Ho kéo dài: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 13/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 13/12/2023
Ho kéo dài: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Ho kéo dài: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh: BookingCare
Ho kéo dài có nguy hiểm không? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị ho kéo dài như thế nào? Tất cả lời giải đáp sẽ có trong bài viết dưới đây.

Ho kéo dài còn được gọi là ho mãn tính. Đây là tình trạng người bệnh bị ho trong suốt một khoảng thời gian dài mà không đỡ. Trong nhiều trường hợp, ho kéo dài là biểu hiện của một số bệnh lý nguy hiểm nào đó mà mọi người cần đặc biệt lưu ý.

Ho kéo dài là như thế nào?

Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể giúp ngăn chặn các tác nhân gây bệnh xâm nhập qua đường hô hấp như: khói bụi, dị vật, vi khuẩn gây bệnh,... Tuy nhiên, nếu tình trạng ho kéo dài không khỏi mà không rõ nguyên nhân hoặc không kèm theo biểu hiện nào khác, người bệnh cần tới bệnh viện kiểm tra sức khỏe ngay.

Ho kéo dài là tình trạng ho lâu ngày không khỏi, kéo dài trên 3 tuần. Đây là biểu hiện rất thường gặp, có thể xảy ra do nhiều loại nguyên nhân khác nhau. Ho kéo dài từ 3-8 tuần được gọi là ho bán cấp. Ho kéo dài trên 8 tuần được gọi là ho mãn tính.

Ho kéo dài (ho mãn tính) là những cơn ho kéo dài từ trên 8 tuần đối với người trưởng thành và từ trên 4 tuần đối với trẻ em. Bản thân ho kéo dài không phải là một căn bệnh, đây là một triệu chứng xuất phát từ các tình trạng sức khỏe khác.

Nguyên nhân gây ho kéo dài

Các nguyên nhân ho kéo dài hay gặp: 

  • Nhóm bệnh lý đường hô hấp trên: là nhóm nguyên nhân hay gặp nhất như: viêm mũi, viêm xoang, polyp mũi…
  • Hen suyễn (hen phế quản). Ho do tình trạng này thường xuất hiện vào đêm, khi giao mùa hoặc tiếp xúc dị nguyên, thường kèm theo khó thở. Đây là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây ho kéo dài.
  • Trào ngược dạ dày - thực quản. Bệnh lý này gây ho kéo dài, ho nhiều hơn khi nằm hay khi đói, kèm theo cảm giác đau thượng vị, nóng rát vùng xương ức, ợ hơi, ợ chua. Đây cũng là một nguyên nhân thường gặp gây ho kéo dài.
  • Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Ví dụ: cảm lạnh, cảm cúm, covid-19, viêm phế quản, viêm họng, viêm amidan… Một số trường hợp dù đã điều trị nhưng có thể còn ho kéo dài.
  • Thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ACE). Đây là loại thuốc kê đơn để điều trị bệnh tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, suy tim, đái tháo đường hay bệnh thận. Khoảng 15% các trường hợp dùng thuốc này sẽ bị ho kéo dài.
  • Các nguyên nhân khác gây ho kéo dài là:
    • Lao phổi
    • Lao nội mạc phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), giãn phế quản, viêm tiểu phế quản, ung thư phổi, viêm phổi tăng bạch cầu ái toan như nhiễm kí sinh trùng do giun lươn, giun đũa chó mèo,...
  • Các nguyên nhân hiếm gặp hơn gây ho kéo dài là:
    • Dị dạng động tĩnh mạch phổi
    • Nhuyễn sụn khí, phế quản
    • Phì đại amidan
    • Tăng cảm thanh quản
    • Trào ngược thanh quản
    • Xơ phổi vô căn
    • Hút thuốc là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ho kéo dài. Thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động cũng dẫn đến ho và tổn thương phổi.
    • Sử dụng một số loại thuốc gây tác dụng phụ ho mãn tính: người điều trị bệnh tiểu đường, bệnh thận hoặc huyết áp cao có khả năng cao hơn gặp phải tình trạng ho kéo dài vì tác dụng phụ của một số loại thuốc ức chế men chuyển angiotensin.

Các triệu chứng thường gặp ở người bị bệnh ho kéo dài

Triệu chứng điển hình nhất của ho mãn tính đó là những cơn ho kéo dài không dứt từ trên 3 tuần Ho kéo dài có thể kèm theo các triệu chứng cụ thể sau đây:

  • Nghẹt mũi, chảy nước mũi
  • Ngứa cổ họng
  • Ợ nóng
  • Đau họng hoặc hắng giọng thường xuyên
  • Sốt cao trên 38.3 độ
  • Giảm cân không rõ nguyên do
  • Ho ra đờm hoặc có thể kèm theo máu
  • Khó thở, thở khò khè
  • Khàn tiếng, mất giọng
  • Đổ mồ hôi đêm
  • ...

Xét nghiệm chẩn đoán ho kéo dài

Bác sĩ có thể dựa trên những triệu chứng lâm sàng cũng như những thông tin về gia đình, bệnh sử để tìm kiếm những manh mối quan trọng gây ho kéo dài.

Trong trường hợp, điều trị bệnh dựa trên những nguyên nhân phổ biến mà không đỡ, bác sĩ có thể phải yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân chính xác để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất.

Một số phương pháp xét nghiệm chẩn đoán ho kéo dài bao gồm:

  • Xét nghiệm máu, đờm
  • Chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) phổi
  • Thăm dò chức năng hô hấp và test hồi phục phế quản
  • Nội soi phế quản
  • Nội soi tai mũi họng
  • Nội soi dạ dày tá tràng

Với trẻ em, chụp X-quang ngực và đo phế dung thường là những phương pháp chẩn đoán bệnh an toàn và được sử dụng nhiều hơn.

Các phương pháp điều trị ho kéo dài

Điều trị ho kéo dài tùy thuộc phần lớn vào nguyên nhân gây bệnh.

Nếu người bệnh đang hút thuốc, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh dừng ngay việc hút thuốc để có thể điều trị hiệu quả nhất. Nếu người bệnh đang sử dụng thuốc ức chế men chuyển, bác sĩ sẽ xem xét và chuyến sang điều trị bằng loại thuốc khác không gây tác dụng phụ là ho.

  • Sau khi đã xác định được nguyên nhân gây ho kéo dài, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị tùy vào từng trường hợp:
    • Ho kéo dài do viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng: Xịt rửa mũi và dùng thuốc steroid xịt mũi, kháng histamin.
    • Ho kéo dài do polyp mũi: Phẫu thuật cắt polyp.
    • Ho do hen phế quản: Dùng thuốc giãn phế quản và corticoid dạng hít, đồng thời tránh tiếp xúc các yếu tố dị nguyên.
    • Ho kéo dài do trào ngược dạ dày - thực quản: Dùng thuốc kháng acid; đồng thời tránh các loại thức ăn dầu mỡ, chua cay, rượu bia và thuốc lá; khi ngủ kê cao đầu.
    • Ho do dùng thuốc ức chế men chuyển angiotensin: Thay bằng nhóm thuốc khác. Thông thường, cơn ho có thể biến mất sau khi ngừng thuốc angiotensin 1- 6 tuần.
    • Ho do viêm đường hô hấp nhiễm khuẩn: Dùng kháng sinh phù hợp.
    • Ho do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Điều trị bệnh, đồng thời bỏ hút thuốc, tránh tiếp xúc khói, bụi.
    • Thuốc giảm ho tác động lên trung ương hoặc tác dụng tại chỗ sẽ giúp giảm triệu chứng ho nhanh chóng, nhưng cần được sử dụng tùy vào từng trường hợp cụ thể.
    • Đối với bệnh nhân ho do nhiễm trùng đường hô hấp dưới, không nên dùng thuốc giảm ho vì cần phải ho để thải đờm ra ngoài.

Nhìn chung, triệu chứng ho kéo dài sẽ giảm và biến mất khi xác định và điều trị được nguyên nhân gây ra ho. Do đó, điều trị theo nguyên nhân là vô cùng quan trọng, cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa.

Ho kéo dài có nguy hiểm không?

Ho mãn tính có thể ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh theo những cách tiêu cực làm gián đoạn thói quen hàng ngày, ảnh hưởng đến cả sức khỏe và chất lượng đời sống.

Ảnh hưởng rõ rệt nhất là người bệnh luôn trong trạng thái khó chịu, mệt mỏi vì khoong thể ngủ ngon giấc do ho quá nhiều. Ho không ngừng cũng có thể khiến cơ bắp bị đau, thậm chí là gãy xương sườn.

Một số nguy cơ khác có thể xảy đến như:

  • Đau đầu, chóng mặt
  • Tiểu không tự chủ
  • Xuất huyết dưới kết mạc
  • Bất tỉnh

Sống chung với bệnh ho kéo dài

Nếu người bệnh không gặp tình trạng quá nặng tới mức cần phải nhập viện, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để người bệnh tự điều trị tại nhà.

Để có thể đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh cần lưu ý một vài điều sau đây:

  • Thăm khám kỹ lưỡng bởi bác sĩ chuyên khoa
  • Tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc từ bác sĩ. Không tự ý ngừng sử dụng thuốc hoặc sử dụng các loại thuốc thay thế khi chưa được sự cho phép từ bác sĩ.
  • Súc miệng thường xuyên bằng nước muối
  • Uống đủ nước mỗi ngày, không uống nước lạnh. Người bệnh nên uống nước ấm, có thể chọn các loại đồ uống có lợi khác như: nước nghệ mật ong, chanh đào mật ong, nước bạc hà,...
  • Hạn chế làm việc, vận động khi cơ thể quá mệt mỏi. Người bệnh cần nghỉ ngơi đủ giấc.
  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, rèn luyện sức khỏe vừa phải.

Nhiều trường hợp người bệnh bị ho kéo dài nhưng không kèm theo biểu hiện nào khác khiến người bệnh chủ quan không điều trị ngay. Đến khi kiểm tra mới phát hiện bệnh tiến triển quá nặng, nguy cơ biến chứng là rất cao.

Ngay khi nhận thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng ho dai dẳng, bất thường, cần thăm khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.