Khớp cắn hở: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Khớp cắn hở
Khớp cắn hở là một trong những tình trạng lệch khớp cắn phổ biến - Ảnh: BookingCare

Khớp cắn hở: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 27/05/2024 - Cập nhật lần cuối: 27/05/2024
Khớp cắn hở là một trong những tình trạng lệch khớp cắn phổ biến và điều trị thường khó khăn. Bài viết dưới đây tổng hợp đầy đủ triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị khớp cắn hở.

Hiện nay các bệnh lý về lệch khớp cắn ngày càng phổ biến, trong đó khớp cắn hở là tình trạng răng miệng phổ biến không chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, khả năng ăn nhai mà còn tiềm ẩn nguy cơ rối loạn chức năng xương hàm. Nắm bắt được các dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị khớp cắn hở giúp giảm thiểu các ảnh hưởng xấu đến tình trạng răng miệng của bạn.

Tổng quan về khớp cắn hở

Khớp cắn hở (Open bite malocclusion) là tình trạng sai lệch khớp cắn xảy ra khi hàm trên và hàm dưới của răng không chạm vào nhau ở phía trước hoặc phía sau của miệng. 

Với khớp cắn bình thường, các răng hàm trên và răng hàm dưới chạm khít với nhau ở tư thế cắn chặt. Ở khớp cắn hở, răng trên và răng dưới không tiếp xúc với nhau dẫn khe hở giữa các răng, có thể nhìn thấy lưỡi ngay cả khi hàm đã đóng kín.

Có thể phân loại khớp cắn hở như sau:

  • Khớp cắn hở trước: răng cửa hàm trên không chạm vào răng cửa hàm dưới khi hàm ở trạng thái cắn khít.
  • Khớp cắn hở sau: là hiện tượng nhóm răng hàm trên và răng hàm dưới không chạm vào nhau khi hàm ở trạng thái cắn khít.

Nguyên nhân dẫn đến khớp cắn hở

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng khớp cắn hở. Một số nguyên nhân hay gặp như sau:

  • Do di truyền: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khớp cắn hở xảy ra do yếu tố di truyền của gia đình liên quan trực tiếp đến sự phát triển của xương, răng và hệ thống chức năng ở mũi, miệng. Nhiều trường hợp khớp cắn hở di truyền từ ông bà bố mẹ, bẩm sinh đã có hàm răng không đều hay hai hàm mọc lệch nhau. 
  • Do bệnh lý: Khớp cắn hở còn xuất hiện do một số bệnh lý về răng miệng như: rối loạn khớp thái dương hàm, răng mọc lệch, chồng chéo trên cùng một vị trí, chấn thương hàm mặt dẫn tới răng sứt mẻ, sai lệch vị trí hay thiếu canxi dẫn tới xương, răng phát triển không bình thường.
  • Do thói quen răng miệng xấu: Thường hình thành ở lứa tuổi trẻ nhỏ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của răng như: thói quen đẩy lưỡi giữa răng cửa hàm trên và hàm dưới, trẻ em có thói quen mút ngón tay, ngậm ti giả làm sai lệch vị trí mọc răng, nghiến răng khi ngủ, chăm sóc răng miệng không đúng cách,...

Ngoài ba nguyên nhân chính dẫn đến hình thành khớp cắn hở, còn một số nguyên nhân ít gặp hơn như: 

  • Kiểu nuốt không đúng.
  • Thiếu vị trí cho răng mọc.
  • Bệnh lý viêm khớp dạng thấp.
  • Tư thế lưỡi kém.

Dấu hiệu đặc trưng của khớp cắn hở

Dấu hiệu đáng chú ý nhất của khớp cắn hở là răng hàm trên và hàm dưới không thể chạm vào nhau. Ngoài ra, các dấu hiệu khác của khớp cắn hở bao gồm:

  • Khó khăn trong việc ăn nhai, thấy đau biết khi ăn uống.
  • Cung răng cửa của hàm trên hình chữ V.
  • Gặp trở ngại trong phát âm, thường bị nói ngọng, không rõ chữ.
  • Hàm răng lộn xộn.
  • Người bị khớp cắn hở có đường trán - mũi - cằm bị gấp khúc dẫn đến bị vẩu.

Ảnh hưởng của khớp cắn hở như thế nào? 

Khớp cắn hở ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt, gây những biến chứng cho sức khỏe răng miệng và sức khỏe tổng thể của người bệnh cũng như tính thẩm mỹ và tăng nguy cơ mắc các vấn đề: bệnh nướu răng, ăn mòn răng,...

Một số ảnh hưởng của khớp cắn hở đến người bệnh như sau:

  • Thiếu tự tin vì nụ cười kém thẩm mỹ
  • Rối loạn chức năng xương hàm
  • Khó khăn trong giao tiếp như nói ngọng
  • Trở ngại trong ăn uống
  • Dễ mắc các bệnh về răng miệng như sâu răng, viêm lợi,...
  • Nhức đầu, đau tai
  • Ảnh hưởng giấc ngủ
  • Ngủ ngáy
  • Gặp các vấn đề về tiêu hóa như: đầy bụng, khó tiêu,...do khó khăn trong ăn nhai.

Điều trị khớp cắn hở

Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị khớp cắn hở, tuy nhiên bác sĩ cần dựa vào độ tuổi và mức độ khớp cắn hở để đưa ra khuyến nghị cụ thể cho người bệnh. Các phương pháp điều trị khớp hở bao gồm:

Thay đổi hành vi

Phương pháp được áp dụng trong giai đoạn khớp cắn hở mới bắt đầu hình thành, đây cũng là giai đoạn trẻ bắt đầu mọc răng vĩnh viễn. Cần khuyên dạy trẻ từ bỏ các thói quen xấu như: mút ngón tay, ngậm ti giả,...để tránh ảnh hưởng đến sự mọc răng giúp giảm hình thành khớp cắn hở.

Chỉnh nha

Đây là phương pháp chủ yếu điều trị khớp cắn hở, được sử dụng trong giai đoạn khớp cắn hở đã hình thành.

  • Sử dụng chỉnh nha với mắc cài kim loại giúp làm tăng lực siết và căng chỉnh các răng, từ đó hình thành khớp cắn hài hòa mà không ảnh hưởng đến chức năng và cấu trúc của xương, răng cũng như sức khỏe của người bệnh.
  • Ngoài ra còn một số phương pháp cơ học chỉnh nha khác được sử dụng như: Headgear, chụp cằm, Bite block,...

Làm răng sứ

Là phương pháp khắc phục tình trạng khớp cắn hở một cách nhanh chóng, trung bình khoảng 2 - 3 ngày. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi chi phí cao và ảnh hưởng đến chất lượng men răng.

Phẫu thuật chỉnh hình

Là phương pháp điều trị hiện đại nhưng chi phí cao, thường được chỉ định cho các trường hợp khớp cắn hở do xương ở người lớn vì răng và xương hàm đã phát triển đầy đủ, đồng thời tình trạng khớp cắn hở nặng gây biến dạng khung xương mặt, ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai và tính thẩm mỹ. Ngoài ra một số trường hợp còn phải kết hợp giữa phẫu thuật và chỉnh nha để đạt hiệu quả tối đa cho bệnh nhân.

Khớp cắn hở là tình trạng sai lệch khớp cắn hay gặp, có thể gặp ở tất cả các đối tượng gây ra nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy không nên chủ quan với bệnh, nên thăm khám để xác định được mức độ và giai đoạn của khớp cắn hở để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết