Nứt kẽ hậu môn: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Nứt kẽ hậu môn: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Nứt kẽ hậu môn
Nứt kẽ hậu môn là bệnh lý phổ biến ở vùng hậu môn trực tràng - Ảnh: BookingCare

Nứt kẽ hậu môn: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 28/01/2024 | Cập nhật lần cuối: 11/02/2024
Trong cuộc sống, chúng ta sẽ gặp phải “những vấn đề sức khỏe khó nói”. Nứt kẽ hậu môn là một bệnh điển hình cho ví dụ đó. Cùng Booking care tìm hiểu về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị nứt kẽ hậu môn.

Nứt kẽ hậu môn là vết rách, loét da vùng hậu môn, thường gây đau hoặc chảy máu khi đi tiêu. Đây là bệnh lý phổ biến thứ ba ở vùng hậu môn trực tràng, gây ra nhiều khó chịu và giảm chất lượng cuộc sống. Bệnh điều trị đơn giản nếu được phát hiện sớm bằng việc thay đổi lối sống, thay đổi thói quen ăn uống và dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời các vết nứt có thể tiến triển thành mạn tính và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Triệu chứng của nứt kẽ hậu môn

Một số dấu hiệu của nứt kẽ hậu môn, gồm:

  • Đau rát, kích thích vùng hậu môn: người bệnh sẽ cảm thấy đau nhiều ở vùng hậu môn. Mức độ đau phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Cơn đau có thể kéo dài đến vài giờ, gây nhiều khó chịu cho người bệnh nhất là lúc đi tiêu. Đôi khi người bệnh còn cảm thấy ngứa hay kích thích quanh hậu môn.
  • Vết rách hay loét hình vợt, bờ sắc gọn ở da vùng quanh hậu môn: khi quan sát da vùng quanh hậu môn bạn sẽ thấymột hoặc vài vết rách, loét da.
  • Máu đỏ tươi, dịch trên phân hoặc giấy vệ sinh sau khi đi tiêu. Chúng ta cũng có thể thấy khi chúng dây vào quần lót.
  • Vết sưng nhỏ ở hậu môn hoặc mẫu da thừa hậu môn.
  • Co thắt hậu môn.

Khi có một hoặc một vài biểu hiện trên, cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, phát hiện sớm và kịp thời điều trị nứt kẽ hậu môn.

Nguyên nhân gây bệnh

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nứt kẽ hậu môn, bao gồm:

  • Đi tiêu phân lớn hoặc cứng.
  • Táo bón và rặn nhiều khi đi tiêu.
  • Tiêu chảy kéo dài.
  • Chấn thương vùng hậu môn, trực tràng.
  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
  • Sinh con, sinh thường qua đường âm đạo.

Ngoài ra, một số bệnh lý cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh lý nứt kẽ hậu môn như: bệnh Crohn hoặc bệnh viêm ruột, bệnh ung thư hậu môn, hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ( HIV/AIDS), bệnh lao, bệnh giang mai vùng hậu môn, trực tràng hoặc ung thư máu.

Xét nghiệm và chẩn đoán nứt kẽ hậu môn thế nào?

Nứt kẽ hậu môn được phân thành hai loại dựa theo thời gian, bao gồm: nứt kẽ hậu môn cấp tính và mạn tính.

  • Nứt kẽ hậu môn cấp tính: các vết nứt hậu môn kéo dài dưới 4 - 6 tuần, đa số chúng có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình, lành nhanh bằng cách xử lý đơn giản mà không cần đến các thủ thuật.
  • Nứt hậu môn mãn tính: nứt hậu môn kéo dài hơn 06 tuần hoặc tái phát. Các triệu chứng của nứt hậu môn mãn tính thường trầm trọng hơn như: co thắt hậu môn, đau dữ dội và chảy máu khi đi đại tiện. Chỉ một số ít bệnh nhân có thể lành vết nứt mà không cần can thiệp, và hầu hết có thể không lành. 

Đa phần nứt kẽ hậu môn được chẩn đoán bằng đánh giá bằng quan sát, thăm khám trực tiếp và hỏi kỹ về bệnh sử để loại trừ các bệnh khác đi kèm. Bên cạnh đó, nếu nghi nhờ hoặc đối với các trường hợp khó điều trị các bác sĩ sẽ thực hiện thêm một số kỹ thuật hỗ trợ như nội soi ống hậu môn hoặc đo áp lực cơ thắt hậu môn.

Vet-nut-ke-hau-mon
Vết nứt kẽ hậu môn - Ảnh: uihc.org

Điều trị nứt kẽ hậu môn

Hiện nay đã có nhiều phương pháp điều trị nứt kẽ hậu môn. Tuy nhiên, đa số các vết rách, nứt sẽ lành trong vòng vài tuần nếu áp dụng đúng các phương pháp như:

  • Điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống  
    • Làm mềm phân, chống táo bón bằng thuốc hoặc thay đổi chế độ ăn uống giàu chất xơ
    • Sử dụng các thuốc bôi ngoài da giúp nhanh lành vết nứt
    • Sử dụng các thuốc giãn mạch, giảm co thắt cơ vùng hậu môn
  • Điều trị không dùng thuốc: các trường hợp mạn tính khó điều trị bằng thuốc hay thay đổi lối sống, các bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật cắt cơ vòng trong hậu môn. 

Biến chứng nguy hiểm của nứt kẽ hậu môn

Nứt kẽ hậu môn là bệnh lý liên quan trực tiếp đến bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Do vậy, nhiều bệnh nhân mang tâm lý ngại ngùng, sợ sệt nên không được thăm khám phát hiện sớm và điều trị kịp thời, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Một trong số những biến chứng có thể kể đến như: 

  • Không thể chữa lành vết nứt, loét kẽ hậu môn
  • Tái phát vết nứt kẽ hậu môn
  • Vết nứt trên hậu môn có thể ăn sâu đến cơ vòng trong hậu môn khiến quá trình chữa lành càng thêm khó khăn.
  • Nhiễm trùng: vùng hậu môn, trực tràng có thể bị nhiễm trùng dẫn đến các áp xe vùng hậu môn. Đặc biệt là trên các cơ địa nhiều bệnh lý nền như: đái tháo đường, suy gan, suy thận, suy giảm miễn dịch,...

Chăm sóc và sống chung với bệnh hiệu quả

Bên cạnh việc dùng thuốc hay các phương pháp phẫu thuật can thiệp điều trị nứt kẽ hậu môn, chúng ta còn nhiều cách chăm sóc và giúp sống chung với bệnh dễ dàng, hiệu quả như: 

  • Chế độ ăn kiêng trong bệnh nứt hậu môn: 
    • Các chuyên gia khuyên thực hiện chế độ ăn giàu chất xơ trong khẩu phần ăn mỗi ngày, uống đủ nước ngày đẻ giúp mềm phân  (khoảng 2 lít/ ngày), tránh uống quá nhiều rượu và các thức uống có chứa caffeine.
    • Ngoài ra còn có thể bổ sung thêm một số loại chất xơ như: ispaghula, methylcellulose, cám hoặc sterculia giúp ngăn ngừa táo bón.
  • Thuốc: Sử dụng thuốc trị nứt hậu môn OTC (không kê đơn) như thuốc làm mềm phân và thuốc giảm đau nứt hậu môn để giảm tiến triển của bệnh, bôi chất bôi trơn hoặc dầu bôi trơn vào hậu môn.
  • Thường xuyên tập thể dục thể thao.
  • Nên đi đại tiện ngay khi có cảm giác mắc, không nên cố gắng nhịn đi đại tiện vì có thể dẫn đến táo bón, phân trở nên cứng hơn có thể gây ra vết rách và đau đớn
  • Tránh ngồi lâu, căng thẳng và rặn nhiều vì có thể làm tăng áp lực ống hậu môn. 
  • Duy trì cân nặng ở mức lý tưởng.
  • Ngâm nước ấm: Việc này giúp đẩy nhanh quá trình lành vết nứt hậu môn. Ngồi trong bồn nước ấm hai hoặc ba lần một ngày trong 10 đến 15 phút có thể giúp làm sạch hậu môn, cải thiện lưu lượng máu và thư giãn cơ thắt hậu môn.
Nut ke hau mon: trieu chung, nguyen nhan va cach dieu tri
Chế độ ăn kiêng đóng vai trò quan trọng trong điều trị, phòng ngừa nứt kẽ hậu môn - Ảnh: Freepik

Nứt kẽ hậu môn gây nhiều khó chịu trong sinh hoạt và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hầu hết các vết nứt hậu môn sẽ thuyên giảm bằng các phương pháp điều trị đơn giản. Vì vậy hiểu biết rõ về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị nứt kẽ hậu môn giúp mỗi người bảo vệ sức khoẻ từ sớm, điều trị kịp thời và tránh biến chứng.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết