Góc giải đáp: Bệnh viêm phổi có lây được không?
Bệnh viêm phổi có lây được không?
Bệnh viêm phổi có lây được không?- Ảnh: BookingCare

Góc giải đáp: Bệnh viêm phổi có lây được không?

Tác giả: - Xuất bản: 22/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 02/01/2024
Bệnh viêm phổi có lây được không là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Bệnh viêm phổi khởi phát do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là do virus, vi khuẩn và nấm gây nên. Tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh mà viêm phổi được chia ra thành nhiều loại khác nhau, và không phải bệnh viêm phổi nào cũng có khả năng lây nhiễm.

Những loại bệnh viêm phổi nào có khả năng lây nhiễm từ người sang người?

Phân biệt được các loại bệnh viêm phổi dựa trên nguyên nhân gây bệnh là điều mà mọi người cần nắm rõ giúp phòng ngừa cũng như chăm sóc người bệnh hiệu quả.

Dưới đây là một số loại bệnh viêm phổi thường gặp và khả năng lây nhiễm (có hoặc không):

Viêm phổi do virus: Có lây nhiễm

Có rất nhiều loại virus gây ra viêm phổi, từ các loại virus thông thường như Rhinovirus, virus á cúm cho đến các loại virus nguy hiểm như SARS-CoV-2, cúm A, cúm B, Hantavirus. Đặc điểm thường thấy là các loài virus rất dễ lây lan, dễ trở thành đại dịch, lây qua đường dịch tiết, tiếp xúc và giọt bắn là chủ yếu, đôi khi lây từ động vật nhiễm bệnh sang.

Viêm phổi do virus chiếm khoảng 1/3 tổng số ca chẩn đoán viêm phổi mỗi năm. Rất khó biết được khi nào người bệnh hết khả năng lây nhiễm, vì thế cần phải điều trị đến khi khỏi bệnh hoàn toàn hoặc có các xét nghiệm xác định hết khả năng lây nhiễm do bác sĩ chỉ định và đọc kết quả.

Viêm phổi do vi khuẩn: Có lây nhiễm

Viêm phổi do vi khuẩn lây lan từ người này sang người khác qua ho, hắt hơi và tiếp xúc gần gũi nói chung. Khác với virus, viêm phổi do vi khuẩn lây lan rất chậm.

Một trong những chủng phổ biến nhất được biết là gây viêm phổi do vi khuẩn được gọi là Streptococcus pneumoniae hay phế cầu khuẩn. Trên thực tế, loại viêm phổi này có thể lây sang người khác trước khi người đầu tiên bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Những vi khuẩn này có thể ảnh hưởng đến bất cứ nơi nào từ một phần nhỏ của một lá phổi đến các vùng lan rộng ở cả hai phổi. 

Tùy thuộc vào chủng vi khuẩn gây viêm phổi, người bệnh có thể bị lây nhiễm từ vài ngày đến vài tuần, ngay cả sau khi bắt đầu điều trị bằng kháng sinh.

Cùng với bệnh viêm phổi, vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng các cơ quan khác đồng thời tùy vào từng loài vi khuẩn, hoặc ở tình trạng nặng - nguy kịch, nhiễm trùng vào máu gây ra suy đa cơ quan dẫn đến tử vong

Viêm phổi do nấm: Không lây nhiễm

Viêm phổi do nấm xảy ra khi người bệnh hít phải các bào tử của nấm có trong đất, không khí hoặc bất kì đâu trong môi trường sống xung quanh. Loại bệnh viêm phổi này thường không có khả năng lây lan nhưng thời gian mắc bệnh thường kéo dài rất lâu, từ vài tháng cho đến vài năm, chủ yếu ở những người lớn tuổi có nhiều bệnh lý nền hoặc suy giảm miễn dịch.

Viêm phổi do hít phải khí độc, hóa chất, vật thể lạ: Không lây nhiễm

Viêm phổi do hóa chất là một loại viêm phổi đặc biệt và hiếm gặp. Nếu tiếp xúc thường xuyên với hóa chất mà không sử dụng dụng cụ bảo hộ, nguy cơ mắc bệnh viêm phổi sẽ tăng cao. Ngoài ảnh hưởng đến phổi, hóa chất còn có thể gây tổn thương cho nhiều cơ quan khác như gan, da,...

Chỉ có những người thường xuyên tiếp xúc với không khí và hóa chất độc hại mới bị viêm phổi bởi nguyên do này. 

Viêm phổi lây nhiễm bằng cách nào?

Giống như nhiều bệnh khác, các nguyên nhân gây ra viêm phổi truyền nhiễm lây lan qua ho và hắt hơi, khiến vi trùng phát tán vào không khí.  Người khác có thể vô tình hít phải virus hoặc vi khuẩn gây viêm phổi trong quá trình nói chuyện hoặc tiếp xúc gần với người bệnh ho hoặc hắt hơi. Vì virus và vi khuẩn thường tồn tại trong nước bọt và khoang miệng của người mắc bệnh.

viêm phổi cũng có khả năng lây truyền gián tiếp. Điều này xảy ra khi giọt bắn chứa virus hoặc vi khuẩn từ người bệnh bám vào các bề mặt, đồ vật xung quanh. Nếu người khác vô tình chạm vào và sau đó chạm tay lên các bộ phận như mắt, mũi, miệng, nguy cơ nhiễm bệnh viêm phổi cũng rất cao.

Vi khuẩn có thể sống ngoài môi trường hàng tuần đến hàng tháng, trong khi virus chỉ sống được ngoài môi trường tối đa 1 ngày ở nơi ẩm thấp, còn ngoài môi trường có ánh sáng mặt trời trực tiếp thì tồn tại tối đa 3 giờ

Người bệnh cần thăm khám tại các bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh. Trong trường hợp mắc bệnh viêm phổi có khả năng lây nhiễm được điều trị tại nhà, người bệnh và người thân cần đặc biệt lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày tránh lây nhiễm bệnh.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết