Bệnh thuỷ đậu ở trẻ em gây ra bởi virus varicella-zoster. Vì vậy các phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng. Trong trường hợp xuất hiện biến chứng, trẻ cần được điều trị tích cực tại bệnh viện.
1. Dùng thuốc
Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc sau để điều trị bệnh thuỷ đậu ở trẻ:
- Thuốc bôi giảm ngứa, thường là loại thuốc có chứa kháng histamin, bôi trực tiếp lên vết ban để giảm ngứa, khó chịu và tránh việc trẻ gãi.
- Thuốc hạ sốt paracetamol trong trường hợp trẻ bị sốt.
- Một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thêm thuốc kháng virus. Thuốc này có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh thủy đậu, nhưng có tác dụng tốt nhất khi được dùng trong vòng 24 giờ kể từ khi nốt ban đầu tiên xuất hiện.
2. Chăm sóc tại nhà
Trong quá trình chăm sóc tại nhà, cha mẹ nên lưu ý những điều sau:
- Cắt móng tay (có thể đeo thêm bao tay) cho trẻ vào ban đêm để tránh việc trẻ gãi làm vỡ mụn nước, tăng nguy cơ bội nhiễm.
- Bôi thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp thuốc bôi không có hiệu quả hoặc ít hiệu quả, cha mẹ nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn.
- Có thể sử dụng thêm bột baking soda tắm giảm ngứa.
- Cho trẻ ăn chế độ ăn mềm, lỏng dễ tiêu nếu xuất hiện nốt đậu trong miệng.
- Cho trẻ nghỉ học và không tiếp xúc với trẻ khác để tránh việc lây lan bệnh thuỷ đậu.
- Mặc quần áo rộng cho trẻ để tránh cọ xát các mụn nước.
Như vậy, bệnh thuỷ đậu ở trẻ em hoàn toàn có thể được điều trị hiệu quả tại nhà. Cha mẹ cần theo dõi sát tình trạng của trẻ, nếu trở nên nghiêm trọng hơn hoặc nghi ngờ xuất hiện biến chứng, cần đưa trẻ đi khám sớm để được điều trị kịp thời.