Có nhiều phương pháp điều trị viêm phổi ở trẻ, căn cứ vào độ tuổi và tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra tư vấn phù hợp. Dưới đây là các hướng điều trị cho trẻ bị viêm phổi.
Điều trị viêm phổi cho trẻ tại nhà
Trẻ trên 2 tháng nếu tình trạng viêm phổi nhẹ có thể được chỉ định điều trị ngoại trú. Các bác sĩ có thể kê các loại thuốc như amoxicillin hoặc cotrimoxazol trong 3-7 ngày.
Khi chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà, cha mẹ cần đảm bảo:
- Để trẻ nghỉ ngơi đầy đủ, uống đủ nước để hạn chế tình trạng mất nước.
- Trẻ sốt trên 38,5 độ cần được uống thuốc hạ sốt đúng liều lượng từ 10-15mg/kg, cách 4-6 giờ/lần, tối đa 4 lần/ngày.
- Thường xuyên hút mũi và miệng của trẻ để giúp loại bỏ chất nhầy đặc.
- Chỉ sử dụng các loại thuốc theo đơn. Không sử dụng các loại thuốc không kê đơn hoặc thuốc kế đơn ở các lần điều trị trước.
- Giữ không gian sống trong lành, rửa các bề mặt trẻ thường xuyên chạm vào (như đồ chơi, bàn và tay nắm cửa) bằng xà phòng và nước hoặc lau sạch bằng chất khử trùng.
- Không hút thuốc trong không gian sống của trẻ.
- Trẻ cần ho và khạc đờm. Ho là cách cơ thể loại bỏ nhiễm trùng khỏi phổi.
- Cho trẻ nhập viện ngay khi điều trị tại nhà không thuyên giảm hoặc có các triệu chứng như: khó thở, co rút lồng ngực, li bì, tím tái…
Điều trị viêm phổi cho trẻ tại bệnh viện
Với trẻ sơ sinh và dưới 2 tháng tuổi cần được điều trị viêm phổi tại bệnh viện. Bởi ở độ tuổi này, viêm phổi có diễn tiến rất nhanh, khó tiên lượng nên trẻ cần được theo dõi chặt chẽ. Thêm vào đó, khả năng miễn dịch của nhóm tuổi này còn thấp nên cha mẹ cần đặc biệt chú ý.
Với trẻ trên 2 tháng tuổi, trẻ sẽ được chỉ định nhập viện trong trường hợp bệnh nặng (có khó thở, co rút lồng ngực, tím tái…) hoặc điều trị tại nhà không cải thiện.
Thuốc và phác đồ điều trị tại bệnh viện với trường hợp trẻ bị viêm phổi có thể là cotrimoxazol, amoxycillin, augmentin (amoxycillin/clavulanic) trong 5 - 7 ngày.
Đối với trẻ bị viêm phổi nặng có thể được kê benzylpenicillin hoặc ampicillin và theo dõi sau 2 - 3 ngày nếu đỡ tiếp tục dùng đủ 5 - 10 ngày. Nếu không đỡ hoặc tình trạng viêm phổi nặng thêm thì điều trị như viêm phổi rất nặng.
Với viêm phổi rất nặng (tình trạng kéo dài, thở rất khó, co rút lõm lồng ngực…), các bác sĩ có thể kê benzylpenicillin, gentamicin, chloramphenicol, ampicillin, cefuroxime hoặc phối kết hợp các loại thuốc trong một đợt 5 - 10 ngày.
Đối với những trẻ lớn (trên 5 tuổi) có thể được kê các loại thuốc như: benzylpenicillin, cefuroxim, ceftriaxon, erythromycin,azithromycin… uống trong 7-10 ngày…
Các bác sĩ có thể kê thuốc uống, dịch truyền qua đường tĩnh mạch (tiêm tĩnh mạch), phương pháp điều trị hô hấp. Những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể được điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt. Tùy vào thể trạng và tình trạng sức khỏe của trẻ mà loại thuốc và liều lượng sẽ khác nhau.
Điều trị viêm phổi ở trẻ rất quan trọng, cần được thực hiện ngay và đúng. Chính vì vậy, cha mẹ cần cho trẻ thăm khám tại các cơ sở y tế ngay để phòng ngừa biến chứng không mong muốn.