Hội chứng ống cổ tay: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Hội chứng ống cổ tay: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Hội chứng ống cổ tay: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh: BookingCare

Hội chứng ống cổ tay: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 27/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 30/01/2024
Hội chứng ống cổ tay xảy ra khi dây thần kinh giữa đoạn đi qua cổ tay bị chèn ép, các triệu chứng có thể bao gồm tê, ngứa ran và yếu ở bàn tay. Theo dõi bài biết để nhận biết sớm các triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị hội chứng ống cổ tay.

Hội chứng ống cổ tay xảy ra do áp lực hay chèn ép quá mức lên dây thần kinh giữa. Đường hầm cổ tay là một lối đi hẹp được bao quanh bởi xương và dây chằng ở phía lòng bàn tay. Khi dây thần kinh giữa bị chèn ép, các triệu chứng có thể bao gồm tê, ngứa ran và yếu ở bàn tay.

Phát hiện và điều trị đúng cách sẽ mang lại hiệu quả tốt cho người bệnh. Theo dõi bài biết để nhận biết sớm các triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị hội chứng ống cổ tay.

Triệu chứng hội chứng ống cổ tay

Các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay thường bắt đầu dần dần và bao gồm:

  • Ngứa ran hoặc tê: Người bệnh thường cảm thấy tê ở ngón tay hoặc cổ tay, đặc biệt là ngón cái và ngón trỏ. Đôi khi có thể cảm thấy như bị điện giật ở những ngón tay này.

Cảm giác có thể di chuyển từ cổ tay lên cánh tay. Những triệu chứng này thường xảy ra khi đang cầm vô lăng, điện thoại, báo chí hoặc có thể khiến người bệnh tỉnh giấc khi ngủ.

Nhiều người "lắc tay" để cố gắng giảm bớt các triệu chứng. Cảm giác tê có thể trở nên liên tục theo thời gian.

  • Yếu tay: Người bệnh có thể cảm thấy yếu tay và đánh rơi đồ vật. Điều này có thể là do tê ở bàn tay hoặc yếu cơ vận động ngón tay cái, cũng được điều khiển bởi dây thần kinh giữa.
  • Teo ô mô cái: Teo khối cơ ngón cái.

Phân biệt tê bì tay do hội chứng ống cổ tay hay thoái hóa cột sống cổ

Triệu chứng của Hội chứng Ống cổ tay:

  • Tê tay xuất phát từ lòng bàn tay, chủ yếu ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón áp út.
  • Tê chỉ xảy ra ở mặt trong của bàn tay.

Triệu chứng của Thoái hóa cột sống cổ:

  • Bệnh nhân thường có dấu hiệu trên cổ, bao gồm cứng cổ và đau lan từ cổ xuống vai hoặc từ vai xuống cánh tay hoặc từ cánh tay xuống bàn tay.
  • Bệnh có xu hướng diễn tiến dài và tái phát nhiều lần, với mức độ nặng hơn theo thời gian.
  • Tê bì tay có thể bị ảnh hưởng bởi hội chứng ống cổ tay hoặc thoái hóa cột sống cổ. Tuy nhiên để xác định chính xác cần được thăm khám bởi bác sĩ.

Nguyên nhân dẫn tới hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay xảy ra do áp lực hoặc chèn ép quá mức lên dây thần kinh giữa.

Dây thần kinh giữa chạy từ cẳng tay qua ống cổ tay đến bàn tay. Mang lại cảm giác cho mặt lòng bàn tay của ngón cái và các ngón tay, ngoại trừ ngón út. Dây thần kinh giữa cũng cung cấp các tín hiệu thần kinh để di chuyển các cơ xung quanh gốc ngón tay cái (chức năng vận động).

Bất cứ điều gì chèn ép hoặc kích thích dây thần kinh giữa trong ống cổ tay đều có thể dẫn đến hội chứng ống cổ tay. Gãy cổ tay có thể thu hẹp ống cổ tay và kích thích dây thần kinh, cũng như tình trạng sưng và viêm do viêm khớp dạng thấp.

Nhiều khi không có nguyên nhân duy nhất gây ra hội chứng ống cổ tay. Có thể sự kết hợp của các yếu tố nguy cơ góp phần vào sự phát triển của tình trạng này.

Một số yếu tố nguy cơ dẫn tới hội chứng ống cổ tay

  • Gãy xương hoặc trật khớp cổ tay, hoặc viêm khớp làm biến dạng các xương nhỏ ở cổ tay, có thể làm thay đổi không gian trong ống cổ tay và gây áp lực lên dây thần kinh giữa.
  • Hội chứng ống cổ tay thường phổ biến hơn ở phụ nữ. Điều này có thể là do diện tích ống cổ tay ở phụ nữ tương đối nhỏ hơn ở nam giới.
  • Một số bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, làm tăng nguy cơ tổn thương dây thần kinh giữa.
  • Viêm khớp dạng thấp và các tình trạng khác có thành phần viêm có thể ảnh hưởng đến lớp lót xung quanh gân ở cổ tay và gây áp lực lên dây thần kinh giữa.
  • Béo phì là một yếu tố nguy cơ của hội chứng ống cổ tay.
  • Một số tình trạng nhất định, chẳng hạn như mãn kinh, rối loạn tuyến giáp, suy thận và phù bạch huyết, có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay.

Hội chứng ống cổ tay được chẩn đoán như nào?

Bác sĩ có thể hỏi các câu hỏi và tiến hành một hoặc nhiều xét nghiệm sau đây để xác định xem người bệnh có mắc hội chứng ống cổ tay hay không:

  • Hỏi về tiền sử của người bệnh: Tình trạng người bệnh thường gặp là gì, tần suất gặp phải các triệu chứng đó, và gặp các triệu chứng khi hoạt động cầm điện thoại, làm việc, về đêm…
  • Kiểm tra thể chất: Kiểm tra cảm giác ở ngón tay và sức mạnh của các cơ ở bàn tay. Uốn cổ tay, chạm vào dây thần kinh hoặc đơn giản là ấn vào dây thần kinh có thể gây ra các triệu chứng ở nhiều người.
  • Chụp X-quang: Chụp X-quang cổ tay bị ảnh hưởng để loại trừ các nguyên nhân gây đau cổ tay khác, chẳng hạn như viêm khớp hoặc gãy xương.
  • Siêu âm: Siêu âm cổ tay để có được hình ảnh rõ ràng về xương và dây thần kinh. Điều này có thể giúp xác định xem dây thần kinh có bị nén hay không.
  • Đo điện cơ: Cận lâm sàng này có thể xác định tổn thương ở các cơ do dây thần kinh giữa điều khiển và cũng có thể loại trừ các tình trạng khác.

Phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay

Điều trị hội chứng ống cổ tay càng sớm càng tốt sau khi các triệu chứng bắt đầu. Ban đầu khi mới có dấu hiệu người bệnh có thể tham khảo các phương pháp dưới đây:

  • Nghỉ giải lao thường xuyên hơn để cho tay được nghỉ ngơi.
  • Tránh các hoạt động làm cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.
  • Chườm túi lạnh để giảm sưng.

Với tình trạng hội chứng ống cổ tay nhẹ người bệnh có thể điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật:

  • Nẹp cổ tay
  • Thuốc chống viêm không steroid
  • Tiêm Corticosteroid
nẹp cổ tay hỗ trợ điều trị hội chứng ống cổ tay
Nẹp cổ tay hỗ trợ điều trị hội chứng ống cổ tay - Canva.com

Phẫu thuật có thể phù hợp nếu các triệu chứng nghiêm trọng hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Phẫu thuật có thể được thực hiện bằng hai kỹ thuật khác nhau:

  • Phẫu thuật nội soi: Bác sĩ sử dụng một thiết bị nội soi để nhìn vào bên trong ống cổ tay. Bác sĩ sẽ cắt dây chằng thông qua một hoặc hai vết mổ nhỏ ở bàn tay hoặc cổ tay. Một số bác sĩ phẫu thuật có thể sử dụng siêu âm thay vì kính nội soi để hướng dẫn dụng cụ cắt dây chằng. Phẫu thuật nội soi có thể ít đau hơn so với phẫu thuật mở trong vài ngày hoặc vài tuần đầu sau phẫu thuật.
  • Phẫu thuật mở: Bác sĩ sẽ rạch một đường ở lòng bàn tay trên ống cổ tay và cắt qua dây chằng để giải phóng dây thần kinh.

Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ là hội chứng ống cổ tay, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hy vọng bài viết này giúp bạn đọc có thêm thông tin hữu ích về hội chứng ống cổ tay.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết