Đặt lưỡi đúng cách là như thế nào? Có tác động gì đến răng miệng?

Người kiểm duyệt: - Cố vấn y khoa: - Xuất bản: 16/06/2023 - Cập nhật lần cuối: 17/04/2025
Đặt lưỡi đúng cách là như thế nào? Có tác động gì đến răng miệng
Đặt lưỡi đúng cách là như thế nào? Có tác động gì đến răng miệng - Ảnh: BookingCare
Đặt lưỡi đúng cách là như thế nào? Việc đặt lưỡi đúng và sai vị trí có tác động gì đến răng miệng? Cùng BookingCare tìm hiểu trong bài viết sau.

Đặt lưỡi là một trạng thái bình thường, hầu như không ai để ý đến tầm quan trọng của việc đặt lưỡi đúng cách. Tuy nhiên, nhiều người vô tình đặt lưỡi sai vị trí và việc này dẫn đến các ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vậy đặt lưỡi đúng cách là như thế nào? Việc đặt lưỡi như vậy có tác động gì đến răng miệng? Cùng BookingCare tìm hiểu trong bài viết sau.

Vị trí đặt lưỡi sai có ảnh hưởng gì không?

Vị trí đặt lưỡi sai

Chúng ta thường có xu hướng không để ý đến các dấu hiệu nhỏ trước khi phát hiện ra tình trạng bất thường của sức khỏe. Đặt lưỡi sai vị trí cũng vậy. Tuy đây là một biểu hiện chủ yếu gặp ở trẻ em, nhưng nếu không phát hiện sớm sẽ trở thành thói quen tới khi trưởng thành và dẫn đến nhiều tác động không tốt.

Tư thế lưỡi đặt sai vị trí thường gặp của bệnh nhân bao gồm: tư thế lưỡi đẩy vào răng cửa trên hoặc đẩy vào hàm dưới, lưỡi chèn giữa 2 hàm...

Các trường hợp đặt lưỡi sai vị trí
Các trường hợp đặt lưỡi sai vị trí thường gặp - Ảnh: BookingCare tổng hợp

Để xác định xem mình có đặt lưỡi sai vị trí hay không, bạn đọc có thể chú ý, khi ở trạng thái nghỉ như ngủ, xem tivi, sử dụng điện thoại, hãy cảm nhận xem lúc đó lưỡi đang ở đâu. Nếu lưỡi có dấu hiệu đẩy vào răng thì đó là tư thế sai.

Những ảnh hưởng khi đặt lưỡi sai vị trí

Theo chia sẻ từ BS. Nguyễn Huy Hoàng - Bác sĩ sáng lập và phụ trách chuyên môn tại Phòng khám Nha khoa Trẻ, các trường hợp cắn hở, vẩu, răng không khít bị ảnh hưởng phần nhiều từ trương lực cơ của lưỡi tác động đến.

Lưỡi chỉ cần tác động lực từ 10N - 15N (Newton), răng đã có thể dịch chuyển. Nếu trong thời gian dài sẽ khiến răng bị lệch lạc mức độ từ trung bình đến nặng.

Vị trí đặt lưỡi sai, tác động lực trong thời gian dài không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới răng miệng và còn tác động tiêu cực đến sọ mặt, cột sống cổ, vai gáy.

Một số ảnh hưởng nghiêm trọng có thể kể đến như:

  • Răng chen chúc: Tư thế lưỡi đặt sai ngay từ khi còn nhỏ sẽ gây ra hẹp hàm. Khi răng không đủ khoảng mọc sẽ dẫn đến tình trạng răng chen chúc, khấp khểnh, sai khớp cắn.
  • Tật đẩy lưỡi: Đặt lưỡi sai vị trí sẽ dẫn đến tật đẩy lưỡi. Lưỡi luôn ở trạng thái vô thức nằm giữa hai hàm, tác động lực vào chân răng, gây ra các tình trạng hô, vẩu,...
Tật đẩy lưỡi dẫn đến tình trạng răng hô, vẩu
Tật đẩy lưỡi dẫn đến tình trạng răng hô, vẩu - Ảnh: Nha khoa Trẻ
  • Răng thưa, răng cắn hở, khớp cắn chéo: Lưỡi tác động lực đến phần răng cửa sẽ khiến răng thưa dần. Nếu lưỡi đẩy lực sang hai bên sẽ gây ra tình trạng khớp cắn hở, khớp cắn chéo, ...
  • Tạo thói quen nghiến răng, mòn men răng: Khi lực tác động quá nhiều lên hai hàm trong động tác cắn chặt lâu ngày sẽ gây ra tật nghiến răng. Tình trạng mòn men răng cũng xuất hiện, khiến răng lung lay, dễ vỡ.
  • Cằm lẹm, lùi cằm: Tư thế lưỡi cũng ít nhiều gây ảnh hưởng đến cấu trúc khuôn mặt. Có thể kể đến như cằm lẹm, ngoài yếu tố di truyền thì tư thế lưỡi sai cũng khiến vấn đề nghiêm trọng hơn.
  • Đau đầu, đau vai gáy: Đặt lưỡi sang kéo theo tật nghiến răng, từ đó bệnh nhân cũng sẽ đau đầu, nhức mỏi vai gáy kéo dài.
  • Rối loạn chức năng khớp thái dương hàm: Đau khớp thái dương hàm do sai tư thế lưỡi là vấn đề nhiều người gặp phải. Khớp thái dương hàm bị ảnh hưởng khiến việc kết nối xương hàm với hộp sọ bị cản trở theo. Tình trạng này khiến việc ăn nhai phát ra tiếng "lục cục", thường xuyên hàm bị đau và không được trơn tru.
Đau khớp thái dương hàm là một biến chứng của đặt lưỡi sai vị trí
Đau khớp thái dương hàm là một biến chứng của đặt lưỡi sai vị trí - Ảnh: Nha khoa Thùy Anh
  • Ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ: Tư thế lưỡi không đúng cũng là một nguyên nhân gây rối loạn đường thở, thu hẹp các xoang tự nhiên dẫn đến ngủ ngáy, khó thở bằng mũi. Trường hợp nguy hiểm có thể ngừng thở khi ngủ.

Với các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nêu trên, việc nhận thức rõ hơn về tư thế đặt lưỡi đúng cách càng trở nên quan trọng. Vậy đặt lưỡi như thế nào là tư thế đúng?

Như thế nào là đặt lưỡi đúng cách?

Đặt lưỡi đúng tư thế là gì?

Các chuyên gia cho biết, tư thế lưỡi đúng là khi lưỡi đặt lên trong vòm họng thụ động, không cần gắng sức. Khi đó lưỡi hoàn toàn không tạo lực đẩy lên các răng trước hay chèn giữa hai hàm.

Vị trí đặt lưỡi đúng cách
Vị trí đặt lưỡi đúng cách - Ảnh minh họa

Đặt lưỡi đúng cách là khi vị trí đặt lưỡi đúng được thả lỏng, thoải mái ngay cả khi đang thư giãn, trở thành thói quen chứ không phải cố gắng chỉnh sửa vị trí lưỡi chỉ khi bạn chú ý đến nó.

Việc nhận thức về vị trí lưỡi được đặt đúng hay sai tư thế vẫn chưa được quan tâm nhiều. Tuy nhiên, đặt lưỡi đúng cách sẽ mang đến hiệu quả trong việc chỉnh hình và khắc phục các vấn đề thẩm mỹ hàm mặt.

Lợi ích khi đặt lưỡi đúng cách

Đặt lưỡi đúng cách sẽ cải thiện được hầu hết các biến chứng, hậu quả khi đặt lưỡi sai nên trên. Với các trường hợp chưa quá nghiêm trọng, tập luyện lưỡi đúng cách là một phần thiết yếu trong việc khắc phục các vấn đề ảnh hưởng tới thẩm mỹ của khuôn mặt.

Ngoài ra, khi đặt lưỡi đúng cách sẽ mang lại các lợi ích như:

  • Cải thiện tư thế vai, đầu, cổ: Duy trì tư thế lưỡi đúng sẽ tránh được những cơn đau hàm, đau cổ. Từ đó khớp cắn hạn chế bị sai, bị hở và khoẻ mạnh hơn.
  • Phát triển khuôn hàm cân đối, đều đẹp: Một tên gọi khác của bài tập đặt lưỡi đúng vị trí là phương pháp Mewing- phương pháp giúp cải thiện các đường nét trên khuôn mặt đang trở thành xu hướng hiện nay. Với tư thế lưỡi đúng, phần xương gò má, khung xương hàm sẽ trở nên rõ nét, hài hòa hơn.
Đặt lưỡi đúng cách giúp cải thiện các đường nét khuôn mặt
Đặt lưỡi đúng cách giúp cải thiện các đường nét khuôn mặt
  • Tập luyện thói quen thở bằng mũi: Trong quá trình đặt lưỡi đúng tư thế, người tập sẽ phải giữ môi khép lại, điều này giúp thúc đẩy quá trình thở bằng mũi. Kỹ thuật này được các chuyên gia trị liệu hướng dẫn cho người có chứng thở miệng.
  • Giúp ngủ ngon, ngủ sâu giấc hơn: Khi khắc phục được tình trạng ngủ ngáy, khó thở/ ngưng thở khi ngủ, người bệnh sẽ có giấc ngủ sâu hơn, chất lượng hơn, mang đến tinh thần sảng khoái.

Để cải thiện tình trạng đặt lưỡi sai không quá khó, nhưng yêu cầu sự kiên trì tập luyện để lưỡi quen với tư thế đặt đúng. Bạn đọc có thể tham khảo các bài tập đặt lưỡi đúng cách dưới đây do BookingCare tổng hợp dưới sự cố vấn của bác sĩ để tập luyện hàng ngày.

Hướng dẫn luyện tập đặt lưỡi đúng vị trí

Chia sẻ về cách khắc phục tật đẩy lưỡi tại nhà, Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho biết, kiên trì thực hiện các bài tập đặt lưỡi đúng vị trí sẽ mang đến hiệu quả vượt trội, khắc phục các biến chứng của việc đặt lưỡi sai tư thế.

Không chỉ ở trạng thái nghỉ mới cần đặt lưỡi đúng cách, trong các hoạt động thường ngày như nhai, nuốt cũng cần lưu ý về tư thế đặt lưỡi. Thường xuyên luyện tập về tư thế chính xác sẽ giúp hạn chế các vấn đề ăn nhai, bị thè lưỡi, đẩy lưỡi khi nhai.

Hướng dẫn tư thế đặt lưỡi đúng ở trạng thái nghỉ

Dưới đây là tổng quan các bước tập đặt lưỡi ở trạng thái nghỉ, người bệnh có thể tập ở bất kỳ lúc nào như khi sử dụng điện thoại, đọc sách, xem TV,...

  • Bước 1: Thả lỏng cơ thể, giữ thẳng lưng, vai, cột sống cổ và ngậm miệng.
  • Bước 2: Đầu lưỡi chạm vào mặt trong của phần lợi ngay phía sau răng cửa hàm trên, cách phần lợi khoảng 1cm (không chạm đầu lưỡi vào răng cửa).
  • Bước 3: Áp sát toàn bộ phần lưỡi ôm trọn lấy vòm miệng phía trên, môi đóng và răng hàm trên dưới chạm nhẹ vào nhau.
  • Bước 4: Giữ nguyên vị trí lưỡi trong 5 phút và hít thở đều bằng mũi, không thở bằng miệng.

Bạn đọc có thể tham khảo video sau để hình dung đúng động tác:

Khi mới tập, nhiều bệnh nhân sẽ thấy khó khăn vì tư thế lưỡi sai đã trở thành thói quen. Ban đầu, người mắc tật đẩy lưỡi nên luyện tập khoảng 2-3 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 5 phút. Khi đã quen có thể tăng dần thời gian luyện tập.

Hướng dẫn tập tư thế lưỡi đúng khi nhai

Khi nhai, người bệnh nên lưu ý không hở môi khi nhai, lưỡi chuyển động và nhai thức ăn trong khu vực răng hàm. Lưỡi vẫn đặt ở khu vực vòm họng. Cố gắng không đẩy lưỡi ra ngoài.

Hướng dẫn tập tư thế lưỡi đúng khi nuốt

Khi nuốt, người bệnh cần căn chỉnh để lưỡi đi lên phía vòm họng và không chạm vào các răng cửa.

Khi tập đúng cách, cơ mặt – xương hàm – cằm sẽ có cảm giác căng, tuy nhiên không đáng lo ngại. Nhưng nếu thấy đau nhức thì khả năng cao là bạn đang tập sai cách và cần khắc phục ngay để tránh các biến chứng khác.

Các bài tập đặt lưỡi có thể thực hiện ngay tại nhà, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, phù hợp luyện tập với mọi đối tượng. Tuy nhiên, để biết rõ hơn về tình trạng bệnh do đặt lưỡi sai cách gây nên, bạn đọc nên thăm khám và trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được tư vấn chính xác hơn về phương pháp tập luyện.

BookingCare đã tổng hợp các thông tin về tác hại của đặt lưỡi sai cách và hướng dẫn vị trí đặt lưỡi đúng cách, mong rằng bài viết sẽ giúp bạn đọc phân biệt được các vị trí đặt lưỡi đúng và sai, đồng thời hiểu hơn về các ảnh hưởng không tốt tới răng miệng khi có thói quen đặt lưỡi sai tư thế.