Hướng dẫn chăm sóc trẻ mắc bệnh hen phế quản

Tác giả: - Xuất bản: 05/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 05/12/2023
Hướng dẫn chăm sóc trẻ mắc bệnh hen phế quản
Hướng dẫn chăm sóc trẻ mắc bệnh hen phế quản - Ảnh: BookingCare
Để chăm sóc tốt cho trẻ mắc hen phế quản tại nhà, phụ huynh cần trang bị cho mình kiến thức đầy đủ về bệnh hen phế quản nhằm giảm thiểu số lần trẻ phải nhập viện vì cơn hen cấp và giúp trẻ cải thiện chất lượng cuộc sống.

Để chăm sóc trẻ mắc bệnh hen phế quản tốt nhất có thể, quý phụ huynh cần lưu tâm những lời khuyên dưới đây.

Lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc bệnh hen tại nhà

Phòng ngừa

Bên cạnh việc chủ động loại bỏ các tác nhân có thể kích thích cơn hen suyễn ở trẻ, cha mẹ cần hỗ trợ trẻ sử dụng các loại thuốc phòng ngừa hàng ngày và theo dõi sát tình trạng hô hấp của trẻ để dùng thuốc cắt cơn khi có chỉ định.

Khi đã kiểm soát bệnh hen tạm ổn và không có các yếu tố nguy cơ gây khởi phát cơn hen cấp, cha mẹ vẫn có thể để trẻ tham gia các hoạt động thể thao, vận động ngoài trời với thể lực cho phép.

Theo dõi và giám sát các triệu chứng

Nếu con bạn không ho hoặc khó thở, không có các triệu chứng ban ngày cũng như ban đêm và hiếm khi sử dụng thuốc cắt cơn thì có khả năng tình trạng hen phế quản của trẻ đang được kiểm soát tốt. Nếu trẻ thường xuyên ho - đặc biệt vào ban đêm hoặc trong khi hoạt động - hoặc nếu trẻ đang sử dụng thuốc cắt cơn hàng ngày hoặc thậm chí hàng tuần thì bệnh hen suyễn của trẻ có thể đang được kiểm soát kém.

Phụ huynh cần theo sát và ghi chép về tần suất, mức độ các triệu chứng để biết được tình trạng bệnh của con đang tiến triển như thế nào.

Thăm khám định kỳ và theo chỉ dẫn của bác sĩ

Thường xuyên đưa trẻ đi khám theo hẹn của bác sĩ hoặc sau cơn cấp để được bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng của trẻ, từ đó có thể điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp nhất với trẻ.

Lập kế hoạch hành động về bệnh hen phế quản cho trẻ

Tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị cho trẻ để lập kế hoạch hành động về bệnh hen suyễn cho trẻ để đánh giá mức độ, biết cách xử trí cho trẻ khi cơn cấp xảy ra. Kế hoạch này cần được cập nhật liên tục để phù hợp với tình trạng của trẻ.

Nếu được, phụ huynh nên gửi kế hoạch này cho giáo viên chủ nhiệm và nhân viên phụ trách y tế tại trường học của trẻ để phối hợp cùng nhau hỗ trợ trẻ tốt nhất.

Tạo môi trường tâm lý tích cực 

Việc tạo ra môi trường sống tích cực, được yêu thương và chăm sóc sẽ giúp trẻ giảm thiểu các cơn cấp và nâng cao sức đề kháng chống lại  bệnh tật. 

Những điều phụ huynh cần biết khi có con bị hen phế quản

Là phụ huynh của trẻ, bạn nên biết:

  • Các tác nhân có khả năng gây khởi phát cơn hen cấp và cách phòng tránh
  • Trẻ cần những loại thuốc nào và thời điểm cần sử dụng
  • Các triệu chứng của cơn hen cấp
  • Cách xử trí cơn hen cấp tại nhà hoặc ngoài bệnh viện
  • Cách sử dụng máy khí dung và/hoặc ống hít (xịt qua buồng đệm)
  • Dấu hiệu của bệnh hen suyễn được kiểm soát kém
  • Khi nào trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế để thăm khám

Bên cạnh đó, nếu có bất cứ thắc mắc hay băn khoăn nào về tình trạng của trẻ, phụ huynh nên liên hệ trực tiếp với bác sĩ đang điều trị cho bé để được tư vấn và hướng dẫn kịp thời.