Viêm xoang ở trẻ em được điều trị như thế nào?
Viêm xoang ở trẻ em được điều trị như thế nào?
Viêm xoang ở trẻ em được điều trị như thế nào?
Trẻ quấy khóc, chảy mũi là những triệu chứng của viêm xoang ở trẻ - Ảnh: BookingCare

Viêm xoang ở trẻ em được điều trị như thế nào?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 29/11/2023 | Cập nhật lần cuối: 29/11/2023
Viêm xoang cấp ở trẻ cần được điều trị dứt điểm để tránh chuyển thành viêm xoang mãn tính. Dưới đây là các phương pháp điều trị cha mẹ có thể tham khảo.

Viêm xoang có thể gặp ở trẻ em và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên tần suất rất hiếm, khoảng 0,1% trong tổng số các bệnh nhân bị viêm xoang và viêm xoang ở trẻ sơ sinh chủ yếu là viêm hệ thống xoang sàng.

Viêm xoang ở trẻ em cần được điều trị dứt điểm từ sớm để tránh bệnh tiến triển thành mạn tính. Ba mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ Tai Mũi Họng khi có triệu chứng. 

Viêm xoang ở trẻ em điều trị thế nào?

Thông thường, viêm xoang cấp ở trẻ em có thể tự khỏi trong vòng 1 tuần mà không cần điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các triệu chứng viêm xoang kéo dài không thể tự khỏi, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị cho trẻ.

1. Biện pháp hỗ trợ điều trị tại chỗ

Một số biện pháp tại chỗ giúp điều trị triệu chứng cho trẻ em mắc viêm xoang mà phụ huynh có thể thực hiện:

  • Uống nhiều nước: Khuyến khích trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Nước giúp chất nhầy được làm loãng và thoát ra ngoài dễ dàng hơn.
  • Rửa mũi bằng nước muối 0.2%: Giúp giữ ẩm, làm sạch cho xoang và mũi. Cha mẹ cần được hướng dẫn để rửa mũi đúng cách cho con. Không nên tự ý rửa mũi nếu không nắm rõ kỹ thuật, có thể gây viêm tai và sặc cho trẻ.
  • Chườm ấm: Chườm khăn/gạc ấm lên vùng mũi, trán để giảm đau và giúp chất nhầy thoát ra dễ hơn.
  • Cho trẻ hít hơi nước nóng: Hơi nước nóng có thể làm loãng chất nhầy trong xoang và giúp dễ thoát ra ngoài. Cũng có thể thêm vào nước một vài giọt tinh dầu tràm.

2. Dùng thuốc 

Nếu các triệu chứng viêm xoang của trẻ không thuyên giảm khi thực hiện các biện pháp hỗ trợ sau vài ngày, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám. Bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc để điều trị dứt điểm cho trẻ:

  • Thuốc kháng sinh: Được kê đơn khi nghi ngờ viêm xoang do vi khuẩn. Trong quá trình điều trị bác sĩ có thể thay đổi loại kháng sinh nếu sau 3-5 ngày triệu chứng không thuyên giảm. Loại kháng sinh được lựa chọn đầu tiên cho trẻ là amoxicillin/clavulanate. Trẻ em được điều trị kháng sinh từ 10 đến 14 ngày.
  • Thuốc dị ứng: Đối với viêm xoang do dị ứng bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng histamine và các loại thuốc chống dị ứng khác.
  • Thuốc corticosteroid dạng xịt: Thuốc xịt mũi hoặc thuốc nhỏ có steroid thường được kê đơn, giúp làm giảm các triệu chứng nhưng thường mất ít nhất 10 ngày để có hiệu quả.
  • Các loại thuốc khác: Thuốc xịt mũi có chứa thuốc kháng histamine và thuốc co mạch, thuốc xịt hoặc thuốc nhỏ nước muối, hoặc thuốc làm loãng và làm sạch chất nhầy. Các loại thuốc co mạch toàn thân thường không được dùng cho trẻ nhỏ.

3. Phẫu thuật xoang 

Chỉ định phẫu thuật chỉ đặt ra khi điều trị nội khoa tích cực cho viêm mũi xoang mạn sau 6 tuần thất bại hoặc có những biến chứng của viêm xoang theo chỉ định chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng. Thường rất ít các trường hợp trẻ em cần phẫu thuật xoang.

Phòng tránh viêm xoang ở trẻ

Một số biện pháp phòng ngừa viêm xoang ở trẻ mà cha mẹ có thể thực hiện cho trẻ: 

  • Cần theo dõi và điều trị dứt điểm bệnh viêm mũi ngăn cản vi khuẩn tấn công gây bệnh viêm xoang.
  • Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp.
  • Tránh xa khói thuốc lá, bụi bẩn nhất là ở những nơi công cộng.
  • Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh.
  • Khi trẻ có cơ địa dị ứng với phấn hoa, lông động vật… tránh để trẻ tiếp xúc.
  • Dùng máy tạo độ ẩm khi không khí trong nhà khô.

Viêm xoang ở trẻ không khó điều trị, tuy nhiên cha mẹ cần theo dõi cho con để điều trị dứt điểm.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết