Công nghệ xóa xăm bằng laser vượt trội như thế nào?

Tác giả: - Xuất bản: 24/04/2024 - Cập nhật lần cuối: 26/04/2024
Hình xăm mờ dần qua từng lộ trình xóa xăm bằng laser
Hình xăm mờ dần qua từng lộ trình xóa xăm bằng laser - Ảnh: BookingCare
Hình xăm từng được coi là tồn tại vĩnh viễn, không thể xóa được. Sau đó nhiều biện pháp xóa xăm đã được áp dụng nhưng chỉ khi xuất hiện công nghệ laser, xóa xăm mới trở thành thủ thuật an toàn và hiệu quả rõ rệt.

Công nghệ laser là lựa chọn của hầu hết những người có nhu cầu xóa xăm hiện nay, bởi tính chất an toàn và hiệu quả mà nó đem lại. Công nghệ này đã gần như thay thế hoàn toàn các phương pháp xóa xăm cổ điển trước đó.

Laser có tác dụng xóa xăm như thế nào?

Tia laser là một xung ánh sáng cường độ cao. Khi laser được chiếu vào vùng da có hình xăm, mực xăm sẽ hấp thụ các xung ánh sáng này, nó bắt đầu nóng lên. Nhiệt độ cao làm cho mực xăm vỡ ra thành những mảnh nhỏ li ti, sau đó hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ dọn dẹp những sắc tố này và hình xăm bắt đầu mờ dần đi đến khi thực sự biến mất. 

Tia laser được dẫn truyền qua hệ thống máy móc hiện đại. Bác sĩ da liễu hoặc các chuyên gia sẽ chiếu laser lần lượt cho đến khi hết diện tích hình xăm. Xóa xăm ngày càng trở nên đơn giản và an toàn từ khi phương pháp laser ra đời. Quy trình thực hiện sẽ được chỉ dẫn cụ thể ngay dưới đây. 

Quy trình xóa xăm bằng laser 

  • Trước tiên, bạn sẽ được bác sĩ tư vấn và giải thích về thủ thuật xóa xăm bằng laser. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, bạn hãy hỏi bác sĩ trước khi lựa chọn tiến hành xóa xăm. 
  • Kỹ thuật viên hỗ trợ có thể chụp ảnh hình xăm của bạn trước và sau thủ thuật  để so sánh kết quả. 
  • Bạn sẽ được đeo kính chuyên dụng để bảo vệ mắt khỏi sự tác động của tia laser. 
  • Làm sạch vùng da có hình xăm muốn xóa. 
  • Bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây tê hoặc bôi kem gây tê lên vùng da cần chiếu  laser để giảm đau rát cho bạn. 
  • Tiếp theo, bác sĩ sẽ chiếu tia laser lần lượt cho đến khi hình xăm được xóa bỏ. Một hình xăm cần được chiếu laser vài lần mới đạt hiệu quả tối ưu nhất.
Chiếu tia laser lần lượt cho đến khi hết hình xăm
Chiếu tia laser lần lượt cho đến khi hết hình xăm - Ảnh: Istock

Trường hợp nào nên và không nên xóa xăm bằng laser 

Xóa xăm bằng laser được đánh giá là một thủ thuật an toàn, không can thiệp vào cơ thể, chỉ tác động lên bề mặt da của bạn. Vì vậy phương pháp này được áp dụng rộng rãi cho nhiều đối tượng. Nhưng có một vài trường hợp không nên thực hiện thủ thuật laser khi cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ mà bạn phải đối mặt, ví dụ như: 

  • Viêm, nhiễm trùng hoặc tổn thương da, chảy máu ở vùng cần trị liệu 
  • Đang bị mắc các bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây truyền khi tiếp xúc.  
  • Vị trí xóa xăm có xu hướng hình thành sẹo lồi 
  • Đang mang thai hoặc cho con bú 
  • Đang mắc bệnh ung thư 

Những ưu điểm vượt trội của xóa xăm bằng laser

  • Trong khi thực hiện thủ thuật xóa xăm bằng laser, bạn thường ít hoặc thậm chí không cảm thấy đau, hiếm khi để lại sẹo, an toàn khi thực hiện, và cũng không nhất thiết  phải tiến hành  tại bệnh viện. 
  • Xóa xăm bằng laser diễn ra nhanh chóng và tiện lợi: Mỗi lần  xóa xăm bằng laser kéo dài từ 15 – 30 phút (tùy kích thước hình xăm). 
  • Hiệu quả thấy ngay sau  lần đầu tiên thực hiện.

Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, sau thủ thuật laser xóa xăm, bạn vẫn có thể gặp khó chịu vì một số vấn đề sau: 

  • Sau thủ thuật, vị trí chiếu laser có thể bị  sưng, đỏ, phồng rộp hoặc chấm xuất huyết nhưng không đáng kể. Vết thương khi được chăm sóc và làm sạch nhẹ nhàng sẽ dần tự phục hồi. 
  • Phương pháp này cần nhiều lần trị liệu phụ thuộc vào bản thân hình xăm, bao gồm cả diện tích, màu sắc, độ sâu của mực xăm. 

Laser ra đời là một bước tiến mới trong  công nghệ xóa xăm. Mặc dù công nghệ ngày càng  được cải thiện nhưng kết quả sẽ phụ thuộc rất nhiều vào người thực hiện. Để có kết quả tốt nhất, những người thực hiện thủ thuật phải  được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm thành thạo trong việc sử dụng máy laser. Chính vì vậy, bạn nên lựa chọn những cơ sở uy tín, có bác sĩ chuyên ngành da liễu, thẩm mỹ để thực hiện thủ thuật. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết