Có nên chụp cắt lớp vi tính CT scan không?

Sản phẩm của BookingCare
Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
Xuất bản: 29/08/2017, Cập nhật lần cuối: 04/07/2022

Đối với các trường hợp cẩn chẩn đoán nhanh, chụp CT scan là phương pháp phù hợp nhất. Nếu không nguy hiểm, có thể thay thế bằng cộng hưởng từ MRI

BookingCare là Nền tảng Y tế chăm sóc sức khỏe toàn diện hàng đầu Việt Nam kết nối người dùng với trên 200 bệnh viện - phòng khám uy tín, hơn 1,500 bác sĩ chuyên khoa giỏi và hàng nghìn dịch vụ, sản phẩm y tế chất lượng cao.
Có nên chụp cắt lớp vi tính CT scan không?
CT scan có thể khiến người bệnh nhiễm tia X (Ảnh minh họa: pexels.com)

Phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh CT scan cho thấy một số tổn thương bên trong cơ thể một cách nhanh chóng mà không cần phải phẫu thật. Công nghệ này được ứng dụng ngày càng phổ biến trong y học. Tuy nhiên với những cảnh báo về nguy cơ gây ung thư do chụp CT scan khiến nhiều người không khỏi băn khoăn, lo lắng.

Có nên chụp CT scan không phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, để làm rõ hơn, cần tiếp cận trên 3 khía cạnh sau:

  • Kiến thức về chụp CT: giải nghĩa, mục đích của chụp CT, ưu điểm, nhược điểm. 
  • Một số tác hại khi chụp cắt lớp vi tính CT scan.
  • Nên và không nên chụp CT trong trường hợp nào? Giải pháp thay thế là gì?

1. Tổng quan về phương pháp chụp CT scan

CT scan là gì

CT scan còn được gọi là chụp cắt lớp vi tính - kết hợp một loạt các tia X từ nhiều góc độ khác nhau để tạo ra hình ảnh cắt ngang của xương và mô mềm bên trong cơ thể.

CT scan cho hình ảnh chi tiết hơn nhiều so với X quang thông thường. Các hình cắt ngang tạo ra trong quá trình chụp CT có thể tái tạo lại theo nhiều hướng và tạo ra hình ba chiều. Các máy nhiều lát cắt cho hình chi tiết hơn, tái tạo, dựng hình tốt hơn, thời gian nhanh hơn. Tốc độ chụp nhanh đặc biệt có ích cho trẻ em, người già, người bị bệnh nguy kịch, không thể nằm yên.

Chụp CT để làm gì

  • Chẩn đoán các rối loạn cơ bắp và xương, chẳng hạn như khối u xương và gãy xương.
  • Xác định vị trí của một khối u, nhiễm trùng hoặc cục máu đông.
  • Hướng dẫn thủ tục chẳng hạn như phẫu thuật, sinh thiết và điều trị bức xạ.
  • Phát hiện và giám sát các bệnh như ung thư hoặc bệnh tim.
  • Phát hiện chấn thương nội bộ và chảy máu nội bộ.

Ưu điểm 

  • Hình ảnh rõ nét do không có hình tượng nhiều hình chồng lên nhau.
  • Khả năng phân giải những hình ảnh mô mềm cao hơn nhiều so với X quang.
  • Thời gian chụp nhanh, cần thiết trong khảo sát, đánh giá các bệnh cấp cứu và khảo sát các bộ phận di động trong cơ thể (phổi, tim, gan, ruột…).
  • Độ phân giải không gian đối với xương cao nên rất tốt để khảo sát các bệnh lý xương.
  • Kỹ thuật dùng tia X, nên có thể dùng để chụp cho những bệnh nhân có chống chỉ định chụp cộng hưởng từ (Đặt máy tạo nhịp, van tim kim loại, máy trợ thính cố định, di vật kim loại…).

Nhược điểm

  • Do khả năng đâm xuyên mạnh của tia X nên CT khó phát hiện các tổn thương phần mềm hơn là chụp cộng hưởng từ MRI. Chụp CT khó phát hiện được các tổn thương sụn khớp, dây chằng và tổn thương tủy sống.
  • Độ phân giải hình ảnh của CT thấp hơn MRI, nhất là các cấu trúc mô mềm, vì vậy CT khó phát hiện các tổn thương có kích thước nhỏ.
  • CT là kỹ thuật dùng tia X và gây nhiễm xạ. Mức độ nhiễm xạ mỗi lần chụp đều nằm trong giới hạn cho phép.

2. Một số tác hại khi chụp cắt lớp vi tính

Tiếp xúc bức xạ tia X

Chụp CT sử dụng tia X quét lên một khu vực của cơ thể để đánh giá cấu trúc và giải phẫu. Lượng bức xạ tia X của CT scan là lớn hơn trong chụp X quang.

Việc tiếp xúc với bức xạ tia X ở một liều lượng nhất định có rủi ro liên quan tới bệnh ung thư. Tuy nhiên, liều lượng sử dụng trong y học được tính toán ở mức thấp hợp lý để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Chụp CT rất thận trọng với phụ nữ có thai và cho con bú nhằm tránh bức xạ ảnh hưởng đến thai nhi. Bác sĩ rất cân nhắc chỉ định chụp CT hoặc lựa chọn phương án an toàn hơn như siêu âm, cộng hưởng từ nhằm tránh phơi nhiễm bức xạ.

Phản ứng với thuốc cản quang

Trong một số trường hợp, bệnh nhân tiêm thuốc cản quang có thể gây dị ứng hoặc phản ứng phụ. Hầu hết phản ứng là nhẹ như gây phát ban hoặc ngứa. Rất hiếm xảy ra trường hợp phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ nếu có vấn đề sau:

  • Cơ địa dị ứng thuốc
  • Tiền sử bệnh tim mạch
  • Bệnh hen suyễn
  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh thận hoặc rối loạn tuyến giáp

Lưu ý 

Khi có biểu hiện cần chụp CT hoặc được chỉ định chẩn đoán hình ảnh qua CT scan, người bệnh cần lưu ý một số điểm dưới đây:

  • Yêu cầu bác sĩ chỉ định nêu vắn tắt nguy cơ và lợi ích, liệu xét nghiệm có giúp thay đổi phác đồ điều trị hay không.
  • Hỏi bác sĩ có các xét nghiệm hay phương pháp thay thế sử dụng ít phóng xạ nhưng hiệu quả tương đương hay không.
  • Lưu giữ thông tin về các đợt chụp chẩn đoán hình ảnh để thảo luận với bác sĩ. Tránh lặp lại các xét nghiệm không cần thiết.
  • Thông báo cho bác sĩ trước khi chụp trong trường hợp đang mang thai.
  • Tự tìm hiểu thông tin bằng cách truy cập các trang web trực tuyến hữu ích.
  • Nếu chưa chắc chắn, bệnh nhân có thể xin tư vấn của một bác sĩ khác.

3. Nên và không nên chụp CT scan trong trường hợp nào

Mặc dù bác sĩ là người cuối cùng chỉ định chụp CT, nhưng áp lực từ bệnh nhân đôi khi khiến bác sĩ đưa ra những yêu cầu xét nghiệm không phù hợp.

Nên chụp CT scan:

Bệnh nhân cấp cứu do chấn thương tai nạn giao thông, tai nạn lao động, các trường hợp nghi có xuất huyết hoặc tình trạng nguy hiểm khác. Một số trường hợp tai nạn gây xuất huyết não, chấn thương sọ não và nhiều tình trạng nguy hiểm khác. Những trường hợp này cần chẩn đoán nhanh để xử trí kịp thời. Do vậy chụp CT là cần thiết.

Bệnh nhân được chỉ định chụp CT nhằm:

  • Chẩn đoán các rối loạn cơ bắp và xương, chẳng hạn như khối u xương và gãy xương.
  • Xác định vị trí của một khối u, nhiễm trùng hoặc cục máu đông.
  • Hướng dẫn thủ tục chẳng hạn như phẫu thuật, sinh thiết và điều trị bức xạ.
  • Phát hiện và giám sát các bệnh như ung thư hoặc bệnh tim.
  • Phát hiện chấn thương nội bộ và chảy máu nội bộ.

Không nên chụp CT Scan:

  • Người khỏe mạnh bình thường, muốn chụp CT để kiểm tra sức khỏe.
  • Cơ thể mắc các tổn thương do rối loạn chuyển hóa, do bệnh lý tự thân cơ thể như nhũn não, u não, các thể hiện không sắc nét, rõ ràng hoặc không thể hiện trên CT ngay lúc khởi phát.
  • Những chống chỉ định liên quan đến thuốc cản quang: Bệnh nhân suy thận nặng, suy chức năng gan nặng, dị ứng thuốc cản quang, sốt cao mất nước nặng.
  • Bệnh nhân có thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ (vào thời kỳ này, các tế bào thai nhi chưa thành thục, rất nhạy cảm với tia X, nếu tiếp xúc với tia X có thể làm xuất hiện các dị tật của thai nhi).

Ngoài ra, các nhà chuyên môn đã đưa ra ví dụ về những trường hợp không nhất thiết phải chụp CT như là:

  • Khám các triệu chứng thông thường như đau lưng.
  • Theo dõi lâu dài những bệnh nhân đã được điều trị ung thư thành công, hiện có tình trạng sức khỏe tốt và không có các triệu chứng bất thường.

Giải pháp thay thế

Khác với CT, chụp cộng hưởng từ (MRI) dựa vào đặc điểm các nguyên tử Hydrogen trong cơ thể khi bị tác động bởi một từ trường bên ngoài sẽ biến đổi và phát ra các tín hiệu; các tín hiệu này được thu lại, xử lý để cho ra ảnh tương tự như cách xử lý trong CT. Có nhiều ưu điểm hơn để khảo sát các mô não và các tổn thương não, bước đầu khảo sát các dị dạng mạch máu não trước khi dùng đến các phương pháp có xâm lấn.

Đặc biệt trong MRI có chuỗi xung khảo sát sự khuếch tán giúp phát hiện sớm các nhũn não mà CT không làm được do đặc tính hạn chế của tia X. Hình MRI não có độ phân giải cao hơn nhiều nên sắc nét hơn hình mô não trên CT.

Điểm yếu của MRI là thời gian chụp dài (khoảng 15 - 25 phút chưa tính nếu có tiêm thuốc) tùy thuộc số chuỗi xung cần khảo sát và máy thường phát tiếng hơi ồn. Những bệnh nhân có hội chứng sợ vắng vẻ, sợ một mình, bệnh nhân trẻ em cần sự hỗ trợ của gây mê.

 
 

Đặt khám dễ dàng cùng BookingCare

Sau đây là một số hoặc đơn vị uy tín chuyên chụp cắt lớp vi tính. Bệnh nhân có thể đặt lịch trước tại đây:

Tài liệu tham khảo
https://www.dieutri.vn/motsoxetnghiem/22-2-2012/s2041/chup-cat-lop-vi-tinh-ct-scan.htm
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/