Có nên thực hiện xét nghiệm lấy máu gót chân không?

Tác giả: - Xuất bản: 27/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 27/11/2023
Có nên thực hiện xét nghiệm lấy máu gót chân không?
Có nên thực hiện xét nghiệm lấy máu gót chân không? - Ảnh: BookingCare
Nếu bạn đang băn khoăn có nên thực hiện xét nghiệm lấy máu gót chân hay không thì bài viết dưới đây là dành cho bạn.

Có nên thực hiện xét nghiệm lấy máu gót chân hay không là một câu hỏi mà nhiều phụ huynh đặt ra khi em bé chào đời.

Trong bài viết này, BookingCare sẽ đưa ra các thông tin về xét nghiệm lấy máu gót chân, các bệnh lý mà xét nghiệm lấy máu gót chân có thể phát hiện, từ đó phần nào giải đáp câu hỏi có nên thực hiện xét nghiệm này hay không?

Có nên thực hiện xét nghiệm lấy máu gót chân không?

Xét nghiệm lấy máu gót chân ở trẻ sơ sinh là một phương pháp sàng lọc hiệu quả để phát hiện sớm các bệnh lý bẩm sinh và có kế hoạch quản lý sức khỏe cho trẻ. Thông qua xét nghiệm này, bác sĩ có thể phát hiện các bệnh lý nguy hiểm ngay cả khi bé chưa có biểu hiện triệu chứng. Điều này giúp ngăn chặn rủi ro và có thể điều trị kịp thời, giảm thiểu tối đa những hệ lụy xấu cho sức khỏe của trẻ và giúp trẻ phát triển bình thường.

Lấy máu gót chân là một thủ thuật y khoa hiện đại được thực hiện bằng cách dùng kim chích máu chuyên dụng chích vào gót chân để lấy mẫu máu. Máu sẽ được thấm vào một loại giấy đặc biệt và chuyển mẫu đến trung tâm xét nghiệm. Sau đó, mẫu máu sẽ được xử lý và phân tích trên máy chuyên dụng để phát hiện các bệnh lý.

Lấy máu gót chân ở trẻ sơ sinh không gây nguy hiểm cho bé. Quá trình này được thực hiện bởi các nhân viên y tế có kinh nghiệm và chuyên môn cao, đảm bảo an toàn cho bé.

Các bệnh lý mà kết quả xét nghiệm lấy máu gót chân có thể phát hiện sớm bao gồm:

  • Thiếu men G6PD là một bệnh mà cơ thể không tổng hợp được men G6PD như những trẻ bình thường. Men G6PD được hồng cầu sản sinh ra với chức năng bảo vệ hồng cầu trước sự tấn công của các chất oxy hóa. Khi thiếu men, màng tế bào hồng cầu dễ vỡ trước các tác nhân chất oxy hóa dẫn đến tình trạng thiếu máu tan máu tăng bilirubin gây tổn thương tế bào thần kinh. 
  • Tan máu bẩm sinh (thalassemia) là bệnh gây thiếu máu, tan máu do di truyền gặp ở trẻ trai và gái.
  • Suy giáp bẩm sinh là một bệnh lý tuyến giáp của trẻ không tự sản xuất hoặc sản xuất hormon giáp ít hơn bình thường. Nếu hormon giáp bị thiếu, não và cơ thể sẽ không phát triển được. Việc phát hiện bệnh sớm và điều trị bổ sung đủ lượng hormon giáp trong vòng 2 tuần đầu sau sinh sẽ giúp trẻ phát triển bình thường.

  • Tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh là một bệnh lý rối loạn tổng hợp nội tiết tuyến thượng thận ở trẻ sơ sinh đưa đến biểu hiện các thể bệnh khác nhau: dậy thì sớm hoặc không phân biệt được giới tính, mất muối gây hạ huyết áp nguy cơ tử vong.

Như vậy, để trả lời câu hỏi "Có nên thực hiện xét nghiệm lấy máu gót chân cho trẻ không" thì câu trả lời là có. Xét nghiệm lấy máu gót chân cho trẻ có thể được thực hiện trong vòng từ 24h – 72h, tốt nhất là từ 24h- 48h sau sinh, hoặc có thể kéo dài trong 7 ngày sau sinh, khi trẻ đã ăn sữa được hơn 8 lần. Trường hợp các bé sinh non, thiếu cân, các bé nên được đưa đi lấy máu gót chân trước ngày thứ 20 sau sinh.