Đau xương ức là bệnh gì? Tìm hiểu triệu chứng đau xương ức
Đau xương ức là bệnh gì? Tìm hiểu triệu chứng đau xương ức
Đau xương ức là bệnh gì?
Đau xương ức có thể do gãy xương ức hoặc do các bệnh lý khác - Ảnh: BookingCare

Đau xương ức là bệnh gì? Tìm hiểu triệu chứng đau xương ức

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 15/05/2024 | Cập nhật lần cuối: 15/05/2024
Đau xương ức do nguyên nhân gì và điều trị như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.

Xương ức là một xương dài và phẳng ở giữa ngực có tác dụng nối các xương sườn trên lại tạo thành “tấm khiên vững chắc” để bảo vệ cho các cơ quan nội tạng ở phía sau như tim, phổi, dạ dày. Đau xương ức có thể phản ánh nhiều tình trạng sức khỏe và bệnh lý khác nhau.

Nguyên nhân đau xương ức

Chấn thương

Tai nạn giao thông, té ngã, va đập mạnh có thể gây gãy xương ức khiến người bệnh bị đau nhói vùng giữa ngực, đặc biệt là khi gắng sức, khi cười hay ho. Triệu chứng kèm theo có thể bao gồm khó thở và bị bầm tím da vùng xương ức.

Xương ức cũng có thể bị ảnh hưởng và gây đau do các tình trạng gãy xương khác như: gãy xương đòn, gãy xương bả vai,...

Bệnh tim mạch

Bệnh động mạch vành là nguyên nhân thường gặp gây đau vùng xương ức cho người bệnh. Bệnh do mảng xơ vữa động mạch làm tắc nghẽn động mạch vành.

Triệu chứng biểu hiện của bệnh là đau, tức sau xương ức, có thể đau lan lên cổ, hàm dưới, vai và cánh tay trái. Đau có cường độ từ nhẹ đến trung bình, xuất hiện khi gắng sức và thuyên giảm khi nghỉ ngơi.

Ngoài ra, đau tức vùng xương ức ở giữa ngực cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh tim mạch khác:

  • Rối loạn nhịp tim
  • Suy tim
  • Viêm cơ tim
  • Đột quỵ

Bệnh về đường hô hấp

Các bệnh lý đường hô hấp cũng có thể gây đau phía sau xương ức và các triệu chứng khác như sốt, ho, khó thở, thở khò khè:

  • Viêm phổi
  • Viêm phế quản
  • Viêm màng phổi
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
  • Thuyên tắc phổi
  • Tràn dịch, tràn khí màng phổi
  • Hen suyễn
  • Ung thư phổi

Bệnh đường tiêu hóa

Các bệnh lý ở đường tiêu hóa nếu lâu ngày không được điều trị có thể gây đau rát vùng xương ức:

  • Chứng ợ chua, ợ nóng
  • Viêm loét dạ dày - tá tràng
  • Viêm đại tràng
  • Trào ngược dạ dày - thực quản

Các nguyên nhân khác

Ngoài ra, một số bệnh lý khác cũng có thể gây ra tình trạng đau tức vùng xương ức như:

  • Viêm xương ức
  • Áp xe cơ hoành
  • Áp xe gan
  • Các nguyên nhân tâm lý
Bệnh lý về hô hấp
Các bệnh lý về phổi cũng có thể gây đau xương ức - Ảnh: Canva

Đau xương ức có nguy hiểm không?

Đau xương ức nếu do bệnh lý tim mạch sẽ rất đáng lo ngại. Nhất là ở người cao tuổi có nhiều bệnh nền như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, huyết áp, bệnh thận,...

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh lý tim mạch có thể tiến triển nặng và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, đột quỵ,... thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Không có cách phòng ngừa đau xương ức mà chúng ta cần phòng ngừa những nguyên nhân bệnh lý gây nên triệu chứng đau xương ức, bao gồm: bệnh tim mạch, bệnh đường hô hấp và bệnh đường tiêu hóa.

Để phòng ngừa những bệnh lý này, cách tốt nhất chúng ta có thể làm là luôn duy trì một lối sống năng động, lành mạnh:

  • Không hút thuốc
  • Hạn chế uống rượu bia
  • Tập thể dục thường xuyên: trung bình 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày/tuần
  • Kiểm soát cân nặng
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: giảm muối, giảm đường tinh chế, ăn nhiều rau xanh quả chín, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh quá nhiều dầu mỡ
  • Ăn đủ bữa, cố định giờ ăn các bữa
  • Uống đủ nước

Phương pháp điều trị

Việc điều trị đau xương ức phải phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mỗi bệnh lý sẽ có phác đồ và cách điều trị khác nhau.

Trước tiên bác sĩ sẽ cần thăm khám để đưa ra chẩn đoán ban đầu, sau đó tùy vào từng trường hợp, người bệnh có thể được yêu cầu làm một số xét nghiệm sau đây để xác định chính xác nguyên nhân gây đau xương ức:

  • Xét nghiệm máu cơ bản: Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, sinh hóa máu
  • Điện tâm đồ và điện tâm đồ gắng sức
  • Siêu âm tim lúc nghỉ
  • Siêu âm tim gắng sức và xạ ký gắng sức
  • Holter điện tim
  • Chụp X-quang ngực
  • Nội soi

Với các trường hợp gãy xương ức, thông thường cần mất khoảng 3 tháng để xương gãy có thể hồi phục. Trong thời gian này, người bệnh cần nghỉ ngơi, không thực hiện các công việc nặng hay gắng sức để giúp xương mau hồi phục. Bác sĩ cũng có thể kê một số loại thuốc giảm đau để giúp người bệnh bớt khó chịu hơn trong khoảng thời gian này.

Với các tình trạng gãy xương khác, khả năng hoạt động của người bệnh có thể bị suy giảm. Ngoài điều trị bằng thuốc, một số người bệnh có thể cần thực hiện các biện pháp phục hồi chức năng để hỗ trợ cho quá trình điều trị.

Nếu nguyên nhân gây đau xương ức là các bệnh lý tim mạch, hô hấp hay tiêu hóa, các điều trị chuyên khoa sẽ được áp dụng tùy vào từng bệnh cụ thể. Điều trị khỏi hoặc ổn định những bệnh lý nguyên nhân này thì triệu chứng đau xương ức cũng sẽ biến mất.

Nhìn chung, đau ở vùng xương ức có thể phản ánh nhiều vấn đề về sức khỏe. Để xác định chính xác đau xương ức do đâu và điều trị thế nào, bạn cần đến các cơ sở y tế (bệnh viện, phòng khám) uy tín để được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn cách xử trí phù hợp.

Hy vọng rằng bài viết trên đây đã đem lại những thông tin hữu ích cho bạn đọc về triệu chứng đau xương ức.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết