Có nên dùng thuốc chữa trầm cảm không?
Có nên dùng thuốc chữa trầm cảm không?
Thuốc chống trầm cảm có thể cần tới 8 tuần trước khi bắt đầu thấy hiệu quả
Thuốc chống trầm cảm có thể cần tới 8 tuần trước khi bắt đầu thấy hiệu quả

Có nên dùng thuốc chữa trầm cảm không?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 09/04/2021 | Cập nhật lần cuối: 15/01/2024
Sử dụng thuốc trầm cảm không gây hại cho hệ thần kinh. Trong trường hợp cần phải dừng thuốc vì một lý do nào đó, thì bác sĩ có thể giảm liều đang dùng dần dần. Nếu ngưng đột ngột, có thể gặp tác dụng phụ và cơn trầm cảm trở nên tệ hơn.

Trầm cảm là một rối loạn cảm xúc nằm trong chuyên khoa Tâm bệnh. Cùng với sự phát triển của xã hội, trầm cảm gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Nó có thể xảy ra với bất kì ai, ở bất kì độ tuổi nào, thời gian dùng thuốc điều trị lâu dài.

Các nghiên cứu trên thế giới về rối loạn trầm cảm cho thấy nguy cơ bị bệnh này trong suốt cuộc đời ở nữ giới là 10 – 25% và nam giới là 5 – 12%. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu năm 2013 thực hiện điều tra dịch tễ lâm sàng 10 rối loạn tâm thần thường gặp ở cộng đồng thuộc 8 vùng kinh tế - xã hội khác nhau trên cả nước tìm thấy tỷ lệ mắc trầm cảm chung là 2,45%.

Tuy nhiên, một khó khăn trong điều trị trầm cảm là nhiều người bệnh thắc mắc tại sao phải dùng thuốc lâu như vậy? Khỏi bệnh rồi sao vẫn phải dùng thuốc điều trị? 

Nguyên tắc điều trị khi dùng thuốc trầm cảm 

Để điều trị trầm cảm hiệu quả nhất, ngay sau khi chẩn đoán, tuỳ theo mức độ, người bệnh sẽ được điều trị bằng bằng thuốc hoặc có thể kết hợp với liệu pháp tâm lý. Các tiêu chí lựa chọn thuốc như: mức độ, triệu chứng của bệnh, tuổi, giới tính, bệnh lý kèm theo...

Phải xác định rõ nguyên nhân trầm cảm để sử dụng đúng phác đồ điều trị, người bệnh cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa Tâm bệnh để được tư vấn kỹ hơn. Chỉ định của thuốc chống trầm cảm: 

  • Trầm cảm nội sinh: giai đoạn điều trị cấp hoặc điều trị duy trì: sử dụng thuốc chống trầm cảm là chính, ngoài ra có thể kết hợp với một số thuốc chống loạn thần (trong trường hợp nặng có ý tưởng và hành vi tự sát…), thuốc giải lo âu (nếu bệnh nhân bồn chồn, căng thẳng, ngủ kém…), thuốc bổ (bệnh nhân ăn kém, gầy mòn…) và các liệu pháp tâm lý phụ trợ.
  • Trầm cảm do căn nguyên tâm lý: việc điều trị chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý kết hợp thuốc chống trầm cảm, giải lo âu và các thuốc hỗ trợ khác, nhất là bổ sung vitamin và chất khoáng. Chính các vi chất này có vai trò nâng đỡ cơ thể chống chịu với stress rất tốt.
  • Trầm cảm do bệnh thực tổn (ở não hoặc một cơ quan tác động trực tiếp đến não bộ): Thuốc chống trầm cảm chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng bệnh, cần tìm nguyên nhân sâu xa để điều trị triệt để.
  • Trầm cảm sau sử dụng chất gây nghiện, các chất tác động tâm thần khác: cần điều trị cai nghiện, sau đó kết hợp thuốc chống trầm cảm, giải lo âu, liệu pháp tâm lý phụ trợ. Đặc biệt trong điều trị loạn thần do rượu, sau giai đoạn cai nghiện là phải kết hợp điều trị chống trầm cảm, vitamin B1 liều cao...

Việc điều trị trầm cảm cần có sự chẩn đoán và theo dõi kỹ từ bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc về uống. Trong trường hợp không đi khám trực tiếp được, người bệnh có thể lựa chọn tư vấn từ xa với bác sĩ chuyên khoa qua Video để thuận tiện hơn. 

Có nên và cần thiết dùng thuốc chữa trầm cảm hay không?

Trong trường hợp trầm cảm nhẹ, người bệnh vẫn còn nhận thức được, vẫn biết mình còn nghị lực để vượt qua thì có thể dùng liệu pháp tâm lý như liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp hoạt động... Ngoài ra, những trường hợp trầm cảm mức độ vừa và nặng, cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa Tâm bệnh, nhận được tư vấn của bác sĩ, từ đó lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả.

Trầm cảm là do sự giảm sút các chất dẫn truyền thần kinh trung ương như serotonin, norepinephrin, dopamin. Việc sử dụng các thuốc chống trầm cảm như thuốc tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI), thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc tái hấp thu serotonin và norepinephrin (SNRI)...

Các liệu pháp tâm lý chỉ có thể điều trị được trầm cảm mức độ nhẹ do căn nguyên stress, không thể thay thế hoàn toàn phương pháp dùng thuốc hoặc đối với người bệnh mắc trầm cảm mức độ vừa và nặng.

Thuốc chống trầm cảm ức chế sự phân hủy, ức chế sự thu hồi chất dẫn truyền thần kinh về vị trí xuất phát, chỉ phục hồi các chất này về ở ngưỡng như cũ mà không kích thích cơ thể sản xuất làm tăng các chất dẫn truyền thần kinh lên quá ngưỡng cần thiết. 

Vì vậy, nếu tuân thủ đúng hướng dẫn và khám lại định kỳ theo chỉ định của bác sĩ, thuốc đưa người bệnh từ trạng thái trầm cảm trở về cảm xúc của người đó như ban đầu, chứ không hề thay đổi theo chiều hướng khác. Từ đó, có thể coi là thuốc chống trầm cảm không gây hại thần kinh. Khi dùng, thuốc phát huy hiệu lực; khi ngừng dùng sẽ hết hiệu lực sau một thời gian, thuốc không gây tích lũy, không gây nghiện.

Thuốc chống trầm cảm có thể cần tới 8 tuần mới bắt đầu cho thấy hiệu quả thật sự. Do đó, không nên quá lo lắng, căng thẳng mà cần theo hết phác đồ điều trị. Không bỏ lỡ hoặc dừng thuốc đột ngột trước khi phác đồ kết thúc.

Vì vậy, muốn điều trị khỏi bệnh trầm cảm một cách dứt điểm, người bệnh cần phải tuân theo đúng sự hướng dẫn và chỉ định về liều lượng, thời gian dùng thuốc, cũng như việc tuân thủ thuốc trong giai đoạn điều trị duy trì, không vì thấy bệnh đã đỡ hơn mà bỏ thuốc đột ngột khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Tâm bệnh.

Thuốc chữa trầm cảm có thể mất đến 8 tuần mới mang lại hiệu quả
Thuốc chữa trầm cảm có thể mất đến 8 tuần mới mang lại hiệu quả - Ảnh: Vinmec

Uống thuốc trầm cảm có khỏi không?

Khoảng 70% người mắc trầm cảm thuyên giảm hoàn toàn sau giai đoạn đầu dùng thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 30% số bệnh nhân vẫn còn những triệu chứng tồn dư sau lần điều trị đầu tiên (như ngủ kém, mệt mỏi nhiều về buổi sáng…).

Bệnh nhân có thể tái phát hoặc những đợt tái diễn khi gặp phải những căng thẳng trong cuộc sống. Khi đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phối hợp thêm một loại chống trầm cảm và phác đồ điều trị lâu dài hơn cho bệnh nhân để giảm nguy cơ mắc những đợt tái diễn sau này.

Không tự ý dừng thuốc 

Đừng bao giờ dừng uống thuốc mà không có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa. Trong trường hợp cần phải dừng thuốc vì một lý do nào đó, thì bác sĩ có thể giảm liều bạn đang dùng dần dần. Nếu bạn ngưng đột ngột, có thể gặp tác dụng phụ và cơn trầm cảm của bạn có thể trở nên tệ hơn.

Việc dùng thuốc giúp cơ thể bù đắp lại những chất dẫn truyền thần kinh trung ương bị thiếu hụt do bệnh trầm cảm gây nên, vì vậy khi ngừng thuốc đột ngột cơ thể sẽ bị thiếu sự bù đắp và gây ra phản ứng khó chịu, cùng với bệnh trầm cảm sẽ nặng lên, dẫn tới điều trị khó khăn hơn. 

Bên cạnh đó, cũng có người cho rằng hóa dược độc, chuyển sang dùng thảo dược. Chưa có tài liệu nào cho thấy thảo dược hoặc các thuốc bổ có thể chữa được trầm cảm. Chuyển sang dùng thảo dược không rõ nguồn gốc cũng có thể gây suy chức năng gan, thận.

Mọi chỉ định dùng thuốc như thế nào, liều lượng, cách uống và khi nào được dùng thuốc đều cần được kiểm soát chặt chẽ dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa Tâm bệnh.

Ngoài việc dùng thuốc điều trị trầm cảm, người bệnh có thể kết hợp với tâm lý trị liệu để bệnh trầm cảm được điều trị nhanh chóng hơn.

Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare