Điều trị dính thắng lưỡi ở trẻ: Khi nào nên cắt?

Tác giả: - Xuất bản: 08/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 08/01/2024
Điều trị dính thắng lưỡi ở trẻ
Điều trị dính thắng lưỡi ở trẻ: Khi nào nên cắt? - Ảnh: BookingCare
Với tình trạng dính thắng lưỡi độ 3, độ 4, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật càng sớm càng tốt. Trẻ trên 3 tháng tuổi, đủ điều kiện sức khoẻ đã có thể thực hiện phẫu thuật.

Việc điều trị dính thắng lưỡi như thế nào: để theo dõi thêm hay phẫu thuật cắt thắng lưỡi sẽ phụ thuộc mức độ dính thắng lưỡi nhiều hay ít và có ảnh hưởng đến việc bú, phát âm của trẻ hay không,... Trong bài viết dưới đây cha mẹ có thể tham khảo cụ thể về cách điều trị dính thắng lưỡi ở trẻ.

Phân loại mức độ dính thắng lưỡi

Phân loại mức độ dính thắng lưỡi sẽ dựa theo chiều dài thắng lưỡi - đo được từ nơi bám ở sàn miệng đến vị trí bám vào đáy lưỡi. Có 4 mức độ dính thắng lưỡi tương ứng bao gồm:

  • Dính thắng lưỡi độ 1: Đây là mức độ nhẹ nhất, dính thắng lưỡi không quá nghiêm trọng. Thắng lưỡi từ 12 - 16 mm.
  • Dính thắng lưỡi độ 2: Ở mức độ trung bình này, trẻ có thể bị ảnh hưởng, cha mẹ có thể quan sát thấy một số dấu hiệu dính thắng lưỡi ở trẻ. Thắng lưỡi từ 8 - 11 mm.
  • Dính thắng lưỡi độ 3: Đây là mức độ nặng, dễ nhận thấy các ảnh hưởng của dính thắng lưỡi đến việc ăn uống, phát âm của trẻ. Thắng lưỡi từ 3 - 7 mm.
  • Dính thắng lưỡi độ 4: Mức độ dính thắng lưỡi hoàn toàn. Thắng lưỡi dưới 3 mm, gần như thắng lưỡi chạm sát sàn lưỡi, sàn miệng. 

Điều trị dính thắng lưỡi như thế nào?

Với trẻ bị dính dây thắng lưỡi độ 1 và độ 2 cần theo dõi thêm. Trường hợp dính dây thắng lưỡi ở độ 3 và độ 4 thì cần phải phẫu thuật dính thắng lưỡi: cắt thắng lưỡi đơn thuần hoặc tạo hình thắng lưỡi. Nếu trẻ cắt thắng lưỡi (độ 3, 4) thì thời điểm cắt tốt nhất là trên 3 - 4 tháng tuổi.

 

Cắt thắng lưỡi

Đây là thủ thuật đơn giản, tiến hành nhanh, ít gây đau vì có rất ít dây thần kinh hoặc mạch máu ở thắng lưỡi. Sau thủ thuật khoảng 30 phút trẻ có thể bú mẹ ngay.

Kỹ thuật cắt thắng lưỡi tùy thuộc lứa tuổi của trẻ.

  • Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi, cắt thắng lưỡi được thực hiện mà không cần gây mê hoặc có thể chỉ bôi hoặc tiêm thuốc tê và dùng dao điện cắt thắng lưỡi. 
  • Đối với trẻ lớn hơn, đã mọc răng, khi cắt thắng lưỡi thường cần gây mê, dùng máy cắt đốt hay dao mổ để cắt thắng lưỡi sau đó khâu lại đợi vài tuần sau vết thương mới lành.

Các biến chứng của phẫu thuật cắt thắng lưỡi rất hiếm nhưng có thể chảy máu hoặc nhiễm trùng hoặc tổn thương lưỡi hoặc tuyến nước bọt.

Phẫu thuật tạo hình thắng lưỡi

Phẫu thuật tạo hình thắng lưỡi có thể được chỉ định nếu cần tạo hình bổ sung hoặc thắng lưỡi quá dày để phẫu thuật cắt thắng lưỡi đơn thuần. Phẫu thuật được thực hiện dưới gây mê toàn thân. Tuy nhiên, thủ thuật này hiếm khi được chỉ định.

Điều trị dính thắng lưỡi như thế nào sẽ phụ thuộc vào trường hợp của trẻ, không phải trường hợp nào cũng cần phẫu thuật cắt thắng lưỡi.

Cha mẹ cần đưa trẻ thăm khám để bác sĩ đưa ra chỉ định điều trị phù hợp. Đặc biệt với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khó để chẩn đoán chính xác tình trạng dính lưỡi và khó đưa ra chỉ định phẫu thuật, cần dựa vào phân loại mức độ dính lưỡi trên lâm sàng, kết hợp hỏi, khám và quan sát trẻ bú,... để đưa ra chỉ định phẫu thuật.