Hút thuốc lá không chỉ là nguyên nhân gây bệnh lý về hô hấp như các bệnh phổi mãn tính, ung thư phổi,... mà còn tác động, là yếu tố nguy cơ làm tăng Cholesterol, ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.
Cholesterol là chất béo có trong máu được sản xuất bởi gan. Cholesterol đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất hormone, vitamin D và quá trình tiêu hoá chất béo.
Có hai loại cholesterol chính là LDL Cholesterol (Cholesterol xấu) và HDL Cholesterol (Cholesterol tốt)
Để có một trái tim khỏe mạnh, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nên duy trì mức LDL dưới 100 mg/dL, mức HDL trên 40 mg/dL và mức Triglyceride dưới 150 mg/dL.
Ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất béo có thể làm mất sự cân bằng này. Thực tế nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy hút thuốc có tác động đến Cholesterol trong cơ thể.
Thuốc lá chứa nhiều chất độc hại, trong đó có acrolein, một chất màu hơi vàng, có mùi hôi, được tạo ra khi đốt thuốc lá.
Acrolein trong thuốc lá tấn công các protein, ức chế các enzym khiến Cholesterol xấu dễ bị oxy hóa, lâu ngày dẫn đến tích tụ Cholesterol xấu LDL, giảm Cholesterol tốt HDL và tăng Triglycerid (mỡ máu).
Tác động của hút thuốc đối với cơ thể không dừng lại ở tăng nồng độ mỡ xấu LDL - cholesterol và Triglyceride, đồng thời giảm lượng mỡ tốt có lợi cho cơ thể HDL-cholesterol, hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Như chia sẻ trên, hút thuốc làm tăng mức cholesterol LDL và giảm mức cholesterol HDL. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến tình trạng viêm trong mạch máu và động mạch, đồng thời mảng bám có thể tích tụ trong động mạch.
Thêm vào đó, hút thuốc cũng làm tăng khả năng đông máu dễ hình thành cục máu đông trên cơ sở mảng xơ vữa, có thể gây nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ não.
Bỏ thuốc lá là một trong những cách tốt nhất để cải thiện mức cholesterol, sức khỏe tim mạch và sức khỏe tổng thể, nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần lẫn thể chất.