Hậu quả của tật đẩy lưỡi? Cách khắc phục ngay tại nhà

Người kiểm duyệt: - Cố vấn y khoa: - Xuất bản: 16/06/2023 - Cập nhật lần cuối: 17/04/2025
Cách khắc phục tật đẩy lưỡi tại nhà hiệu quả
Cách khắc phục tật đẩy lưỡi tại nhà hiệu quả - Ảnh: BookingCare
Tật đẩy lưỡi trong thời gian dài sẽ gây ra các ảnh hưởng về chức năng nhai cũng như gây mất thẩm mỹ, Vậy có cách nào khắc phục tật đẩy lưỡi không? Hãy cùng BookingCare tìm hiểu trong bài viết sau

Số lượng trẻ mắc tật đẩy lưỡi hiện nay ngày càng nhiều do thói quen đặt lưỡi sai vị trí và cũng ít được quan tâm. Tình trạng này kéo dài sẽ gây nên các ảnh hưởng không tốt về mặt thẩm mỹ cũng như chức năng ăn nhai. Vậy tác hại của tật đẩy lưỡi là gì? Có cách nào khắc phục tật đẩy lưỡi ở nhà không? BookingCare sẽ tổng hợp các thông tin trong bài viết sau.

Tật đẩy lưỡi có nguy hiểm không?

Tật đẩy lưỡi là vị trí đặt lưỡi sai tư thế trong một thời gian dài khi nghỉ hoặc khi nuốt. Điều này đã tạo thành thói quen không tốt. Có thể nhận biết lưỡi đặt sai vị trí khi lưỡi nằm giữa răng cửa hàm trên và hàm dưới, lưỡi chạm vào chân răng, tác động lực vào răng.

Phân biệt vị trí đặt lưỡi đúng và vị trí đặt lưỡi sai
Phân biệt vị trí đặt lưỡi đúng và vị trí đặt lưỡi sai - Ảnh: Nha khoa Hữu Cầu

Đây là bệnh lý có thể gặp ở hầu hết mọi người, tuy nhiên phần lớn sẽ xảy ra ở trẻ nhỏ vì các bé không ý thức được việc đặt lưỡi đúng vị trí. Đây là thói quen nhỏ và khó phân biệt, ngay cả nhiều người lớn cũng không nhận ra việc mình đặt lưỡi sai hay không.

Theo chia sẻ từ BS. Nguyễn Huy Hoàng về tật đẩy lưỡi, bác sĩ cho biết, đa số các phụ huynh cho rằng răng lúc nhỏ thường dễ xô lệch, khi các bé bị răng mọc lệch, bé chỉ cần lấy lưỡi đẩy răng thì các răng sẽ về vị trí đúng. Tuy nhiên, với lực đẩy của lưỡi khác nhau sẽ tạo ra ảnh hưởng khác nhau. Đây cũng được coi là một nguyên nhân dẫn đến tật đẩy lưỡi ở trẻ nhỏ.

Tật đẩy lưỡi không quá nguy hiểm, tuy nhiên đây là một thói quen không tốt, nếu không tìm cách khắc phục sớm sẽ dẫn đến các ảnh hưởng khác về chức năng nhai cũng như tính thẩm mỹ của khuôn mặt.

Hậu quả của tật đẩy lưỡi

Tật đẩy lưỡi không trực tiếp gây ra các nguy hiểm ngay lập tức, tuy nhiên sau một thời gian dài, tật đẩy lưỡi sẽ dẫn đến các bệnh lý, tình trạng răng miệng khác như:

  • Khớp cắn hở
  • Rối loạn khớp cắn
  • Hô cả 2 hàm
  • Ảnh hưởng đến phát âm
Khớp cắn hở là ảnh hưởng dễ nhận biết nhất của tật đẩy lưỡi
Khớp cắn hở là ảnh hưởng dễ nhận biết nhất của tật đẩy lưỡi - Ảnh: Nha khoa Trẻ

Cắn hở phía trước là tình trạng phổ biến và thường gặp nhất ở các bệnh nhân. Dấu hiệu nhận biết có thể thấy được là khi ở tư thế nghỉ như ngủ, xem tivi, đọc sách, ... miệng bệnh nhân thường mở, 2 hàm không cắn khít, lưỡi đặt ở giữa răng cửa trên và dưới. Kiểu đẩy lưỡi này sẽ khiến người bệnh khó phát âm, hoặc phát âm sai /s/ và /z/. Đi kèm với kiểu đẩy lưỡi này, trẻ có xu hướng mút tay, thở miệng.

Mức độ ảnh hưởng của từng bệnh nhân là khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa, thời gian hình thành thói quen đẩy lưỡi, tần suất đẩy lưỡi và hình thức đẩy lưỡi:

  • Đẩy lưỡi phía trước: Răng cửa trên nhô ra trước, răng cửa dưới đẩy vào trong
  • Đẩy lưỡi 1 bên: Khớp cắn hở 1 bên
  • Đẩy lưỡi 2 bên: Khớp cắn phía trước đóng, các răng phía sau (răng hàm) bị cắn hở cả 2 bên. Đây là kiểu đẩy lưỡi khó điều trị nhất.
  • Đẩy lưỡi cắn khít: Răng phía trước ở hàm trên và hàm dưới nghiêng ra phía trước, các răng thưa nhau.

Với những ảnh hưởng không tốt về sau, cần tìm biện pháp khắc phục tật đẩy lưỡi càng sớm càng tốt. Hiện nay, các bác sĩ cho biết có nhiều phương pháp khắc phục thói quen này như tập luyện tại nhà hoặc niềng răng, chỉnh nha dưới sự giám sát của bác sĩ.

Vậy các bài tập khắc phục tật đẩy lưỡi ngay tại nhà cần thực hiện như thế nào? Có hiệu quả không? Và nên tập như nào cho đúng? Bạn đọc có thể tham khảo thông tin về bài tập lưỡi dưới đây.

Bài tập lưỡi khắc phục tật đẩy lưỡi ngay tại nhà

Để khắc phục tật đẩy lưỡi, các bác sĩ chuyên môn giới thiệu tới người bệnh phương pháp luyện tập các bài tập thay đổi thói quen lưỡi và cách đặt lưỡi ngay tại nhà.

Bài tập đặt lưỡi sẽ được hướng dẫn bởi các bác sĩ trị liệu hoặc các bác sĩ nha khoa để đảm bảo sự chính xác cũng như tập luyện hiệu quả. Ngoài cách luyện tập đặt lưỡi đúng vị trí, trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ cần đến khí cụ hỗ trợ để đạt hiệu quả tốt nhất, ngăn chặn thói quen đẩy lưỡi.

Hướng dẫn luyện tập vị trí đặt lưỡi

Bài tập này sẽ giúp lưỡi về đúng vị trí bằng cách luyện tập hàng ngày để thay đổi thói quen đặt lưỡi ở trạng thái nghỉ, khi ăn, khi nuốt. Bài tập này giúp giảm hô cho người bị lưỡi to kết hợp với tật đẩy lưỡi.

Theo các chuyên gia hướng dẫn, bệnh nhân có thể làm theo các bước sau:

  • Bước 1: Đầu lưỡi chạm vào mặt trong của phần lợi ngay phía sau răng cửa hàm trên, cách phần lợi khoảng 1cm (không chạm đầu lưỡi vào răng cửa).
  • Bước 2: Áp sát toàn bộ phần lưỡi ôm trọn lấy vòm miệng phía trên, môi đóng và răng trên dưới chỉ chạm nhẹ vào nhau.
  • Bước 3: Giữ nguyên vị trí lưỡi trong 5 phút và hít thở đều bằng mũi, không thở bằng miệng. Khi nuốt cần căn chỉnh để lưỡi đi lên phía vòm họng và không chạm vào các răng cửa..

Bạn đọc có thể tham khảo video hướng dẫn dưới đây để hình dung chính xác hơn về các bước tập luyện:

Với vị trí đặt lưỡi lên vòm họng, bệnh nhân có thể phát ra tiếng "tặc tặc" khi uốn lưỡi, khi đó chúng ta có thể biết lưỡi đã được đặt ở vị trí chính xác. Để dễ nhớ hơn, người bệnh hãy coi 3 động tác trên là 3 nhịp đếm, đếm 1 - 2 - 3, thực hiện trong cả ngày.

Với trẻ em, phụ huynh có thể biến đổi bài tập bằng cách yêu cầu trẻ phát âm các chữ D, T, K, L,... hoặc tập các bài hát đơn âm theo hướng dẫn của bác sĩ.

Sử dụng khí cụ hỗ trợ

Khí cụ hỗ trợ được dùng cho trẻ em dưới 8 tuổi khi không thể luyện tập bài tập lưỡi đúng cách.

Khí cụ hỗ trợ tật đẩy lưỡi được bác sĩ lưu ý sử dụng trong một số trường hợp
Khí cụ hỗ trợ tật đẩy lưỡi được bác sĩ lưu ý sử dụng trong một số trường hợp - Ảnh: Nha khoa Trẻ

Trong các trường hợp cần thiết thì bác sĩ sẽ chỉ định đeo khí cụ là nút chặn lưỡi, hàng rào chặn lưỡi hoặc thanh khẩu cái. Các khí cụ này có tác dụng hỗ trợ quá trình tập luyện của bạn trong thời gian đầu khi chưa quen với tư thế lưỡi đúng.

Thời gian, tần suất luyện tập bài tập lưỡi

Việc tập lưỡi có thể áp dụng cho mọi đối tượng bị tật đẩy lưỡi. Người lớn nên bắt đầu ngay khi phát hiện ra tư thế sai. Trẻ em cũng cần tập luyện càng sớm càng tốt để khắc phục tật đẩy lưỡi và tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến xương hàm về sau.

Thời gian luyện tập

Việc tập lưỡi nên được thực hiện liên tục để hình thành phản xạ đặt lưỡi đúng. Bạn có thể tập khi lưỡi ở trạng thái nghỉ, khi nuốt, khi nhai. Mỗi trạng thái đều cần đặt lưỡi đúng cách để không dẫn đến các vấn đề răng miệng khác.

Người mắc tật đẩy lưỡi nên tiến hành tập luyện liên tục trong 1 tháng để hình thành thói quen. Sau đó, khi đã có thói quen, ý thức về tư thế đặt lưỡi đúng, người bệnh nên duy trì các động tác này để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.

Tuy nhiên, để thực hiện đúng phương pháp có thể sẽ hơi khó khăn, đặc biệt là đối với trẻ em. Do đó, nên có sự hướng dẫn và theo dõi bởi bác sĩ chuyên môn để tránh luyện tập sai, gây nên các ảnh hưởng không đáng có khác.

Tần suất luyện tập

Động tác luyện tập tuy đơn giản nhưng sẽ mang đến các tác động lớn. Tập luyện đặt lưỡi đúng cách có thể thực hiện mỗi ngày. Ban đầu khi chưa quen, người mắc tật đẩy lưỡi nên sắp xếp thời gian để luyện tập khoảng 2-3 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 5 phút.

Khi đã quen dần có thể tăng thời gian luyện tập, khoảng 4- 6 lần/một ngày để tạo thành phản xạ quen thuộc.

Lưu ý khi tập tại nhà

Khi tập đúng cách, cơ mặt – xương hàm – cằm sẽ có cảm giác căng, tuy nhiên không đáng lo ngại. Nhưng nếu thấy đau nhức thì khả năng cao là bạn đang tập sai cách và cần khắc phục ngay để tránh các biến chứng khác. Người mắc tật đẩy lưỡi cần tham khảo hướng dẫn chi tiết từ bác sĩ để tập luyện đúng theo tình trạng răng miệng.

Trên đây, BookingCare đã đưa đến các thông tin về tác hại của tật đẩy lưỡi và cách khắc phục tật đẩy lưỡi ngay tại nhà. Mong rằng bài viết sẽ giúp bạn đọc quan tâm hơn về vị trí đặt lưỡi và các bài luyện tập lưỡi để tránh các ảnh hưởng nghiêm trọng về sau.