Hạ thân nhiệt: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách sơ cứu kịp thời
Hạ thân nhiệt: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách sơ cứu kịp thời
Hạ thân nhiệt cần được sơ cứu khẩn cấp
Hạ thân nhiệt ảnh hưởng đến chức năng sinh lý cơ thể - Ảnh: BookingCare

Hạ thân nhiệt: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách sơ cứu kịp thời

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 15/04/2024 | Cập nhật lần cuối: 20/04/2024
Hạ thân nhiệt là tình trạng xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là khi nhiệt độ xuống thấp. Khi hạ thân nhiệt, nếu không được sơ cứu kịp thời dễ gây nguy hiểm tính mạng. Vậy làm sao để nhận biết và sơ cứu kịp thời các trường hợp hạ thân nhiệt?

Hạ thân nhiệt là xảy ra khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột, mặc quần áo ẩm ướt, nơi không kín gió,... Điều này có thể xảy ra ở tất cả mọi người nhưng nguy hiểm hơn ở trẻ em và người già. Tuy nhiên làm sao để nhận biết hạ thân nhiệt và sơ cứu người bệnh hạ thân nhiệt đúng cách?

Cùng BookingCare tìm hiểu xem hạ thân nhiệt là gì và cách sơ cứu khi gặp tình trạng hạ thân nhiệt qua bài viết dưới đây.

Hạ thân nhiệt là gì? 

Nhiệt độ cơ thể con người hằng định nhờ sự cân bằng giữa sinh nhiệt và thải nhiệt, ít bị thay đổi theo nhiệt độ môi trường. 

Nhiệt độ khác nhau tùy theo từng vùng của cơ thể. Thân nhiệt trung tâm là nhiệt độ ở các mô sâu, ít bị thay đổi theo nhiệt độ môi trường và luôn được hằng định 36 đến 37,5°C. Nhiệt độ đo tại trực tràng, miệng, nách được coi là phản ánh nhiệt độ trung tâm.

Hạ thân nhiệt là nhiệt độ trung tâm thấp hơn nhiệt độ chuẩn, tức là dưới 35°C. Đây là tình trạng nguy hiểm bởi hạ thân nhiệt làm ảnh hưởng tới tất cả các chức năng sinh lý của cơ thể. Hạ thân nhiệt nhiều và kéo dài làm rối loạn chức năng của các hệ cơ quan trong cơ thể như tim mạch, hệ thần kinh,... 

Các phản ứng xuất hiện khi hạ thân nhiệt

  • Co mạch dưới da: làm nhiệt từ trung tâm ra ngoại vi giảm
  • Co lỗ chân lông: làm tăng bề dày lớp không khí giữa da và môi trường, do không khí là vật dẫn truyền kém nên đỡ mất nhiệt.
  • Run cơ: trương lực các cơ tăng, và khi trương lực cơ vượt quá một ngưỡng nhất định thì phát sinh run cơ. Quá trình run cơ làm đốt cháy năng lượng tạo ra nhiệt nhằm nâng nhiệt độ cơ thể lên. Khi cơ thể bị mất một lượng nhiệt nhất định thì có hiện tượng rùng mình, để bù lại lượng nhiệt vừa bị mất.
  • Khi cơ thể bị mất một lượng nhiệt nhất định thì có hiện tượng rùng mình, để bù lại lượng nhiệt vừa bị mất.
  • Sinh nhiệt hóa học: xảy ra chủ yếu ở lớp mỡ, đặc biệt là lớp mỡ nâu ở trẻ sơ sinh.
  • Tăng bài tiết hormon thyroxin: tuyến giáp tăng bài tiết thyroxin làm tăng chuyển hóa toàn cơ thể theo hướng oxy hóa.

Dấu hiệu người bị hạ thân nhiệt

  • Cảm thấy lạnh và rùng mình liên tục, thấy cơ thể không đủ ấm.
  • Nổi da gà.
  • Người run rẩy, nói lắp bắp.
  • Với trẻ sơ sinh: da đỏ thẫm hoặc tim tái và lạnh.
  • Lúc đầu người bệnh rét run dữ dội, khi thân nhiệt xuống còn 29-30 C thì vùng dưới đồi không còn tác dụng điều nhiệt nữa và thân nhiệt bị biến đổi theo nhiệt độ môi trường, lúc này người bệnh có triệu chứng: buồn ngủ, giảm hoạt động trí tuệ và rơi vào hôn mê.

Những đối tượng nguy cơ cao

  • Người cao tuổi thường giảm cảm giác nhiệt độ, di chuyển và tương tác kém, lớp mỡ dưới da mỏng, khối lượng cơ giảm chế độ dinh dưỡng kém do tình trạng lão hóa khiến khó ăn, khó tiêu hóa dẫn đến tình trạng sức khỏe suy giảm, giảm khả năng miễn dịch.
  • Trẻ sơ sinh rất dễ bị mất nhiệt do diện tích da/ thể tích cơ thể cao, bộ máy điều hòa thân nhiệt chưa hoàn thiện, lớp mỡ dưới da mỏng.

Nguyên nhân gây hạ thân nhiệt?

  • Trẻ sơ sinh đẻ non.
  • Nhiễm lạnh do thời tiết.
  • Sử dụng quần áo ẩm ướt, mặc không đủ ấm, đầu trần.
  • Đuối nước.

Một số trường hợp làm giảm khả năng cảm nhận, phán đoán nhiệt độ môi trường, giảm khả năng tự nhận thức giữ ấm cơ thể trước nhiệt độ môi trường:

  • Một số bệnh lý: bệnh tâm thần, alzheimer, suy dinh dưỡng, thiểu năng tuyến giáp, bệnh lý tim mạch.
  • Người say rượu, sử dụng ma túy.
  • Trẻ em và người cao tuổi.

Cách sơ cứu người hạ thân nhiệt

Khi nghi ngờ phát hiện người hạ thân nhiệt, cần gọi ngay xe cấp cứu để đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất. Trong khi chờ đợi nhân viên y tế đến cần sơ cứu bệnh nhân để thân nhiệt không bị hạ thêm nữa:

  • Di chuyển bệnh nhân ra khỏi lạnh. Đặt bệnh nhân ở nơi khô ráo, ấm áp, tránh gió lùa, che kín đầu nếu có thể, cách ly cơ thể khỏi nền đất lạnh, có thể đặt bệnh nhân lên giường, đệm, tấm chăn hoặc bề mặt khác. Nếu không thể di chuyển ra khỏi lạnh, hãy che chắn họ khỏi lạnh và gió càng nhiều càng tốt.
  • Loại bỏ quần áo ướt và thay bằng quần áo khô ráo.
  • Sưởi ấm: dùng chăn được gia nhiệt hoặc dùng nhiều lớp chăn khô, áo choàng cho bệnh nhân, chỉ để hở mặt.
  • Cho bệnh nhân uống nước ấm, nước gừng hoặc cháo nóng, không dùng đồ uống có cồn hay caffein để làm ấm cơ thể.
  • Theo dõi nhiệt độ, mạch, nhịp thở của bệnh nhân cho tới khi nhân viên y tế tới.
  • Nếu ngừng thở hoặc nhịp thở chậm dần hoặc thở nông, phải bắt đầu hồi sức tim phổi (CPR) ngay lập tức.
Giữ ấm cơ thể
Dùng nhiều lớp chăn để sưởi ấm - Ảnh: Canva

Lưu ý gì khi sơ cứu người hạ thân nhiệt?

  • Khi giúp đỡ người bị hạ thân nhiệt, hãy xử lý họ thật nhẹ nhàng, không xoa bóp, chà xát người đó hoặc các cử động quá mạnh có thể gây ngừng tim.
  • Chỉ chườm ấm lên cổ, thành ngực hoặc bẹn. Không chườm ấm lên cánh tay hoặc chân.
  • Không áp dụng nhiệt trực tiếp: không dùng nước nóng, đệm sưởi, đèn sưởi để làm ấm người vì nhiệt độ quá cao có thể làm tổn thương da hoặc gây ảnh hưởng đến nhịp tim.

Làm sao để phòng hạ thân nhiệt? 

  • Giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh: đội mũ, găng tay, tất chân, mặc quần áo rộng rãi, nhiều lớp, nhẹ. Ưu tiên quần áo làm từ chất liệu dệt khít, thấm nước, chắn gió, các chất liệu giúp giữ nhiệt tốt cho cơ thể như len, polypropylen.
  • Luôn giữ cơ thể khô ráo, quần áo khô ráo, tránh ẩm ướt.
  • Vận động thích hợp để lưu thông máu, các khớp linh hoạt, làm ấm cơ thể. Tránh hoạt động nhiều khiến bạn đổ mồ hôi. Sự ẩm ướt và thời tiết lạnh sẽ khiến cơ thể mất nhiệt nhanh hơn. 
  • Không nên sử dụng rượu bia vào thời tiết lạnh. Do rượu bia làm giãn mạch máu, khiến quá trình mất nhiệt nhanh hơn. Hơn nữa việc sử dụng rượu bia ảnh hưởng đến nhận thức, khả năng phán đoán và khả năng xử lý khi gặp lạnh.
  • Hạn chế tiếp xúc với nước lạnh, bởi bất kỳ nước nào có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể đều gây mất nhiệt.
  • Nên theo dõi dự báo thời tiết và có kế hoạch ra khỏi nhà thích hợp.
  • Duy trì nhiệt độ phòng là 24°C, nên sử dụng nhiệt kế phòng. Trong những ngày thời tiết lạnh, có gió nên đóng kín các cửa, sử dụng hệ thống đèn sưởi, chú ý không sưởi ấm bằng than, đèn sưởi chạy bằng dầu hỏa trong phòng kín vì tạo ra nhiều khí CO gây nguy hiểm.
  • Ăn đủ bữa, đủ chất dinh dưỡng đặc biệt là bữa sáng. Uống đủ nước, ngay cả khi không khát. Dùng đồ uống và thực phẩm nóng để bảo vệ thân nhiệt cơ thể. Bổ sung nước đúng và đủ, 6 - 8 ly nước ấm mỗi ngày.
  • Đối với trẻ nhỏ: mang trẻ vào nhà và mặc thêm áo cho trẻ ngay khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt độ là run, mặc nhiều lớp áo hơn so với người lớn, chú ý khi để trẻ nằm ngủ trong phòng lạnh, không kín gió. Với trẻ sơ sinh có thể sử dụng phương pháp kangaroo, hay còn gọi là phương pháp ủ ấm da kề da. 
  • Đối với người cao tuổi sống một mình: nên giữ liên lạc thường xuyên với con cháu, người thân hoặc đăng kí theo dõi người cao tuổi để có thể được theo dõi thường xuyên đặc biệt là khi thời tiết lạnh.

Hạ thân nhiệt có khả năng đe dọa tính mạng, vì vậy người bệnh rất cần được sơ cứu khẩn cấp. Hy vọng bài viết giúp bạn có thêm nhiều thông tin hơn về hạ thân nhiệt và cách sơ cứu khi gặp người hạ thân nhiệt

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare