Châm cứu: Phương pháp chữa bệnh độc đáo của y học cổ truyền phương Đông
Châm cứu: Phương pháp chữa bệnh độc đáo của y học cổ truyền phương Đông
Châm cứu: Phương pháp chữa bệnh độc đáo của y học cổ truyền phương Đông
Châm cứu: Phương pháp chữa bệnh độc đáo của y học cổ truyền phương Đông - Ảnh: BookingCare

Châm cứu: Phương pháp chữa bệnh độc đáo của y học cổ truyền phương Đông

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 04/02/2024 | Cập nhật lần cuối: 02/03/2024
Châm cứu là gì? Những ai nên và không nên châm cứu? Tác dụng của châm cứu với sức khỏe là gì? Cùng tìm hiểu tất tần tật những vấn đề này qua bài viết dưới đây. 

Châm cứu là một trong những phương pháp chữa bệnh độc đáo của nền y học cổ truyền phương Đông. Châm cứu mang lại nhiều lợi ích với sức khỏe trong việc phòng và điều trị bệnh. Cùng tìm hiểu về phương pháp châm cứu qua bài viết dưới đây.

Châm cứu là gì?

Châm là dùng kim châm vào huyệt. 

Cứu là dùng sức nóng của ngải cháy hơ hoặc cứu trên huyệt để gây kích thích tới sự phản ứng của cơ thể (hệ kinh lạc) nhằm mục đích phòng và chữa bệnh. 

Trên lâm sàng, tùy theo tình trạng bệnh, thầy thuốc có thể áp dụng đơn thuần phép châm (hoặc cứu) hoặc kết hợp cả hai với các phương pháp khác để nâng cao hiệu quả chữa bệnh. 

Hiện nay, bên cạnh phương pháp châm truyền thống, còn có các phương pháp khác như điện châm, đầu châm, mãng châm, diện châm, nhĩ châm, tỵ châm, thủy châm, laser châm, châm tê… Mỗi phương pháp có ưu điểm riêng đối với từng mặt bệnh, được cân nhắc lựa chọn tùy theo tình trạng bệnh nhân. 

Châm là dùng kim châm vào huyệt - Ảnh: Freepik
Châm là dùng kim châm vào huyệt - Ảnh: Freepik

Cơ chế tác dụng của châm cứu 

Theo y học cổ truyền, bệnh tật phát sinh do có sự mất cân bằng âm dương gây ra bởi các tác nhân bên ngoài (tà khí lục dâm) hoặc do thể trạng suy nhược, sức đề kháng yếu (chính khí hư), hoặc do sự biến đổi bất thường về mặt tình cảm, tâm thần (nội nhân), cũng có thể do các nguyên nhân khác như thể chất người bệnh quá kém, sự ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt không điều độ,…

Các tác nhân này làm rối loạn chức năng các tạng phủ, khí huyết, làm khí huyết vận hành không thông, tạng phủ suy yếu mà sinh ra bệnh.

Điều trị bằng châm cứu, thầy thuốc tác động đến các huyệt trên hệ kinh lạc, hệ kinh lạc là nơi vận hành của khí huyết nối liền các tạng phủ khắp cơ thể, nhằm lưu thông khí huyết, giải quyết vấn đề kinh lạc bị bế tắc, làm cho sự vận hành khí huyết được thông suốt, điều hòa chức năng tạng phủ, từ đó giúp giảm triệu chứng và điều trị bệnh hiệu quả.

Tác dụng của châm cứu 

  • Giảm nhanh các cơn đau: Một trong những tác dụng hàng đầu, nổi bật nhất của phương pháp châm cứu là tác dụng giảm đau. Châm cứu giúp những người bệnh cấp tính và mạn tính giảm được đau đớn, đặc biệt là những cơn đau dai dẳng, đau nhức xương khớp, đau đầu, đau vai gáy, đau lưng,...  
  • An thần, thư giãn:
    • Châm cứu tạo cảm giác khoan khoái dễ chịu, thư giãn, giảm căng thẳng và kiểm soát trầm cảm, lo âu. Đồng thời, châm cứu giúp tăng tính dẻo dai của thần kinh, ức chế các chất trung gian tiền viêm và từ đó giúp cơ thể giảm căng thẳng, giảm các triệu chứng lo âu, trầm cảm.
    • Những người có rối loạn về thần kinh có thể sử dụng châm cứu như một phương pháp trị liệu an toàn, giúp tinh thần thoải mái, thư thái hơn, cải thiện các rối loạn thần kinh.  
  • Cải thiện chức năng tiêu hoá: Nhiều nghiên cứu cho rằng châm cứu có hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị các chứng bệnh đường tiêu hoá. Thực tế cho thấy hơn 80% trường hợp sử dụng điện châm làm giảm các triệu chứng ợ nóng, đầy bụng, khó tiêu, điều hoà lượng acid trong dạ dày.  
  • Giảm béo phì:
    • Nhiều nghiên cứu cho thấy châm cứu giúp giảm béo phì ưu việt hơn các phương pháp khác, giúp người bệnh giảm chỉ số BMI, giảm vòng eo và giảm tỉ lệ mỡ trong cơ thể.
    • Châm cứu tác động trực tiếp của kim châm vào huyệt thúc đẩy quá trình chuyển hóa chất béo thông qua kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, điều chỉnh hoạt động chuyển hoá để giảm cảm giác thèm ăn. 
  • Giảm ảnh hưởng hoá xạ trị: Theo hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, châm cứu có thể ngăn chặn được tác dụng xấu gây ra do quá trình xạ trị ở bệnh nhân ung thư. Châm cứu kết hợp các phương pháp khác nâng cao miễn dịch, kích thích sản sinh chất giảm đau tự nhiên, kiểm soát tác dụng không mong muốn của xạ trị.  
  • Nâng cao hiệu quả điều trị của thuốc: Ứng dụng châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp cùng sử dụng thuốc sẽ mang lại hiệu quả cao hơn đến 47% so với những bệnh nhân chỉ điều trị bằng thuốc. 
Châm cứu mang lại nhiều tác dụng đối với sức khỏe - Ảnh: Freepik
Châm cứu mang lại nhiều tác dụng đối với sức khỏe - Ảnh: Freepik

Chỉ định và chống chỉ định khi châm cứu 

Chỉ định châm cứu

Châm cứu được chỉ định rộng rãi để chữa nhiều chứng bệnh thuộc nhiều hệ cơ quan khác như, cụ thể:

  • Hệ thần kinh: nhức đầu, mất ngủ, co giật, đau hoặc liệt các dây thần kinh ngoại biên, các trường hợp liệt sau tai biến,…
  • Hệ tuần hoàn: rối loạn nhịp cơ năng, tăng huyết áp, rối loạn vận mạch chi,…
  • Hệ hô hấp: ho, hen phế quản nhẹ và vừa, khó thở, viêm phế quản, viêm họng, viêm xoang…
  • Hệ tiết niệu – sinh dục: bí đái, đái dầm, đái không tự chủ, di tinh, liệt dương, rối loạn kinh nguyệt, thống kinh, phì đại tiền liệt tuyến, tiểu đêm…
  • Ngũ quan: các bệnh lý liên quan đến tai (ù tai, giảm thính lực), viêm mũi dị ứng, viêm đau mắt đỏ,…

Chống chỉ định châm cứu

Một số trường hợp không nên châm cứu như: 

  • Các trường hợp bệnh lý thuộc diện cấp cứu, người bệnh có chỉ định ngoại khoa. 
  • Người có sức khoẻ yếu. 
  • Phụ nữ có thai hoặc đang hành kinh, không có chống chỉ định tuyệt đối nhưng cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn. 
  • Cơ thể ở trạng thái không thuận lợi như vừa lao động xong, mệt mỏi, quá đói, quá no, sau khi sử dụng chất kích thích như rượu bia…
  • Một số huyệt không có chỉ định châm hoặc cứu sâu như: Phong phủ, Nhũ trung,…
  • Vùng châm cứu không lành lặn, có vết thương, trầy xước, lở loét hay đang viêm nhiễm, sưng tấy
  • Đối với kỹ thuật cứu, không áp dụng cho người bệnh thể nhiệt, nguyên nhân bệnh lý là nhiệt (hư nhiệt hay thực nhiệt) và với những vùng da mất cảm giác cần cân nhắc thận trọng.

Tai biến khi châm cứu 

Châm cứu là phương pháp an toàn và đã được chứng minh có tác dụng tốt qua nhiều công trình nghiên cứu. Tuy nhiên, châm cứu cũng có thể có một số tai biến như: 

  • Choáng ngất (vựng châm): chủ yếu do tâm lý sợ hãi, do sức khoẻ yếu, trạng thái cơ thể không bình thường (đói, vừa lao động nặng, vừa đi xa tới…) thiếu máu,…  Vựng châm biểu hiện da tái, toát mồ hôi, mạch nhanh, tim đập yếu, huyết áp có thể hạ thấp, hoảng loạn, ngất. Trường hợp nặng có thể gây tụt huyết áp, rối loạn cơ tròn… 
  • Chảy máu: do châm kim vào khu vực nhiều mạch máu, châm phải tĩnh mạch, do bệnh nhân giãy dụa hay cử động mạnh làm thay đổi hướng kim. 
  • Cong kim, gãy kim: kim không đảm bảo kỹ thuật, gỉ hoặc do khi châm bệnh nhân cử động, giãy dụa, châm quá thô bạo.  
  • Nhiễm trùng: do vệ sinh kim, dụng cụ không đảm bảo, thao tác sát trùng kém, hoặc cơ địa bệnh nhân dễ nhiễm trùng (nhiễm tụ cầu da, tiểu đường…). 
  • Châm phải phủ tạng: châm quá sâu ở những vùng có lớp da cơ mỏng, hoặc bệnh nhân cử động làm thay đổi hướng châm. 
  • Bỏng: do cứu quá nóng, quá lâu hay do rơi tàn lên da người bệnh, thường là về nhà mới nổi phỏng nước.

Bài viết trên đã mang đến cho quý độc giả thông tin về châm cứu. Đây là một trong những phương pháp trị liệu không dùng thuốc được ứng dụng rộng rãi và cho hiệu quả cao.  

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết