Hội chứng thận hư là tình trạng rối loạn chức năng thận gây tiểu đạm bất thường.
Hội chứng thận hư thường do tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận có chức năng lọc chất thải và nước dư thừa từ máu. Tình trạng này gây phù, đặc biệt là ở mi mắt, bàn chân và mắt cá chân, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác.
Mặc dù hội chứng thận hư có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng bệnh lý này thường được chẩn đoán lần đầu ở 75% trẻ em nhỏ hơn 6 tuổi.
Nguyên nhân của hội chứng thận hư ở trẻ em
Nguyên nhân nguyên phát
- Sang thương tối thiểu: Đây là loại giải phẫu bệnh thường gặp nhất ở trẻ em.
- Xơ hóa cầu thận cục bộ từng phần: Đặc trưng bởi sẹo ở một số cầu thận, tình trạng này có thể do bệnh lý khác, khiếm khuyết di truyền, do thuốc hoặc vô căn.
- Bệnh cầu thận màng: tình trạng này đặc trưng bởi hiện tượng tăng sinh màng trong cầu thận do sự lắng đọng của phức hợp miễn dịch. Nó có thể liên quan đến các tình trạng bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh lupus, viêm gan B, sốt rét, ung thư hoặc có thể xảy ra mà không rõ nguyên nhân.
Nguyên nhân thứ phát
- Bệnh liên quan đến nhiều cơ quan hoặc toàn bộ cơ thể, gọi là bệnh lý hệ thống.
- Nhiễm trùng, bao gồm viêm gan B và C
- Các bệnh về máu, chẳng hạn như bệnh bạch cầu, ung thư hạch và bệnh hồng cầu hình liềm.
- Một số loại thuốc và dược phẩm, chẳng hạn như thuốc kháng viêm non-steroid và một số loại thuốc dùng để điều trị rối loạn tâm thần, loãng xương hoặc ung thư.
Hội chứng thận hư bẩm sinh
Một số trẻ mắc bệnh khi dưới 12 tháng tuổi do di truyền hoặc do người mẹ mắc các bệnh trong quá trình mang thai như giang mai, toxoplasmosis.
Triệu chứng của hội chứng thận hư
Sưng phù quanh mắt là dấu hiệu phổ biến nhất của hội chứng thận hư ở trẻ em. Phù trắng, mềm, không đau, ấn không mất. Tình trạng này có thể xảy ra ở mắt cá, chân, bìu và ở mức độ nhẹ có thể bị nhầm lẫn với bệnh dị ứng.
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Nước tiểu có bọt
- Mệt mỏi, chán ăn
- Có lẫn máu trong nước tiểu
- Đau bụng
- Chuột rút
- Tiêu chảy hoặc buồn nôn
Biến chứng
Các biến chứng có thể xảy ra của hội chứng thận hư bao gồm:
- Thuyên tắc mạch: Chức năng lọc máu của cầu thận bị ảnh hưởng dẫn đến việc mất các protein chịu trách nhiệm ngăn ngừa đông máu và tình trạng tăng đông của máu.
- Cholesterol trong máu cao và chất béo trung tính trong máu tăng cao.
- Dinh dưỡng kém: Mất quá nhiều protein trong máu có thể dẫn đến suy dinh dưỡng.
- Huyết áp cao: Tổn thương cầu thận và dẫn đến tích tụ dịch cơ thể dư thừa có thể làm tăng huyết áp.
- Tổn thương thận cấp: thường do giảm albumin máu gây sốc giảm thể tích, dẫn đến giảm tưới máu thận. Ngoài ra có thể do viêm ống thận mô kẽ hoặc thuyên tắc mạch máu thận.
- Bệnh thận mãn tính: Hội chứng thận hư có thể khiến thận của trẻ suy giảm chức năng theo thời gian. Nếu chức năng thận giảm xuống mức thấp, trẻ có thể cần phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
- Nhiễm trùng: trẻ mắc hội chứng thận hư có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn so với trẻ bình thường.
Chẩn đoán hội chứng thận hư ở trẻ
Để chẩn đoán hội chứng thận hư ở trẻ, bác sĩ sẽ khám lâm sàng, đồng thời khai thác tiền căn, bệnh sử và các yếu tố liên quan đến di truyền. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu
- Xét nghiệm máu, kiểm tra chức năng thận và các bệnh tiềm ẩn nghi ngờ
- Siêu âm bụng
- Sinh thiết thận khi cần
Không phải trẻ nào mắc hội chứng thận hư cũng cần phải sinh thiết thận. Xét nghiệm này thường được chỉ định ở trẻ dưới 1 tuổi, đáp ứng kém với điều trị hoặc nghi ngờ bệnh hệ thống,...
Điều trị hội chứng thận hư ở trẻ
Bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ dùng thuốc và thay đổi chế độ ăn uống để giúp kiểm soát các triệu chứng hoặc điều trị các biến chứng của hội chứng thận hư.
Các loại thuốc có thể được chỉ định bao gồm:
- Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch: Thuốc kiểm soát hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như corticosteroid, có thể làm giảm tình trạng viêm đi kèm với một số tình trạng có thể gây ra hội chứng thận hư.
- Thuốc hạ áp: trong trường hợp trẻ có tăng huyết áp
- Thuốc lợi tiểu: Những thuốc này giúp kiểm soát tình trạng phù
- Thuốc giảm cholesterol
- Thuốc kháng đông: Những loại thuốc này có thể được kê đơn để làm giảm khả năng đông máu ở bệnh nhi có nguy cơ tắc mạch cao hoặc đã xuất hiện huyết khối trong cơ thể.
Lưu ý chế độ ăn uống
Trẻ mắc hội chứng thận hư có thể cần thay đổi chế độ ăn uống, bao gồm:
- Hạn chế muối, thực chất là để giảm lượng natri
- Giảm lượng chất lỏng nạp vào
- Ăn thực phẩm ít chất béo bão hòa và cholesterol
Ngoài ra, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết chính xác chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng sức khỏe của trẻ.
Việc phát hiện sớm trẻ có biểu hiện của hội chứng thận hư giúp trẻ được điều trị hiệu quả. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, trẻ mắc hội chứng này cũng cần tuân thủ chế độ ăn uống phù hợp để hạn chế bệnh trở nên trầm trọng hơn.