Gan nhiễm mỡ độ 2: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Người kiểm duyệt: - Xuất bản: 08/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 15/01/2024
Gan nhiễm mỡ độ 2: Nguyên nhận, triệu chứng và cách điều trị
Gan nhiễm mỡ độ 2 - Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh: BookingCare
Gan nhiễm mỡ tiến triển theo từng giai đoạn bệnh khác nhau. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về bệnh gan nhiễm mỡ độ 2.

Gan nhiễm mỡ rất khó để phát hiện ngay từ đầu bởi các triệu chứng ở cấp độ 1 gần như không biểu hiện. Khi được chẩn đoán mắc bệnh gan nhiễm mỡ độ 2, người bệnh cần điều trị ngay để ngăn chặn mọi rủi ro biến chứng.

Nắm được những thông tin cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị là yếu tố quan trọng giúp phát hiện gan nhiễm mỡ sớm và điều trị hiệu quả.

Gan nhiễm mỡ độ 2 là gì?

Gan nhiễm mỡ là tình trạng gan tích tụ một lượng mỡ cao hơn mức bình thường. Vấn đề này có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ở người bình thường, lượng mỡ trong gan chỉ chiếm khoảng từ 3% - 5% trọng lượng gan. Bệnh nhân gan nhiễm mỡ độ 2 được thực hiện siêu âm đàn hồi gan (Fibroscan) và ghi nhận mức độ Gan nhiễm mỡ độ 2 (S2): Tỷ lệ tế bào gan nhiễm mỡ chiếm 34-66%; CAP: 259-290 dB/m.

Giai đoạn này thường không có triệu chứng rõ ràng, tuy nhiên vẫn có thể có dấu hiệu tổn thương viêm và hoại tử tế bào gan, ghi nhận qua bất thường sớm về xét nghiệm sinh hóa gan.

Nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ độ 2

Một số nguyên nhân chính dẫn đến gan nhiễm mỡ nói chung bao gồm:

  • Lạm dụng rượu bia và các loại đồ uống chứa cồn nồng độ cao, vượt quá mức độ xử lý của gan, trong thời gian kéo dài 
  • Bệnh nhiễm virus: viêm gan siêu vi C mạn
  • Một số bệnh của hệ nội tiết: suy tuyến yên, suy thượng thận
  • Sử dụng một số loại thuốc: thuốc điều trị ức chế miễn dịch (kháng viêm corticosteroids), thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp (methotrexate), thuốc điều trị ung thư vú (tamoxifen), thuốc điều trị loạn nhịp tim (amiodarone),...
  • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu: là một rối loạn chuyển hóa trong thời gian dài và tiến triển âm thầm, gồm nhiều yếu tố nguy cơ được liệt kê dưới đây:
    • Béo phì, thừa cân: BMI > 27kg/m2 với người châu Á, BMI > 30 kg/m2 với dân số chung
    • Đái tháo đường tuýp 2
    • Rối loạn chuyển hóa lipid
    • Hội chứng chuyển hóa: tập hợp nhiều triệu chứng rối loạn chuyển hóa như : Chu vi vòng eo ≥ 102/88 cm ở người da trắng (nam/nữ) hoặc ≥ 90/80 cm ở người châu Á (nam/nữ). Huyết áp ≥ 130/85 mmHg hoặc đang dùng thuốc hạ áp. Triglycerides huyết tương ≥ 150 mg/dL (≥ 1,70 mmol/l) hoặc đang dùng thuốc đặc trị. HDL-cholesterol huyết tương < 40 mg /dL (< 1 mmol/L) đối với nam và < 50 mg/dL (< 1,3 mmol/L) đối với nữ hoặc đang điều trị thuốc đặc trị .Tiền đái tháo đường (đường huyết đói 100 - 125 mg/dL (5,6 – 6,9 mmol/L), đường huyết sau 2 giờ dùng nghiệm pháp dung nạp glucose: 140 - 199 mg/dL (7,8 – 11,0 mmol) hoặc HbA1C 5,7% - 6,4%). Chỉ số đề kháng Insulin (HOMA: Homeostasis model assessment) ≥ 2,5. CRP-hs (Plasma high-sensitivity C-reactive protein) > 2 mg/L. 

Triệu chứng thường gặp của gan nhiễm mỡ độ 2

Tương tự như gan nhiễm mỡ độ 1, gan nhiễm mỡ độ 2 tuy nặng hơn nhưng các triệu chứng vẫn rất mờ nhạt và gần như không biểu hiện ra bên ngoài.

Một số triệu chứng mà người bệnh có thể gặp phải dù ít khi gặp, bao gồm:

  • Đau nhức ở vùng bụng phải bên dưới xương sườn: Đây là một trong những triệu chứng thường gặp của bệnh gan nhiễm mỡ. Nguyên nhân là do lượng mỡ tích tụ trong gan ngày càng nhiều, gây ra cảm giác không thoải mái.
  • Vàng da: Khá nhiều trường hợp người bệnh mắc gan nhiễm mỡ giai đoạn 2 có biểu hiện vàng da, vàng mắt. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo cho một số bệnh lý khác.
  • Kích thước gan to bất thường: khi lượng mỡ trong gan ngày càng nhiều lên, một số tế bào ở gan bị sưng phồng lên, đặc biệt là những tế bào gan xung quanh các tĩnh mạch chủ, khiến kích thước lá gan to lên bất thường. Thậm chí có thể dùng tay cảm nhận được khi áp tay lên vị trí gan.
  • Về xét nghiệm sinh hóa và hình ảnh học:  ban đầu bệnh nhân có thể tình cờ phát hiện tình trạng tăng men gan nhẹ, kèm với bất thường xét nghiệm mỡ máu, đường huyết đói. Siêu âm bụng có thể ghi nhận gan nhiễm mỡ hoặc gan thô.

Phương pháp điều trị gan nhiễm mỡ độ 2

Các phương pháp điều trị chủ yếu nhằm mục đích cải thiện sức khỏe gan và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn, phòng ngừa rủi ro mắc các biến chứng nguy hiểm. Điều trị chủ yếu và quan trọng quyết định thành công là dựa vào lối sống, chế độ ăn uống và sinh hoạt, thuốc điều trị đóng vai trò thứ yếu.

Một số phương pháp phổ biến điều trị gan nhiễm mỡ độ 2 bao gồm:

Giảm cân và kiểm soát cân nặng ổn định

Giảm cân là một trong những điều kiện tiên quyết giúp người bệnh điều trị gan nhiễm mỡ hiệu quả. Để giảm cân, người bệnh cần lựa chọn thực phẩm lành mạnh, kiểm soát khẩu phần ăn và tăng cường hoạt động thể chất nhằm đốt cháy mỡ thừa.

Người có bệnh gan nhiễm mỡ kèm tình trạng béo phì được khuyến cáo nên giảm từ 5-7% cân nặng. Chỉ sử dụng các loại thuốc giảm cân khi BMI từ 27kg/m2 và cân nhắc phẫu thuật điều trị béo phì với người có BMI > 30 kg/m2

Có rất nhiều phương pháp để giảm cân an toàn, hiệu quả, người bệnh tuyệt đối không sử dụng các phương pháp giảm cân phản khoa học như: uống thuốc giảm cân, hút mỡ thừa,... điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Người bệnh béo phì cần đến thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để được lên phác đồ điều trị cụ thể hơn.

Thay đổi chế độ ăn uống

Một lưu ý quan trọng mà người bệnh gan nhiễm mỡ cần đặc biệt ghi nhớ, đó là: không uống rượu bia và các chất có cồn, hạn chế thực phẩm dầu mỡ nhiều chất béo, thực phẩm nhiều đường cũng cần loại bỏ khỏi thực đơn hàng ngày.

  • Nên ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.

Những thực phẩm này ổn định lượng đường trong máu của bạn không giống như những thực phẩm như bánh mì trắng, gạo trắng và khoai tây.

  • Tránh thực phẩm và đồ uống có đường

Đặc biệt là những thực phẩm có đường fructose bao gồm nước ngọt có đường, nước uống lực, trà hoa quả và nước ép trái cây.

Đường ăn thông thường (sucrose) cũng chứa fructose, có thể gây hại cho gan của người bệnh. Tốt nhất là người bệnh nên hạn chế đường nhiều nhất có thể.

Tăng cường rèn luyện thể thao

Tập luyện thể thao không chỉ giúp cơ thể được săn chắc, cân nặng được ổn định mà đây còn là yếu tố quan trọng giúp đốt cháy mỡ thừa toàn bộ cơ thể, tăng cường sức khỏe và sức đề kháng. Hỗ trợ người bệnh điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Tùy vào tình trạng sức khỏe mà người bệnh có thể lựa chọn những môn thể thao phù hợp. Một số bộ môn thể thao phù hợp cho hầu hết đối tượng người bệnh gan nhiễm mỡ bao gồm: yoga, thiền, dance, đi bộ, chạy bộ,... Điều quan trọng cần giữ được sự thường xuyên trong tập luyện, thông thường từ 30-45 phút trong 1 buổi tập và 3-5 buổi mỗi tuần.

Điều trị bằng thuốc (nếu được chỉ định)

Mặc dù gan nhiễm mỡ chưa có loại thuốc nào có thể trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, bác sĩ có thể kê đơn cho người bệnh một số loại thuốc nhằm hỗ trợ quá trình điều trị tại nhà hiệu quả hơn, ngăn ngừa gan nhiễm mỡ tiếp tục tiến triển.

Một số loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:

  • Thuốc hỗ trợ chuyển hóa lipoprotein
  • Thuốc cung cấp choline giúp tăng cường dưỡng chất trong gan, giải độc, làm tan mỡ trong gan.
  • Thuốc chứa acid amin giúp phục hồi các tế bào và chức năng gan
  • Bổ sung các loại vitamin như: vitamin B, C, E giúp hòa tan chất béo trong gan ngăn chặn mỡ hóa, bảo vệ tế bào gan và điều trị gan nhiễm mỡ độ 2.
  • Bên cạnh đó người bệnh cần được quan tâm và điều trị kỹ lưỡng các yếu tố nguy cơ và bệnh lý đi kèm (tăng huyết áp, đái tháo đường típ 2) như đã liệt kê ở trên.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh gan nhiễm mỡ độ 2. Bạn đọc có thể truy cập Cẩm nang sống khỏe của BookingCare để tìm đọc thêm những bài viết hữu ích về gan nhiễm mỡ cũng như nhiều chuyên khoa khác.