Chăm sóc cho trẻ bị sốt tại nhà và khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Chăm sóc cho trẻ bị sốt tại nhà và khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Chăm sóc cho trẻ bị sốt tại nhà và khi nào cần đưa trẻ đi khám? - Ảnh: BookingCare

Chăm sóc cho trẻ bị sốt tại nhà và khi nào cần đưa trẻ đi khám?

Tác giả: - Xuất bản: 11/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 09/05/2024
Trẻ bị sốt có thể được điều trị tại nhà, phụ huynh có thể tham khảo hướng dẫn dưới đây và lưu ý các triệu chứng cần đưa trẻ nhập viện.

Trẻ em bị sốt khi nhiệt độ cơ thể từ 38 độ C trở lên. Sốt có thể cho thấy cơ thể đang chống lại sự nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn. Sốt cũng có thể xảy ra sau khi tiêm ngừa, do thời tiết nóng, sau dị ứng…

1. Cách đo nhiệt độ với từng độ tuổi

Để xác định chính xác trẻ có sốt không, phụ huynh cần đo nhiệt độ. Có nhiều loại nhiệt kế khác nhau, nhưng phổ biến nhất là đo tai, trán và nách. Với trẻ quá nhỏ, phụ huynh không nên sử dụng nhiệt kế thuỷ ngân bởi có thể khiến trẻ bị thương. Tuỳ thuộc độ tuổi của trẻ, mà vị trí đo khác nhau sẽ cho kết quả chính xác nhất:

  • Dưới 3 tháng: Đo hậu môn hoặc trán.
  • 4 tháng tuổi trở lên: Đo hậu môn, trán hoặc nách
  • Trẻ hơn 6 tháng tuổi: Đo hậu môn, trán, tai hoặc nách
  • 4 tuổi trở lên: Đo miệng, trán, tai hoặc nách

Nếu đo nhiệt độ ở miệng, hãy đợi 30 phút sau khi uống đồ nóng hoặc lạnh. Đối với tai, nên đo sau 15 phút khi ra ngoài trời lạnh. Nếu đưa trẻ đi khám, phụ huynh hãy cho bác sĩ biết rằng trẻ sốt bao nhiêu độ và với hình thức đo nào.

2. Điều trị sốt cho trẻ em tại nhà

Sử dụng thuốc hạ sốt

Sử dụng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao trên 38.5 độ C: Acetaminophen (Paracetamol) có thể được sử dụng cho tất cả trẻ em. Liều lượng và khoảng cách liều theo hướng dẫn của nhân viên y tế để tránh ngộ độc.

Thuốc hạ sốt IBUPROFEN dùng khi sốt kém đáp ứng với Paracetamol nhưng cần theo hướng dẫn của nhân viên y tế

Cần lưu ý rằng trẻ có thể dị ứng với thuốc hạ sốt hoặc tá dược trong thuốc hạ sốt. Bạn cần nhớ trẻ dị ứng loại nào.

Ở trẻ có tiền căn sốt co giật, trẻ có bệnh mà sốt làm trẻ mệt hơn như tim bẩm sinh, bệnh phổi… thì có thể hạ sốt khi trẻ trên 38 độ.

Các biện pháp hỗ trợ

  • Cho trẻ mặc quần áo mỏng. Việc mặc quần áo quá dày có thể giữ nhiệt trong cơ thể và khiến nhiệt độ tăng cao. 
  • Trẻ dưới 1 tuổi: Tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức. 
  • Trẻ em trên 1 tuổi: Có thể cho trẻ uống thêm các chất lỏng khác như nước lọc, nước trái cây pha loãng, hoặc nước điện giải ORESOL(hỏi thêm ý kiến bác sĩ). 
  • Chia thành các bữa ăn nhỏ, ưu tiên các thức ăn mềm, dễ ăn hoặc đồ ăn trẻ thích. 
  • Cho bé tắm với nước ấm, hoặc có thể dùng khăn ấm lau người có thể giúp giảm nhiệt độ. Lưu ý không dùng nước lạnh.
  • Lau mát cho trẻ bằng nước ấm: Nên dùng nước ấm có nhiệt độ thấp hơn 2 độ C so với thân nhiệt trẻ. Sử dụng 5 khăn nhỏ để nhúng nước ấm: 4 khăn đặt ở hai bên nách và hai bên bẹn, 1 khăn dùng để lau khắp người. Thay khăn mỗi 2-3 phút. Ngưng lau khi nhiệt độ bé xuống dưới 38,5 độ C hoặc sau khi đã lau 30 phút. Lau khô và cho bé mặc lại đồ mỏng. Không dùng nước lạnh, cồn hay dấm để lau người trẻ.
  • Khi trẻ co giật tuyệt đối không nặn, vắt chanh, đút tay… vào miệng trẻ.

3. Khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế?

  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi 
  • Sốt cao: sốt xuất huyết, nhiễm trùng huyết…
  • Sốt trên 2 ngày
  • Có dấu hiệu nguy hiểm toàn thân: li bì, khó đánh thức, co giật
  • Giật mình chới với: bệnh tay chân miệng chuyển độ sang nặng
  • Chảy máu răng, mũi, miệng…
  • Có dấu hiệu mất nước, không uống được
  • Có dấu hiệu thở nhanh, thở mệt, thở rít, thở co lõm ngực: viêm phổi…
  • Nôn, ói ngày càng tăng: viêm màng não…
  • Đau đầu ngày càng tăng: viêm màng  não…
  • Có dấu hiệu thần kinh: yếu, liệt, méo miệng, lé, nhìn mờ…
  • Hết sốt mà tay chân lạnh…
  • Đau bụng: viêm ruột thừa…
  • Vàng da, vàng mắt: viêm gan, nhiễm trùng đường mật…
  • Tím tái…

Trẻ em bị sốt có rất nhiều nguyên nhân, phụ huynh nên gặp bác sĩ tư vấn để có phương án điều trị tốt nhất cho con.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết