuyên tập thể dục thể thao, hạn chế việc nhịn đi đại tiện, sử dụng một số thuốc không kê đơn nhằm làm mềm phân, thuốc giảm đau nứt hậu môn,...

Do đó, việc trang bị đủ kiến thức về bệnh nứt kẽ hậu môn giúp chúng ta bảo vệ sức khoẻ từ sớm, điều trị kịp thời và tránh các biến chứng nguy hiểm.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết