Điều trị gãy xương: Điều trị bảo tồn và điều trị phẫu thuật
Điều trị gãy xương: Điều trị bảo tồn và điều trị phẫu thuật
Bó bột điều trị gãy xương
Tùy tình trạng gãy xương sẽ được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp - Ảnh: BookingCare

Điều trị gãy xương: Điều trị bảo tồn và điều trị phẫu thuật

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 09/01/2024 | Cập nhật lần cuối: 09/01/2024
Gãy xương cần được điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Tùy tình trạng sẽ được chỉ định điều trị bảo tồn hoặc thực hiện phẫu thuật để đưa các mảnh xương gãy về đúng vị trí và ngăn di lệch cho đến khi liền xương.

Cách điều trị gãy xương sẽ tùy thuộc vào vị trí xương bị gãy, kiểu gãy, mức độ di lệch,... Người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp CT cắt lớp vi tính hoặc chụp MRI cộng hưởng từ,... trước khi bác sĩ đưa ra chỉ định phù hợp nhất. 

Các phương pháp điều trị gãy xương

Điều trị bảo tồn

Phương pháp điều trị bảo tồn, bao gồm nẹp hoặc bó bột, chỉnh xương kín,... được áp dụng cho các trường hợp gãy xương đơn giản, không di lệch hoặc di lệch ít.

Nẹp hoặc bó bột

Nẹp hoặc bó bột được thực hiện nhằm cố định lại xương gãy và ngăn sự di lệch cho đến khi lành xương.

  • Nẹp thường kéo dài từ 1 - 2 tuần nhằm điều trị phần mềm trong các trường hợp cần theo dõi. Sau đó chuyển sang bó bột.
  • Thời gian bó bột thường là từ 6 - 8 tuần, có thể kéo dài đến 12 tuần căn cứ vào mức độ liền xương.

Trong cả hai trường hợp, người bệnh có thể cần chụp X-quang để theo dõi, đảm bảo xương đang lành lại một cách chính xác.

Chỉnh xương kín

Người bệnh gãy xương có thể được điều trị nắn chỉnh kín để sắp xếp - cố định xương về đúng vị trí. Để giúp bệnh nhân không cảm thấy đau trong quá trình thực hiện, bác sĩ có thể gây tê cục bộ khu vực xung quanh vết gãy hoặc gây mê toàn thân - người bệnh ngủ trong suốt quá trình thực hiện hoặc sử dụng thuốc an thần.

Sau khi nắn chỉnh kín sẽ nẹp hoặc bó bột.

Điều trị phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật được thực hiện trong các trường hợp:

  • Điều trị bảo tồn thất bại
  • Điều trị gãy xương hở, gãy xương phạm khớp di lệch, gãy xương bệnh lý, gãy xương kèm tổn thương mạch máu, thần kinh,…

Phẫu thuật cố định bên trong

Cố định trong là 1 trong những phương pháp cố định thường dùng. Bác sĩ đưa đầu xương bị gãy kết hợp lại với nhau và cố định vị trí gãy để xương lành, liền lại. 

Các kỹ thuật cố định bên trong bao gồm sử dụng nẹp vít, đinh, chốt,... hoặc kết hợp đinh và nẹp. Tùy từng trường hợp người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về thời gian thực hiện phẫu thuật lấy đinh, nẹp ra. 

Phẫu thuật cố định ngoài

Phẫu thuật cố định ngoài để cố định xương trong điều trị gãy xương hở.  Bác sĩ sẽ đặt vít vào xương ở hai bên vết gãy bên trong cơ thể, sau đó nối chúng với nẹp hoặc giá đỡ quanh xương bên ngoài cơ thể.

Đây thường là cách tạm thời để ổn định tình trạng gãy xương, bắt đầu lành lại trước khi phẫu thuật cố định bên trong.

Phẫu thuật ghép xương

Nếu tình trạng gãy xương dịch chuyển nghiêm trọng hoặc xương không lành như bình thường có thể cần ghép xương. Bác sĩ phẫu thuật sẽ chèn thêm mô xương để nối lại xương bị gãy, sau đó sẽ thực hiện cố định bên trong để giữ các mảnh với nhau. 

Xương ghép được sử dụng là mô xương từ các phần khác trên cơ thể hay từ người hiến.

Phẫu thuật thay khớp

Trong một số trường hợp gãy xương, đặc biệt là gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi có thể cần thực hiện phẫu thuật thay khớp. Bác sĩ sẽ loại bỏ khớp bị hỏng và thay thế bằng khớp nhân tạo. Khớp nhân tạo có thể bằng kim loại, sứ ceramic,... 

Tập phục hồi chức năng

Sau quá trình điều trị gãy xương bằng phương pháp kể trên, người bệnh cần tập luyện phục hồi chức năng để phục hồi chức năng cho chi gãy, giúp người bệnh có thể vận động bình thường trở lại, tránh các biến chứng do nằm lâu, do bất động chi gãy gây ra. 

Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh chọn bài tập phù hợp với tình trạng bệnh, loại gãy xương và xương bị gãy.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare