Chửa ngoài tử cung có giữ thai nhi lại được không?

Tác giả: - Xuất bản: 08/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 08/11/2023
Chửa ngoài tử cung có giữ lại được không?
Chửa ngoài tử cung có giữ lại được không? - Ảnh: BookingCare
Chửa ngoài tử cung là một vấn đề nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thai sản của chị em phụ nữ.

Theo thống kê, chửa ngoài tử cung chiếm tỷ lệ 0,45 – 1,05% phụ nữ mang thai. Tức là cứ 1000 thai phụ thì sẽ có khoảng từ 4 - 10 người mang thai ngoài tử cung và 100% trong số đó là không thể giữ lại được thai nhi. Cần điều trị ngay lập tức tránh nguy hiểm đến tính mạng người mẹ.

Tại sao không thể mang thai ngoài tử cung?

Tử cung của phụ nữ là nơi duy nhất mà trứng được thụ tinh có thể làm tổ và phát triển bình thường. Trong trường hợp chửa ngoài tử cung, trứng đã được thụ tinh không thể di chuyển đến tử cung, cố định một chỗ và phát triển ở đó. Phần lớn các trường hợp chửa ngoài tử cung đều làm tổ ở ống dẫn trứng (vòi trứng).

Đến một thời điểm kích thước thai đủ lớn,vòi tử cung không thể chứa nổi thai, khối thai  vỡ ra, gây chảy máu ồ ạt với những cơn đau dữ dội. Thai phụ không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Đáng buồn thay, không có công nghệ y tế nào có thể cấy ghép thành công bào thai ở ngoài tử cung vào tử cung. Thai nhi chết hoặc bị loại bỏ trước khi chết là điều không thể tránh khỏi.

Chửa ngoài tử cung được điều trị bằng cách nào?

Tùy thuộc vào tình trạng sản phụ hoặc kích thước thai nhi, nồng độ beta-hCG  mà các bác sĩ có thể đề xuất những phương pháp điều trị sao cho an toàn và hiệu quả nhất. Chửa ngoài tử cung chủ yếu được điều trị bằng 2 phương pháp: phương pháp điều trị nội khoa và phương pháp điều trị ngoại khoa.

Lựa chọn các phương pháp tùy thuộc nhiều yếu tố gồm tình trạng lâm sàng của mẹ, vị trí thai ngoài tử cung, kích thước túi thai, nồng độ beta-hCG…

Điều trị nội khoa

Sử dụng Methotrexate, một chất gây độc tế bào tiêm vào cơ thể hay vào khối thai, mục đích làm chết các tế bào của khối thai.

Chỉ định:

  • Có huyết động ổn định
  • Nồng độ BHCG ≤ 5000mUI/ml
  • Không có bằng chứng của chảy máu ổ bụng đang tiến triển.
  • Siêu âm  không có hoạt động tim thai
  • Kích thước khối thai ngoài nhỏ hơn 3 - 4cm.

Điều trị ngoại khoa (Phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở)

Phẫu thuật nội soi khi:

Khối chửa ngoài tử cung chưa vỡ hay mới rỉ máu, tại những cơ sở có điều kiện về trang thiết bị và kỹ thuật, phẫu thuật viên có kinh nghiệm. Phương pháp này có ưu điểm là ít gây dính vùng bụng sau mổ và ít để lại sẹo hơn phương pháp mổ mở.

Mổ mở: Khi khối thai đã vỡ hoặc trong trường hợp có quá nhiều máu trong ổ bụng, không thể mổ nội soi được thì bác sĩ bắt buộc phải sử dụng phương pháp mổ mở để loại bỏ túi thai.

Khi phát hiện bản thân mang thai, chị em cần đi khám sớm để được kiểm tra tổng thể và ngăn chặn những rủi ro tiến triển xấu hơn nếu có.

Chửa ngoài tử cung là một vấn đề rất nguy hiểm, chị em cần thăm khám sức khỏe định kỳ, xây dựng thói quen sống lành mạnh để có thể phòng ngừa nguy cơ mắc căn bệnh này.