Nứt kẽ hậu môn có tự khỏi được không và các phương pháp điều trị
Bác sĩ thăm khám người bệnh nứt kẽ hậu môn
Các phương pháp điều trị nứt kẽ hậu môn - Ảnh: BookingCare

Nứt kẽ hậu môn có tự khỏi được không và các phương pháp điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 29/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 11/02/2024
Nứt kẽ hậu môn là bệnh lý phổ biến đứng hàng thứ ba vùng hậu môn, trực tràng. Liệu nứt kẽ hậu môn có thể tự khỏi được không và điều trị thế nào là hợp lý? Giải đáp sẽ có trong bài viết dưới đây.

Nứt kẽ hậu môn là vết rách, loét da vùng hậu môn, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh, điển hình nhất là đau hoặc chảy máu khi đi tiêu. Tỷ lệ mắc bệnh thường gặp ở người trẻ (<30 tuổi) và ngày càng gia tăng ở mọi lứa tuổi, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Cùng BookingCare tìm hiểu “Liệu nứt kẽ hậu môn có thể tự khỏi được không?” và các phương pháp điều trị hiện nay.

Nứt kẽ hậu môn có thể tự khỏi được không?

Đối với các vết nứt kẽ hậu môn kích thước nhỏ và chưa có biến chứng có thể hoàn toàn tự khỏi.

Các vết nứt này sẽ lành vòng vài tuần chỉ cần người bệnh biết thay đổi lối sống, tránh các yếu tố làm trầm trọng bệnh và áp dụng đúng các phương pháp chăm sóc sức khỏe, tránh táo bón, tránh tổn thương vùng hậu môn, bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, tập thể dục thể thao,...

Tuy nhiên, nếu vết nứt kẽ hậu môn không lành sau vài tuần thì cần được thăm khám và điều trị sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Các phương pháp điều trị nứt kẽ hậu môn

Điều trị không phẫu thuật

Thay đổi lối sống

Hạn chế tối đa việc nhịn đi đại tiện vì việc cố gắng nhịn làm cho phân cứng, khô và có kích thước lớn hơn dẫn đến việc đi đại tiện khó hơn và phải rặn nhiều. Điều này góp phần tạo nên các vết rách vùng hậu môn hoặc làm tầm trọng hơn các vết nứt kẽ hậu môn. 

Thường xuyên tập thể dục thể thao và duy trì cân nặng lý tưởng cũng là những phương pháp hiệu quả giúp giảm và ngăn ngừa các vết nứt vùng hậu môn. 

Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ và uống đủ nước

Khẩu phần giàu chất xơ sẽ giúp cho phân mềm và tăng tốc độ tiêu hóa. Tất cả các loại thực phẩm thực vật như: trái cây, rau, củ, quả và các ngũ cốc nguyên hạt đều có chứa chất xơ. 

Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, chúng ta nên ăn khoảng 25g chất xơ mỗi ngày cho phụ nữ và 38g cho nam giới. Sau 50 tuổi, cần ít chất xơ hơn, khoảng 21g đối với phụ nữ và 30g đối với nam giới. 

Ngoài ra, chất xơ còn giúp cơ thể: giảm mức cholesterol, giúp kiểm soát lượng đường trong máu và hỗ trợ đạt được cân nặng lý tưởng. 

Bên cạnh việc ăn giàu chất xơ thì uống đủ nước cũng góp phần điều trị các vết nứt kẽ hậu môn. Uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 1,5 lít/ngày tương đương 8 ly nước) làm hạn chế táo bón, hạn chế tối đa việc hình thành vết nứt hậu môn. Đặc biệt, lượng nước cần bổ sung nhiều hơn sau khi hoạt động thể chất hoặc vào thời tiết ấm. 

Tuy nhiên, không phải tất cả các loại đồ uống đều tốt. Chẳng hạn như uống nhiều rượu và Caffeine sẽ làm tăng khả năng mất nước, không tốt cho sức khỏe.

Bo-sung-thuc-pham-chat-xo-va-uong-du-nuoc
Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ và uống đủ nước - Ảnh: Freepik

Điều trị nứt kẽ hậu môn bằng thuốc

Nếu các phương pháp như thay đổi lối sống, thay đổi thói quen và ăn uống chưa mang lại hiệu quả tích cực. Các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp điều trị bằng thuốc. Các nhóm thuốc chính được sử dụng trong điều trị nứt kẽ hậu môn như:

  • Nhóm thuốc nhuận tràng: sorbitol, lactulose,... Nhóm thuốc bổ sung chất xơ: cellulose, methylcellulose,...
  • Nhóm thuốc giãn mạch, giảm đau, giảm áp lực cơ thắt hậu môn.
  • Các chế phẩm thuốc bôi ngoài da giúp nhanh lành vết nứt.

Các thuốc này sẽ giúp người bệnh giảm các triệu chứng và thúc đẩy quá trình làm lành các vết nứt kẽ vùng hậu môn. Lưu ý, người bệnh cần phải có được sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ khi sử dụng thuốc nhằm tránh các biến chứng hay các tác dụng phụ không mong muốn.

Điều trị phẫu thuật

Các trường hợp mạn tính khó điều trị bằng thuốc hay thay đổi lối sống, các bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật. Có hai loại phẫu thuật nứt kẽ hậu môn thường được áp dụng là:

  • Cắt bên cơ thắt trong hậu môn: Đây là thủ thuật được sử dụng phổ biến trong việc điều trị các vết nứt hậu môn. Các bác sĩ sẽ tiến hành tạo một vết cắt nhỏ ởcơ vòng trong hậu môn phía bên tương ứng với chiều dài khe nứt.
  • Cắt các mô xung quanh vết nứt: Trong thủ thuật này phần nứt hậu môn bị loại bỏ hoàn toàn để vết thương hở tự lành một cách tự nhiên, thường được kết hợp với cắt bên cơ vòng trong hậu môn hoặc kết hợp với các loại thuốc bổ trợ khác.

Phẫu thuật nứt kẽ hậu môn nhằm tạo ra một đường cắt làm cho cơ vòng trong hậu môn giảm co thắt, từ đó có thời gian để chữa lành.

Phuong-phap-dieu-tri-nut-ke-hau-mon
Phẫu thuật điều trị nứt kẽ hậu môn - Ảnh:Fascrs.org

Nứt kẽ hậu môn là bệnh lý phổ biến hiện vùng hậu môn trực tràng. Điều trị nứt kẽ hậu môn tương đối đơn giản. Tuy nhiên, bệnh nằm ở bộ phận nhạy cảm trên cơ thể khiến người bệnh dễ e ngại, tự ti để khám từ đó dẫn đến các biến chứng và khó điều trị.

Khi nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu nứt kẽ hậu môn cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để thăm khám, phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết