Huyết áp cao và nguy cơ mắc bệnh thận

Tác giả: - Xuất bản: 04/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 19/12/2024
Huyết áp cao và nguy cơ mắc bệnh thận
Huyết áp cao và nguy cơ mắc bệnh thận - Ảnh: BookingCare
Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các biến chứng về thận đặc biệt là suy thận. Cùng tìm hiểu mối liên hệ giữa huyết áp cao và nguy cơ mắc các vấn đề về thận trong bài viết dưới đây.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tăng huyết áp và bệnh thận có mối liên hệ mật thiết với nhau. Tăng huyết áp không kiểm soát có thể dẫn đến suy giảm chức năng của thận, gây suy thận và ngược lại khi chức năng của thận suy giảm, khả năng lọc máu kém, không thể đào thải các chất bài tiết ra ngoài sẽ gây áp lực lên thành mạch máu dẫn đến huyết áp tăng vọt.

Trên thế giới, mỗi năm có hàng triệu người cao huyết áp mắc các vấn đề về thận. Nhiều trường hợp trong số đó không được phát hiện kịp thời phải cắt bỏ chi, ghép thận thậm chí là tử vong.

Huyết áp cao ảnh hưởng đến thận như thế nào?

Tăng huyết áp kéo dài sẽ khiến các mạch máu trong toàn bộ cơ thể bị thu hẹp, bao gồm cả động mạch đưa máu đến thận. Điều này làm giảm lưu lượng máu đến thận. 

Thận bị tổn thương không thể thực hiện chức năng loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể qua nước tiểu, dẫn đến sự phát triển của bệnh thận mạn tính do huyết áp cao.

Khi lưu lượng máu đến thận thấp, thận sẽ mặc định lượng máu thấp là do cơ thể mất nước. Vì vậy, thận phản ứng bằng cách giải phóng các hormone kích thích cơ thể giữ lại natri và nước. Sự tích tụ chất lỏng trong mạch máu do thận bị tổn thương cũng có thể làm huyết áp tăng cao, tạo ra một vòng tuần hoàn nguy hiểm dẫn đến suy thận 

Huyết áp cao và nguy cơ suy thận

Có thể mất nhiều năm để bệnh lý tăng huyết áp dẫn tới tổn thương thận hay suy thận. Tuy nhiên, tăng huyết áp thường không có triệu chứng và ngay cả khi đã tiến triển sang suy thận thì các dấu hiệu cũng rất mờ nhạt. 

Suy thận là biến chứng nặng nề nhất của các bệnh lý thận, gây rối loạn điện giải, tăng huyết áp khó điều chỉnh, thiếu máu mạn tính và tích tụ độc tố. Có khoảng 130 độc chất ứ đọng trong cơ thể người bệnh suy thận, gây hại đến các hệ thống cơ quan như hệ thần kinh, tim mạch, cơ xương khớp, hệ miễn dịch, huyết học, nội tiết tố…

Người bệnh phải chịu đựng cảm giác mệt mỏi, đau đớn kéo dài, giảm chất lượng sống, thậm chí đối diện nhiều biến chứng nguy hiểm và có nguy cơ cao dẫn đến tử vong.

Do đó, để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm thì người bệnh cần thực hiện biện pháp kiểm soát huyết áp. Nếu người bệnh đã mắc bệnh thận, kiểm soát huyết áp sẽ giúp ngăn ngừa thận bị tổn thương nhiều hơn.

Các triệu chứng bệnh thận thường gặp

  • Chán ăn, buồn nôn hoặc nôn, ăn không ngon
  • Phù ở chân, tay hoặc toàn thân do lượng nước và muối bị ứng đọng
  • Buồn ngủ, cảm thấy mệt mỏi hoặc khó ngủ
  • Đau đầu hoặc khó tập trung
  • Tiểu ít, bí tiểu, nước tiểu chứa đạm cao, nước tiểu đục, nhiều bọt
  • Ngứa hoặc tê toàn thân, da khô hoặc da sẫm màu
  • Sụt cân bất thường
  • Chuột rút cơ bắp
  • Đau ngực hoặc khó thở

Những biện pháp giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển của bệnh thận do huyết áp cao

Kiểm soát tốt huyết áp từ việc thay đổi lối sống sẽ giúp người bệnh giảm các biến chứng nguy hiểm của bệnh, bao gồm cả suy thận.

Sử dụng thuốc kiểm soát huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ

Nhóm thuốc ức chế men chuyển và ức chế thụ thể angiotensin bên cạnh tác dụng hạ huyết áp còn hiệu quả trong việc làm chậm tiến triển của bệnh thận. Hai nhóm thuốc này không được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai. Không tự ý bỏ thuốc, tăng hoặc giảm liều, thay đổi loại thuốc.

Hoạt động thể chất ở người tăng huyết áp

Việc tập luyện nên được xây dựng theo lộ trình, tối thiểu 150 phút mỗi tuần và cường độ tăng dần. Không nên bắt đầu bằng một bài tập gắng sức, có thể gây ra khó thở và tức ngực cho người bệnh.

Không uống rượu bia hoặc hút thuốc lá

Thận có chức năng lọc và thải độc ra khỏi dòng máu, nhưng rượu bia, thuốc lá làm giảm chức năng này, đồng thời làm tăng huyết áp.

Giữ cân nặng hợp lý

Việc giữ cân nặng hợp lý có thể giúp giảm tổn thương thận tiến triển và giảm nguy cơ mắc phải nhiều biến chứng của tăng huyết áp như suy tim, đột quỵ,...

Chế độ dinh dưỡng tốt cho người tăng huyết áp và suy thận

Người bệnh có thể tham khảo chế độ ăn DASH được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị: bổ sung nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và các thực phẩm khác tốt cho cơ thể. Uống đủ nước tránh tình trạng mất nước.

Những biến chứng thận do huyết áp cao thường khó phát hiện trong thời gian đầu. Nếu người bệnh còn đang băn khoăn, lo lắng về tình trạng của mình, nên đi khám định kỳ và làm các loại xét nghiệm để được điều trị kịp thời.