Người bệnh gan nhiễm mỡ nên ăn gì và nên kiêng gì?
Người bệnh gan nhiễm mỡ nên ăn gì và nên kiêng gì?
Người bệnh gan nhiễm mỡ nên ăn gì và kiêng gì?
Người bệnh gan nhiễm mỡ nên ăn gì và kiêng gì? - Ảnh: BookingCare

Người bệnh gan nhiễm mỡ nên ăn gì và nên kiêng gì?

Sản phẩm của: BookingCare
Người kiểm duyệt:
Xuất bản: 28/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 08/01/2024
Gan nhiễm mỡ là tình trạng hàm lượng chất béo trong gan cao hơn bình thường (trên 5% trọng lượng gan). Gan nhiễm mỡ phổ biến ở những người lười vận động, ăn uống không hợp lý.

Thói quen ăn uống không hợp lý: quá nhiều thịt, mỡ, sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá… kết hợp với áp lực công việc, stress kéo dài, ít vận động có thể gây ra nhiều bệnh lý như: xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường đặc biệt là bệnh gan nhiễm mỡ.

Bệnh không có triệu chứng rõ ràng. Một số người chỉ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Những người có thói quen ăn uống không hợp lý nên đi khám Tiêu hóa định kỳ để phát hiện bệnh từ sớm. 

Thay đổi lối sống cụ thể là giảm cân và thay đổi chế độ ăn đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị bệnh gan nhiễm mỡ. Một chế độ ăn hợp lý sẽ giúp giảm được cân nặng, giúp giảm mỡ trong gan và đảo ngược quá trình viêm và xơ hóa gan trong bệnh gan nhiễm mỡ

Chế độ ăn Địa Trung Hải được nhiều nghiên cứu khuyên áp dụng cho người bị gan nhiễm mỡ nói riêng và người mắc hội chứng chuyển hóa nói chung do bổ dưỡng, an toàn, dễ thực hiện, bảo vệ chống lại bệnh tim mạch, đái tháo đường và hiệu quả để giảm cân nặng.

Người bệnh gan nhiễm mỡ nên ăn gì?

Người bệnh hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng nhiễm mỡ của gan thông qua việc thay đổi các thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. 

1. Trứng, sữa, thịt, cá, các loại đậu đỗ

Khi bị gan nhiễm mỡ, người bệnh thường sẽ phải giảm lượng tinh bột và chất béo trong bữa ăn. Nhưng cơ thể đòi hỏi vẫn phải cung cấp một lượng protein nhất định để đảm bảo cho các hoạt động hàng ngày.

Vì vậy, người bệnh có thể nạp protein từ thịt nạc, cá, trứng, sữa tách béo và các loại đậu đỗ thay vì tinh bột và chất béo như trước.

  • Bổ sung nhiều cá tươi, đặc biệt là các loại cá sông (cá không chiên), hoặc hải sản ít nhất 2 lần/ tuần thay cho các loại thịt đỏ, thịt gia cầm hoặc trứng.
  • Hạt cây (hạnh nhân, óc chó, hạt điều, macca, đậu phộng…)  là thành phần không thể thiếu cho một chế độ ăn lành mạnh do giàu chất dinh dưỡng, dầu chất béo không bão hòa, chất xơ, protein và các khoáng chất không sodium. Chính vì vậy cần thường xuyên tiêu thụ các loại hạt cây để cải thiện sức khỏe lâu dài. Các loại đậu cũng chứa nhiều dinh dưỡng không kém hạt cây, và sẽ rất tốt để thêm vào một chế độ ăn lành mạnh.
  • Trứng cũng là một nguồn dinh dưỡng tốt cung cấp chất đạm và chất béo tốt cho cơ thể. Dù mỗi lòng đỏ trứng chứa 184mg cholesterol nhưng các nhóm nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ trứng không liên quan đến tăng cholesterol máu, tốt nhất là không quá 5 lòng đỏ trong 1 tuần, và không giới hạn số lòng đỏ trứng.

Lưu ý: khi chế biến thức ăn, nên bỏ cắt bỏ phần da động vật. Chất béo và calo dư thừa có thể được giảm bằng cách loại bỏ tất cả các chất béo có thể nhìn thấy như da của gia cầm trước khi nấu.

Các loại cá, tôm sẽ cung cấp đủ lượng protein cho cơ thể mà lại không chứa nhiều chất béo 
Các loại cá, tôm sẽ cung cấp đủ lượng protein cho cơ thể mà lại không chứa nhiều chất béo 

2. Hoa quả, rau xanh và ngũ cốc

Chất xơ là một phần không thể thiếu được trong cơ thể, tăng thêm lượng chất xơ trong các bữa ăn sẽ giúp người bệnh có thể kiểm soát được lượng mỡ và lượng đường trong cơ thể.

Người bệnh nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi để có chất xơ kích thích nhu động ruột, tránh táo bón, phòng chống bệnh xơ vữa động mạch. Trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt tự nhiên ít calo và chất béo bão hòa nhưng giàu chất xơ.

Chế độ ăn giàu chất xơ cũng có thể ngăn ngừa bệnh đái tháo đường típ 2, một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với gan nhiễm mỡ. Các vitamin tan trong dầu mỡ như vitamin A, E, giúp phục hồi và đỡ bị rối loạn chuyển hóa thêm nữa từ các bệnh lý của gan hay nhiễm mỡ của gan.

Một số thực phẩm được có tác dụng giảm mỡ như

  • Ngũ cốc nguyên hạt, nguyên cám như: Gạo lứt, hạt diêm mạch, hạt quinoa, đặc biệt là ngô, trong ngô có chứa axit béo không no, có thể thúc đẩy sự chuyển hóa của các chất béo bên trong cơ thể và giúp cân bằng lượng cholesterol. 
  • Cà chua tươi chín
  • Ớt vàng, khổ qua
  • Rau ngót, rau cần tây, bầu, bí, tỏi
  • Cam, quýt, bưởi, các loại quả mọng (dâu), táo
  • Trà xanh, hoa hòe

3. Dầu thực vật

Chất béo là nguồn cấp năng lượng chủ yếu trong cơ thể nên người bệnh gan nhiễm mỡ phải hạn chế sử dụng chất béo. Mà thay vào đó, bạn có thể dùng dầu thực vật như dầu olive, dầu hạt cải, dầu đậu nành…

Sử dụng dầu thực vật sẽ tốt cho người mắc bệnh gan nhiễm mỡ 
Sử dụng dầu thực vật sẽ tốt cho người mắc bệnh gan nhiễm mỡ 

4. Đồ uống có lợi cho gan

Người bị gan nhiễm mỡ nên chọn các loại nước có lợi cho gan tuy nhiên phải sử dụng với liều lượng nhất định có sự hướng dẫn của bác sĩ như atiso, trà nụ vối, và tránh các loại đồ uống ngọt, đồ uống có cồn. Bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ nên tránh tất cả loại rượu, bia.

Gan nhiễm mỡ nên kiêng gì?

Nếu chỉ ăn uống những thực phẩm tốt, mà không hạn chế những đồ ăn độc hại thì khó có thể kiểm soát được gan nhiễm mỡ. Người bệnh cần tránh một số thực phẩm sau: 

1. Mỡ động vật

Người bệnh cần hạn chế ăn mỡ động vật trong bữa ăn hàng ngày. Có như vậy mới làm giảm lượng mỡ trong máu, lượng mỡ vận chuyển qua gan giảm, qua đó giảm gánh nặng cho gan.

Thay vì mỡ động vật, người bệnh nên sử dụng các loại dầu thực vật như dầu mè, dầu đậu nành, dầu olive… những loại dầu này chứa nhiều acid béo không no có tác dụng làm giảm cholesterol.

2. Nội tạng, da động vật

Người bệnh gan nhiễm mỡ cũng nên kiêng ăn các loại phủ tạng động vật, da động vật… vì có chứa nhiều cholesterol.

Hạn chế được các loại thức ăn này sẽ giúp người bệnh giảm được lượng mỡ thừa và phòng ngừa hoặc làm ổn định bệnh xơ vữa động mạch, cao huyết áp, tiểu đường, béo phì…

3. Thịt đỏ

Bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ cũng không nên ăn thịt nhiều, đặc biệt là các loại thịt đỏ vì nhiều chất béo bão hòa và đạm có trong thịt  cũng sẽ phải chuyển hóa ở gan, làm tăng gánh nặng cho gan.

Thịt đỏ gồm các loại thịt bò, thịt cừu, thịt heo và thịt bê, thịt ngựa, thịt trâu...
Thịt đỏ gồm các loại thịt bò, thịt cừu, thịt heo và thịt bê, thịt ngựa, thịt trâu...

4. Rượu, bia và các đồ uống có cồn

Đặc biệt, người bệnh gan nhiễm mỡ phải kiêng rượu bia. Khi bị bệnh mà người bệnh vẫn tiếp tục uống rượu bia sẽ làm quá trình chuyển đến xơ gan và ung thư gan nhanh hơn rất nhiều. Lượng rượu bia được khuyến cáo sử dụng hàng ngày là từ 2 đơn vị rượu đối với nam, từ 1 đơn vị rượu trở xuống với nữ (1 đơn vị rượu tương đương 1 lon bia 330ml nồng độ cồn 5%, hoặc 100ml rượu vang có nồng độ cồn 13,5%, hoặc 30ml rượu mạnh nồng độ 40%)

5. Thức ăn, đồ uống chứa nhiều đường và trans fat.

Ngày nay với sự phát triển của lối sống hiện đại kéo theo sự bùng nổ của các loại thức ăn nhanh chứa nhiều gia vị và đồ uống đã qua nhiều công đoạn chế biến sẵn, đặc biệt là đường tinh luyện, đường có nồng độ fructose cao, trans fat trong các loại bột kem béo thực vật, có trong nhiều món khoái khẩu như kem, trà sữa, thức uống đóng chai uống liền,.., gây hại cho gan khi tiêu thụ với số lượng lớn và thường xuyên.

Nên tập thể dục, thể thao thường xuyên

Song song với chọn thực phẩm phù hợp, điều chỉnh lối sống, tập thể dục đều đặn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát gan nhiễm mỡ. Người bệnh nên dành khoảng 30 phút để tập aerobic mỗi ngày, đi bộ hoặc đi xe đạp.

Tránh lao động trí óc quá căng thẳng, lao động chân tay quá sức. Có thời gian làm việc nghỉ ngơi hợp lý, chú ý ngủ đủ giấc trong ngày, thực hành thiền định chánh niệm. Tránh căng thẳng, lo lắng, giận dữ, buồn phiền. Hình thành nếp sống vui tươi lành mạnh.

Ngoài ra, nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, và lưu ý xét nghiệm men gan và các xét nghiệm đánh giá chức năng gan để xử lý kịp thời các biến chứng do gan nhiễm mỡ gây ra. Khi bị bệnh cần điều trị bệnh theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không được tự động bỏ thuốc, thay thuốc hoặc thay liều lượng điều trị.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết