- Xuất bản: 24/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 18/03/2024
Những điều bạn cần biết về tình trạng đầy hơi chứng bụng - Ảnh: BookingCare
Đầy hơi chướng bụng là hiện tượng phổ biến mà nhiều người gặp phải, đặc biệt sau khi ăn hoặc uống. Tình trạng này không chỉ gây khó chịu cho người bệnh còn là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe có thể bạn đang gặp phải.
Đầy hơi chướng bụng là cảm giác khó chịu do sự tích tụ khí trong dạ dày và ruột, làm tăng kích thước và áp lực trong bụng. Người bị cảm thấy bụng đầy, căng chướng và có thể gặp khó khăn trong việc tiêu hóa. Trên hết, đôi khi nó còn là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn mà chúng ta cần phải chú ý và xử lý.
Trong bài viết này, cùng BookingCare tìm hiểu sâu hơn về tình trạng đầy hơi chướng bụng về nguyên nhân, đến những hậu quả và cách khắc phục của tình trạng này.
Nguyên nhân của tình trạng đầy hơi chướng bụng
Thời gian tiêu hóa thức ăn ở dạ dày và hấp thu ở ruột non thông thường từ 3-5 giờ. Nếu quá 3 -5 giờ mà thức ăn vẫn chưa được tiêu hóa sẽ sinh ra chướng bụng, đầy hơi. Nguyên nhân của chứng bệnh này bắt nguồn từ những thói quen không tốt như:
Một phần của đầy hơi chướng bụng là do sự tích tụ của khí trong dạ dày và ruột do quá trình tiêu hóa thức ăn.
Chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn nhanh chóng, ăn quá nhiều thức ăn chứa nhiều chất béo, đường và carbohydrate có thể làm tăng khí trong dạ dày. Các loại thức ăn có thể gây ra khí như bia, rượu có ga, các loại thực phẩm có chứa chất béo hoặc carbohydrate khó tiêu.
Ăn quá nhiều, ăn những thực phẩm khó tiêu (thức ăn giàu tinh bột; nhiều chất xơ; nhiều chất béo; sử dụng rượu bia, thuốc lá, đồ uống có ga...)
Ăn không đúng cách: Ăn quá nhanh, nhai không kỹ, ăn không đúng bữa, đúng giờ, vừa ăn no đã nằm ngay, vừa ăn vừa xem tivi...
Ngoài ra, bệnh còn gặp ở những người bị các bệnh rối loạn tiêu hóa lâu năm, viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích, viêm loét dạ dày, những người hay lo âu, thần kinh căng thẳng hoặc dùng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau... làm lợi khuẩn đường ruột suy giảm trầm trọng, hại khuẩn phát triển mạnh, chính hại khuẩn sinh ra nhiều các khí hư gây ra đầy bụng, trướng hơi.
Uống đồ uống có gas là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng đầy hơi chướng bụng - Ảnh: treehugger.com
Đầy hơi chướng bụng kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề và ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bị, bao gồm:
Gây không thoải mái và căng thẳng: Cảm giác đầy hơi và chướng bụng liên tục có thể gây ra sự không thoải mái và căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày. Nó có thể làm giảm chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng đến tinh thần.
Rối loạn tiêu hóa: Đầy hơi chướng bụng có thể gây ra các triệu chứng khác như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón. Sự khó chịu này có thể gây ra sự rối loạn trong quá trình tiêu hóa và gây ra vấn đề về sức khỏe tiêu hóa.
Tăng nguy cơ các vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng hơn: Nếu không được xử lý kịp thời, đầy hơi chướng bụng có thể dẫn đến các vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng hơn như viêm loét dạ dày hoặc hội chứng ruột kích thích,…
Mất ngủ và căng thẳng: Đầy hơi chướng bụng có thể gây ra sự không thoải mái khi nằm xuống vào ban đêm và gây ra vấn đề về giấc ngủ. Căng thẳng từ triệu chứng cũng có thể gây ra mất ngủ và làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề tâm lý khác.
Giảm chất lượng cuộc sống: Tất cả các vấn đề trên có thể làm giảm chất lượng cuộc sống tổng thể của người bị đầy hơi chướng bụng, gây ra sự không thoải mái và hạn chế trong cuộc sống hàng ngày.
Cách khắc phục tình trạng đầy hơi chướng bụng
Chứng đầy hơi hay đầy hơi do hiện tượng tích tụ hơi trong dạ dày, xảy ra khi lượng hơi trong dạ dày và ruột nhiều. Để khắc phục chứng bệnh này cần:
Ăn nhiều trái cây và rau xanh để cung cấp chất xơ, có xu hướng thải nhanh qua đường tiêu hóa, loại bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể. Hạn chế ăn thức ăn chua, cay, kẹo, bánh ngọt… Ưu tiên tỏi và một số loại hoa quả như cam, bưởi, táo, dứa, lê sau những bữa ăn nhiều đạm.
Ăn chậm, nhai kỹ, ăn những miếng nhỏ để tránh nuốt không khí cùng thức ăn vào dạ dày.Bỏ thói quen nhai kẹo cao su làm cho bụng bị tích nhiều khí làm nặng thêm chứng đầy hơi.
Cần tránh xa thuốc lá và đồ uống có cồn vì uống rượu và hút thuốc nhiều có thể gây buồn nôn và làm tăng nồng độ acid trong bụng dẫn đến trào ngược acid và ợ nóng.Uống từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày giúp tống các độc tố gây tiêu hóa kém ra khỏi cơ thể.
Dùng tay massage bụng để làm tăng nhu động dạ dày, ruột giúp cho việc tiêu hóa thức ăn tốt hơn, tránh ứ đọng thức ăn.
Tập thể dục nhẹ nhàng để làm tăng nhu động ruột một cách hợp sinh lý bình thường như đi bộ, tập hít thở để cơ hoành vận động làm tăng nhu động của dạ dày và ruột. Đi bộ cũng là một hình thức thư giãn loại bỏ stress.
Tập thể dục cũng là một trong các phương pháp giúp cải thiện tình trạng đầy hơi chướng bụng - Ảnh: Freepik
Khi bị đầy hơi, chướng bụng kéo dài và thường xuyên tái phát, người bệnh cần sớm đi thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị cụ thể, tận gốc.Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, nên có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để giúp cải thiện tình trạng bệnh tốt nhất.