Đừng chủ quan trước dấu hiệu đi cầu ra máu tươi kèm đau rát hậu môn
Dấu hiệu đi cầu ra máu tươi kèm đau rát hậu môn
Dấu hiệu đi cầu ra máu tươi kèm đau rát hậu môn - Ảnh: BookingCare

Đừng chủ quan trước dấu hiệu đi cầu ra máu tươi kèm đau rát hậu môn

Tác giả: - Xuất bản: 22/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 02/02/2024
Đi cầu ra máu tươi kèm đau rát hậu môn là một dấu hiệu của bệnh lý đường tiêu hóa, hay gặp nhất là ở các cơ quan như đại tràng, trực tràng,... Vì vậy, khi gặp tình trạng này trong cơ thể cần được tới ngay cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị kịp thời.

Đi cầu ra máu kèm đau rát hậu môn là tình trạng gặp khá phổ biến. Tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý tiêu hóa, nếu chủ quan sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe.

Cùng tìm hiểu về tình trạng đi cầu ra máu đi kèm đau rát hậu môn qua bài viết dưới đây để có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất và cách phòng tránh chúng.

Đi cầu ra máu kèm đau rát hậu môn có đặc điểm gì?

Đi cầu ra máu kèm đau rát hậu môn là hiện tượng có máu lẫn đi kèm mỗi khi đại tiện, có thể có lẫn trong phân hoặc chảy riêng lẻ thành giọt, bám trên giấy vệ sinh kèm theo triệu chứng nóng rát, khó chịu vùng hậu môn. 

Việc đi cầu ra máu kèm theo đau rát ở hậu môn có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, từ những vấn đề nhỏ như nứt trầy da đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như bệnh trĩ hay các bệnh lý liên quan đến đại tràng, trực tràng. Dưới đây là một số đặc điểm mà người trải qua tình trạng này có thể gặp:

  • Máu đi kèm với phân: máu thường xuất hiện kèm theo phân, có thể là máu tươi hoặc nâu sậm, tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Nếu máu có màu sậm, nó có thể là dấu hiệu của vấn đề ở trên tiêu hóa như bệnh lý dạ dày hoặc ruột.
  • Đau rát hậu môn: đau rát, đau nhức hoặc cảm giác khó chịu ở vùng hậu môn là một trong những triệu chứng phổ biến. Đau có thể làm tăng cảm giác khó chịu khi đi cầu.
  • Nứt trầy da: nếu có nứt trầy da, bạn có thể cảm nhận sự đau rát khi đi cầu. Nếu nứt trầy da đã tồn tại, quá trình đi cầu có thể làm tổn thương và kích thích nứt.
  • Khó khăn khi ngồi: tình trạng đau rát có thể xuất hiện khi ngồi làm việc, khi ma sát với vật cứng gây khó chịu cho người bị.

Nguyên nhân đi cầu ra máu tươi kèm đau rát hậu môn

Tình trạng đi cầu ra máu tươi kèm đau rát hậu môn do rất nhiều nguyên nhân. Mỗi nguyên nhân có cơ chế bệnh sinh khác nhau, vì vậy sẽ có phương pháp điều trị khác nhau cho người bệnh.

Ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng là một trong những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng mà bạn có thể gặp phải khi cơ thể xuất hiện biểu hiện đi cầu ra máu kèm đau rát hậu môn. Ung thư đại trực tràng rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. 

Nhiều người thường chủ quan khi gặp phải tình trạng đau rát hậu môn kèm đi cầu ra máu mà không đến bệnh viện kiểm tra kịp thời. Đến khi cơ thể xuất hiện thêm nhiều triệu chứng biểu hiện như đại tiện không tự chủ, táo bón kinh niên, chướng bụng đầy hơi, sụt cân… mới tá hỏa đi cấp cứu và căn bệnh đã trở nên trầm trọng.

Viêm đại trực tràng

Viêm đại trực tràng là một bệnh lý ảnh hưởng đến niêm mạc đại trực tràng, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có triệu chứng đi ngoài ra máu kèm đau rát hậu môn. Đau rát hậu môn có thể phát sinh do sự tổn thương của niêm mạc và các mô xung quanh. Việc đi ngoài trong tình trạng niêm mạc viêm có thể làm tăng cảm giác đau và khó chịu.

Nứt kẽ hậu môn

 

Nứt kẽ hậu môn gây chảy máu khi đi cầu kèm đau rát - Ảnh: lifeaura.com
Nứt kẽ hậu môn gây chảy máu khi đi cầu kèm đau rát - Ảnh: lifeaura.com

Nứt kẽ hậu môn là chứng bệnh hậu môn xuất hiện các vết nứt kẽ khiến máu tươi chảy ra trong quá trình người bệnh đi đại tiện. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy rất đau đớn và trong phân có lẫn máu tươi hoặc máu tươi chảy thành giọt. 

Nứt kẽ hậu môn thường là biểu hiện của chứng táo bón lâu ngày. Khi bị nứt kẽ hậu môn, người bệnh cần vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn mỗi khi đi đại tiện để tránh gặp phải tình trạng viêm nhiễm nguy hiểm.

Kiết lỵ

Kiết lỵ cũng là một trong những chứng bệnh có thể khiến người bệnh đi ngoài ra máu tươi kèm đau rát hậu môn. Khi bị kiết lỵ, ngoài đi ngoài ra máu bệnh nhân còn có thể xuất hiện các biểu hiện khác như đau bụng dữ dội, phân lỏng kèm máu và chất nhầy, mót đại tiện liên tục… 

Bệnh kiết lỵ khi không được chữa trị kịp thời cũng gây nên những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

Polyp trực tràng

Polyp gây đi ngoài ra máu - Ảnh: netdoctor.co.uk
Polyp gây đi ngoài ra máu - Ảnh: netdoctor.co.uk

Polyp trực tràng là tình trạng không hiếm gặp ở nhiều người. Đây là chứng bệnh do các khối u lành tính ở đại trực tràng gây nên những đợt đại tiện chảy máu kèm theo đau rát hậu môn và đau bụng.

 Tuy là bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện và điều trị nhanh chóng sẽ có khả năng diễn tiến thành bệnh ung thư đại trực tràng trực tiếp đe dọa tính mạng người bệnh.

Bệnh trĩ

Nhắc đến đau rát hậu môn và đi cầu ra máu chúng ta có thể nhắc ngay đến bệnh trĩ vì đây là biểu hiện thường gặp và dễ phát hiện của căn bệnh này. 

Hiện nay, số người mắc bệnh trĩ đang ngày càng tăng cao. Trĩ xuất hiện do sự căng phồng, phì đại tĩnh mạch. Khi bệnh trĩ không được kịp thời điều trị sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người bệnh, khiến người bệnh mệt mỏi và có thể gặp biến chứng nguy hiểm.

Đi cầu ra máu tươi kèm đau rát hậu môn có nguy hiểm không?

Nhiều người mắc tình trạng này thường chủ quan, chỉ nghĩ rằng đây là dấu hiệu sức khỏe bình thường nên không điều trị dẫn đến nhiều biến chứng:

  • Mất máu và suy nhược: tình trạng mất máu kéo dài sẽ dẫn đến thiếu máu, cơ thể thường xuyên mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, sụt cân không rõ nguyên nhân,...
  • Tác động đến tâm lý: những triệu chứng tại hậu môn khiến người bệnh tự ti, ngại ngùng, ảnh hưởng lớn đến tâm lý.
  • Bệnh kéo dài có thể ảnh hưởng tới tính mạng: tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới một số bệnh lý nguy hiểm như ung thư, viêm nặng đại trực tràng,... đe dọa tính mạng người bệnh.

Điều trị đi cầu ra máu tươi kèm đau rát hậu môn như thế nào?

Đối với những trường hợp nhẹ khi đi cầu ra máu tươi đau rát hậu môn thường sẽ uống thuốc hỗ trợ việc đại tiện kèm thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt, hạn chế viêm nhiễm sưng đau hậu môn.

Trường hợp bệnh đã chuyển biến sang các bệnh khác thì còn tùy thuộc vào kết quả chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh mà sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.

  • Bệnh trĩ: Các phương pháp thắt búi trĩ bằng phương pháp thắt thường dùng cho trĩ cấp độ II và III), phẫu thuật trĩ truyền thống, liệu pháp xơ hóa, đốt laser hoặc điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp đốt sóng cao tần (RFA).
  • Bệnh polyp trực tràng: Điều trị bệnh polyp trực tràng bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ những khối u ở ruột già và trực tràng để tránh biến chứng sang ung thư, hoặc nội soi đại tràng cắt polyp.
  • Bệnh nứt kẽ hậu môn: Nứt kẽ hậu môn thường tự lành sau vài tuần nhưng với trường hợp không thể tự lành người bệnh cần thay đổi lối sống kết hợp với sử dụng thuốc theo toa kê. Với những trường hợp nặng thì bác sĩ mới khuyến cáo điều trị bằng phương pháp phẫu thuật như nong hậu môn, cắt bỏ vết nứt và khâu lại,...
  • Bệnh viêm đại trực tràng: Viêm đại trực tràng nếu để lâu sẽ biến chứng thành bệnh ung thư đại trực tràng do vậy mà việc phát hiện bệnh đang trong giai đoạn sớm là điều cần thiết. Có hai phương pháp điều trị bệnh được sử dụng phổ biến đó là dùng thuốc và phẫu thuật. Một số trường hợp có thể chọn điều trị bằng xạ trị hoặc bằng laser.
  • Bệnh ung thư đại trực tràng: Đây là bệnh có nguy nguy cơ tử vong cao, người bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh khi bệnh đã ở giai đoạn nặng mà chỉ có cách điều trị theo phương pháp kết hợp (xạ trị, hóa trị liệu, cắt bỏ di căn) để tăng khả năng sống sót và kéo thời gian sống cho bệnh nhân.

Đi cầu ra máu kèm đau rát hậu môn là một dấu hiệu quan trọng của một số bệnh lý về tiêu hóa. Vì vậy nếu thấy cơ thể gặp tình trạng này cần tới ngay cơ sở y tế để được phát hiện sớm và điều trị phù hợp, kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết