Huyết áp tâm thu là gì? Tại sao cần lưu ý trường hợp tăng huyết áp tâm thu đơn độc?
Huyết áp tâm thu là gì? Tại sao cần lưu ý trường hợp tăng huyết áp tâm thu đơn độc?
Huyết áp tâm thu là gì? Tại sao cần lưu ý trường hợp tăng huyết áp tâm thu đơn độc? - Ảnh: BookingCare
Huyết áp tâm thu là gì? Tại sao cần lưu ý trường hợp tăng huyết áp tâm thu đơn độc? - Ảnh: BookingCare

Huyết áp tâm thu là gì? Tại sao cần lưu ý trường hợp tăng huyết áp tâm thu đơn độc?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 01/11/2023 | Cập nhật lần cuối: 29/11/2023
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc là trường hợp đặc biệt của phân độ tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu tăng cao nhưng huyết áp tâm trương vẫn ở ngưỡng bình thường hoặc thấp hơn. Việc điều trị tình trạng này cần kết hợp thay đổi lối sống và sử dụng thuốc.

Chỉ số huyết áp tâm thu luôn được đọc trước hoặc xuất hiện đầu tiên trong đo huyết áp, thể hiện áp lực của máu lên thành động mạch khi tim đập. Dựa vào các ngưỡng chỉ số của huyết áp tâm thu cũng giúp các bác sĩ xác định được phân độ tăng huyết áp của người bệnh. Đặc biêt, cần lưu ý đến trường hợp tăng huyết áp tâm thu đơn độc khi chỉ số huyết áp tâm thu tăng cao nhưng huyết áp tâm trương vẫn ở ngưỡng bình thường.

Huyết áp tâm thu là gì?

Luôn đi kèm với chỉ số huyết áp tâm trương trong kết quả đo huyết áp là chỉ số huyết áp tâm thu. Chỉ số này thể hiện áp lực tối đa của máu tác dụng lên thành động mạch khi tim co bóp.

Chỉ số huyết áp tâm thu luôn lớn hơn chỉ số huyết áp tâm trương và đều đươc đo bằng đơn vị mmHg. Khi đọc kết quả đo, chỉ số huyết áp tâm thu cũng được đọc trước và khi đo bằng dụng cụ đo huyết áp điện tử thì chỉ số này cũng sẽ hiển thị trước hoặc bên trình màn hình.

Theo bảng phân độ tăng huyết áp, huyết áp tâm thu bình thường khi nằm ở ngưỡng 120 – 129 mmHg. Trường hợp huyết áp tâm thu tăng cao hơn 129 mmHg, tùy thuộc vào chỉ số ở ngưỡng nào sẽ xác định vào phân độ tương ứng. Cụ thể trong bảng sau:

Bảng: Phân độ tăng huyết áp (Nguồn: vncdc.gov.vn)

Phân độ tăng huyết áp 

Huyết áp tâm thu (mmHg)

Huyết áp tối ưu

< 120

Huyết áp bình thường

120 – 129

Tiền tăng huyết áp

130 - 139

Tăng huyết áp độ 1

140 – 159

Tăng huyết áp độ 2

160 – 179

Tăng huyết áp độ 3

≥ 180

Cách xác định tăng huyết áp tâm thu đơn độc

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc là một trường hợp đặc biệt trong phân độ tăng huyết áp, khi chỉ số huyết áp tâm thu vượt ngưỡng 140 mmHg nhưng chỉ số huyết áp tâm trương vẫn trong ngưỡng bình thường hoặc thấp hơn, tức dưới 90 mmHg.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự suy giảm tính đàn hồi của thành động mạch. Theo thời gian, do lão hóa khiến thành động mạch bị vôi hóa, gây xơ cứng kèm theo rối loạn chức năng nội mô, phóng thích chất tiền viêm và khiến động mạch không còn nhạy cảm với các chất giãn mạch do cơ thể tiết ra nữa. Hệ quả của hiện tượng này là thành mạch trở nên xơ cứng và dày hơn, làm kích thước thành động mạch nhỏ lại, áp lực máu tăng lên, cuối cùng dẫn đến huyết áp tâm thu tăng lên nhưng huyết áp tâm trương không bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, còn có một số yếu tố nguy cơ khác làm tăng tỉ lệ mắc tăng huyết áp tâm thu đơn độc bao gồm:

  • Mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu
  • Có microalbumin niệu hoặc mức lọc cầu thận dưới 60 mL/phút
  • Tiền sử gia đình bị bệnh tim mạch sớm (nam giới trước 55 tuổi, nữ giới trước 65 tuổi)
  • Thừa cân, béo phì
  • Hút thuốc lá, thuốc lào
  • Lối sống ít vận động
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh
  • Stress hoặc căng thẳng tâm lý

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc có nguy hiểm không?

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc vốn không phải là trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, nếu chỉ số huyết áp tâm thu đột ngột đạt tới 180 mmHg thì đây là tình trạng khẩn cấp, cần phải xử lý y tế ngay lập tức.

Tình trạng tăng huyết áp tâm thu đơn độc kéo dài và không đươc điều trị kịp thời có thể làm tổn thương các cơ quan trong cơ thể, gây ra các biến chứng nghiêm trọng bao gồm:

  • Suy tim
  • Nhồi máu cơ tim
  • Đột quỵ não
  • Nhìn mờ hoặc mất thị lực do tổn thương võng mạc
  • Bệnh thận mãn tính
  • Bệnh động mạch ngoại vi
  • Chứng phình động mạch

Cách điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc

Việc điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc cần ưu tiên việc thay đổi lối sống tích cực. Các biện pháp thực hành như:

  • Ăn giảm muối (tối đa 2,5 gram mỗi ngày)
  • Ăn nhiều trái cây và rau quả tươi
  • Giảm lượng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa
  • Giữ cân nặng hợp lý
  • Tập thể dục thường xuyên, từ 30 đến 60 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày/ tuần
  • Hạn chế đồ uống có cồn
  • Bỏ thuốc lá, đồng thời hạn chế việc hít khói thuốc thụ động
  • Kiểm soát căng thẳng

Ngoài việc thay đổi lối sống, các bác sĩ Tim mạch có thể kê đơn thuốc hạ huyết áp để điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc. Các loại thuốc thường được sử dụng như:

  • Thuốc lợi tiểu
  • Thuốc chẹn kênh canxi
  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (thuốc ức chế ACE).
  • Thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II (ARB)

Ngoài ra,người bệnh cũng cần thực hiện tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để đảm bảo việc điều trị đang phát huy hiệu quả như mong muốn.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết