Viêm xoang ở trẻ em: Triệu chứng, Nguyên nhân và cách Điều trị
Viêm xoang ở trẻ em: Triệu chứng, Nguyên nhân và cách Điều trị
Viêm xoang ở trẻ em: Triệu chứng, Nguyên nhân và cách Điều trị
Viêm xoang ở trẻ em: Triệu chứng, Nguyên nhân và cách Điều trị - Ảnh: BookingCare

Viêm xoang ở trẻ em: Triệu chứng, Nguyên nhân và cách Điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 29/11/2023 | Cập nhật lần cuối: 29/11/2023
Viêm xoang ở trẻ em không phải bệnh quá phổ biến. Tuy nhiên sẽ gây khó chịu cho trẻ. Cha mẹ có thể tham khảo nội dung dưới đây để có cách điều trị và phòng ngừa phù hợp.

Vùng sọ mặt gồm các xoang: xoang sàng, xoang hàm, xoang trán, xoang trán do sự khí hóa vào các xương tương ứng. Xoang sàng và xoang hàm có ngay từ khi trẻ ra đời nhưng những các xoang khác được tạo thành dần trong quá trình phát triển của trẻ, xoang trán và xoang bướm chỉ xuất hiện khi trẻ được 7 - 8 tuổi. Hệ thống xoang  hoàn thiện ở khoảng 18 tuổi.

Tuy nhiên, trẻ em cũng có thể mắc viêm xoang như người lớn. Cha mẹ có thể tìm hiểu qua nội dung dưới đây.

Triệu chứng viêm xoang ở trẻ em

Trẻ em có thể bị viêm xoang nếu có các triệu chứng sau: 

  • Sưng quanh mắt
  • Nước mũi đặc, có màu
  • Chảy nước mũi sau có thể gây hôi miệng, ho, buồn nôn hoặc nôn
  • Đau đầu
  • Đau tai
  • Nghẹt mũi
  • Đau họng
  • Cơn ho có thể nặng hơn vào ban đêm
  • Giảm hoặc mất khứu giác

Các triệu chứng khác cần chú ý ở trẻ em bao gồm:

  • Khó chịu hoặc mệt mỏi
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Sốt kéo dài từ ba ngày trở lên kèm theo chảy nước mũi mủ

Hầu hết trẻ em sẽ hồi phục hoàn toàn sau viêm xoang mà không cần dùng kháng sinh. Thuốc kháng sinh được sử dụng cho những trường hợp trẻ bị viêm xoang nặng hoặc bị các biến chứng khác do viêm xoang.

Nguyên nhân gây viêm xoang ở trẻ em

Các nguyên nhân chính gây viêm xoang là:

  • Nhiễm trùng, thường do virus hoặc vi khuẩn
  • Dị ứng như dị ứng theo mùa hoặc dị ứng với các tác nhân gây ra từ môi trường

Một số yếu tố nguy cơ gây viêm xoang ở trẻ em bao gồm: 

  • Dị ứng
  • Trẻ dùng núm vú giả
  • Bú bình khi nằm ngửa trên mặt phẳng ngang
  • Ô nhiễm không khí, khói thuốc lá
  • Bất thường cấu trúc mũi
  • Nhiễm trùng từ răng
  • Chấn thương mũi
  • Dị vật trong mũi
  • Dị tật bẩm sinh với sự bất thường của vòm miệng (hở hàm ếch)
  • Trẻ mắc trào ngược dạ dày thực quản
  • Xơ nang và hội chứng suy giảm miễn dịch
  • Các vấn đề về miễn dịch hoặc thiếu hụt kháng thể là nguy cơ mắc bệnh xoang mãn tính

Chẩn đoán viêm xoang ở trẻ em như thế nào?

Để chẩn đoán viêm xoang ở trẻ em, bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng và tiền sử bệnh của trẻ. Tiếp theo qua quan sát dưới nội soi mũi để đánh giá tình trạng xoang. Ngoài ra, một số chụp chiếu, xét nghiệm chuyên sâu cũng có thể được thực hiện:

  • Chụp X-quang xoang: một số tư thế đặc biệt có thể giúp chẩn đoán tình trạng viêm xoang.
  • Chụp CT-scan xoang: Chụp CT cho thấy hình ảnh chi tiết của xoang hơn so với chụp Xquang, đồng thời giúp khảo sát các cấu trúc xương lân cận, đánh giá các biến chứng của viêm xoang.

Điều trị viêm xoang ở trẻ em

Việc điều trị viêm xoang cho trẻ sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng, mức độ nghiêm trọng của viêm xoang, độ tuổi và sức khỏe chung của trẻ. 

Viêm xoang cấp tính

Hầu hết các trường hợp viêm xoang cấp tính ở trẻ có thể tự khỏi. Với trường hợp không tự khỏi được, bác sĩ sẽ có thể kê đơn:

  • Thuốc kháng sinh: Nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn. Trường hợp các triệu chứng của trẻ không cải thiện sau 3 đến 5 ngày, bác sĩ có thể thử dùng loại kháng sinh khác. Kháng sinh được dùng từ 10 đến 14 ngày (thường là amoxicillin hoặc amoxicillin-clavulanate).
  • Thuốc dị ứng: Đối với viêm xoang do dị ứng, thuốc kháng histamine và các loại thuốc chống dị ứng khác có thể làm giảm phù nề, tiết dịch.

Lưu ý: KHÔNG nên sử dụng các loại thuốc xịt mũi co mạch không kê đơn mà không hỏi ý kiến của bác sĩ. Những thuốc xịt này có thể làm cho các triệu chứng viêm xoang trầm trọng hơn.

Viêm xoang mạn tính

Điều trị viêm xoang mãn tính có thể bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh: Trẻ có thể cần dùng thuốc kháng sinh trong những đợt nhiễm trùng cấp tính. Ngoài ra, có thể sử dụng kháng sinh nhóm Macrolide liều thấp thời gian dài trong một số trường hợp viêm xoang mạn.
  • Thuốc corticosteroid dạng xịt: Thuốc xịt mũi hoặc thuốc nhỏ có steroid thường được kê đơn.
  • Các loại thuốc khác: Thuốc xịt mũi có chứa thuốc kháng histamine và thuốc co mạch, thuốc xịt hoặc thuốc nhỏ nước muối, hoặc thuốc làm loãng và làm sạch chất nhầy.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật điều trị viêm xoang mãn tính là một lựa chọn, được chỉ định trong các trường hợp viêm xoang mạn triệu chứng dai dẳng mặc dù đã điều trị thuốc tích cực, viêm xoang mạn có biến chứng, viêm xoang do bất thường cấu trúc mũi...

Các biện pháp chăm sóc trẻ bị viêm xoang tại nhà

Ngoài việc điều trị bằng các loại thuốc, cha mẹ có thể thực hiện một số phương pháp dưới đây để giảm sự khó chịu khi bị viêm xoang cho con:

  • Uống nhiều nước: Nước lọc hoặc nước trái cây đều tốt. Uống nhiều nước giúp làm loãng chất nhầy, từ đó dịch sẽ thoát ra ngoài dễ dàng hơn, đồng thời cũng giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước.
  • Rửa nước muối: Giúp làm sạch các dịch tiết ứ đọng, giữ ẩm cho xoang và mũi. Cha mẹ có thể hỏi bác sĩ để được hướng dẫn cách rửa mũi cho con. Bởi nếu rửa không đúng cách có thể gây viêm tai hoặc gây sặc cho trẻ.
  • Chườm ấm: Chườm ấm lên vùng mũi và trán để giúp giảm áp lực và thúc đẩy quá trình thoát nước. Đắp khăn ấm, ẩm lên mũi, má và mắt của trẻ để giúp giảm đau ở mặt.
  • Cho trẻ hít hơi nước nóng: Hơi nước có thể làm loãng chất nhầy trong xoang và giúp dễ thoát ra ngoài. 
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm: Nếu không khí quá khô, có thể sử dụng máy tạo độ ẩm để giữ ẩm không khí tại nhà và ngăn ngừa khô mũi.
  • Kê gối cao hơn khi ngủ: Giúp chất dịch không bị đọng lại, trẻ sẽ dễ hô hấp hơn.

Cha mẹ nên làm gì để phòng ngừa viêm xoang cho trẻ em?

Dưới đây là một số biện pháp giúp phòng ngừa viêm xoang cho trẻ em mà cha mẹ có thể thực hiện:

  • Thực hành lối sống lành mạnh bằng cách cung cấp chế độ ăn uống lành mạnh, khuyến khích uống nhiều nước và dành thời gian tập thể dục.
  • Cho trẻ sử dụng xịt mũi hoặc bơm rửa mũi bằng nước muối. Sử dụng chúng thường xuyên để giữ ẩm cho mũi và làm sạch dịch tiết.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm khi thời tiết hanh khô.
  • Giữ trẻ tránh xa khói thuốc lá. Không cho phép hút thuốc trong nhà hoặc xe ô tô cá nhân.
  • Giữ trẻ tránh xa những tác nhân gây ra các triệu chứng dị ứng.
  • Sử dụng khẩu trang khi đi ra ngoài và khi đến nơi đông người để tránh khói bụi và các yếu tố lây bệnh hô hấp.
  • Hướng dẫn và tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng cho trẻ.
  • Tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm.
  • Tránh tiếp xúc gần với những người bị cảm lạnh hoặc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Như vậy, trẻ hoàn toàn có thể mắc viêm xoang. Với viêm xoang cấp hầu hết có thể tự khỏi, ít trường hợp phải dùng kháng sinh điều trị. Cha mẹ cần theo dõi và đưa trẻ đi khám khi cần thiết để được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị phù hợp cho trẻ.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare