Khớp cắn ngược là tình trạng lệch khớp cắn thường thấy ở răng gây nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, tính thẩm mỹ cũng như sức khỏe toàn diện của người bệnh.
Nắm bắt được các dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị khớp cắn ngược giúp người bệnh tránh được những ảnh hưởng xấu của bệnh đến tình trạng răng miệng.
Tổng quan về khớp cắn ngược
Khớp cắn ngược (còn gọi là móm) là tình trạng sai lệch khớp cắn khi hàm dưới mà ngược lại hàm dưới phủ ngoài hàm trên, cằm hướng ra ngoài nhiều hơn, dẫn đến khi cười thì thấy lộ hàm dưới nhiều hơn hàm trên.
Có thể phân loại khớp cắn ngược làm 2 loại:
- Khớp cắn ngược do răng: Là khi cấu trúc xương hàm hoàn toàn bình thường nhưng răng mọc sai hướng. Về lâu dài nếu không điều trị sớm thì tình trạng này cũng sẽ tác động đến xương hàm, nhất là khi trẻ đang trong thời kỳ phát triển.
- Khớp cắn ngược do xương: Là khi xương hàm trên kém phát triển hay xương hàm dưới phát triển quá mức làm cụp sâu các răng cửa hàm trên so với hàm dưới.
Nguyên nhân dẫn đến khớp cắn ngược
Tình trạng khớp cắn ngược do nhiều nguyên nhân gây ra. Một số nguyên nhân chính hay gặp như sau:
- Do yếu tố di truyền:
- Đây là nguyên nhân khá hay gặp chiếm khoảng 70%. Các cấu trúc như răng, sự phát triển xương hàm và thứ tự mọc răng thường do yếu tố di truyền quyết định. Theo đó, nhiều trường hợp khớp cắn ngược di truyền từ người thân.
- Bên cạnh đó, một số hội chứng dẫn đến khớp cắn ngược như: Hội chứng Rabson-Mendenhall, hội chứng Treacher Collin, Binder, to đầu chi,...
- Do yếu tố môi trường: Các yếu tố môi trường khiến tình trạng khớp cắn ngược càng nghiêm trọng hơn đó là: thói quen xấu lúc nhỏ như: thở bằng miệng, tật đẩy lưỡi, mút tay, bú bình kéo dài,... dẫn đến xương hàm dưới bị đẩy ra trước nhiều hơn.
- Do chấn thương: Tình trạng chấn thương xương hàm nhưng không được phẫu thuật, điều trị và chăm sóc đúng cách dẫn đến khớp cắn ngược.
- Do mất răng: Việc mất răng sữa sớm có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của răng, khiến cho răng mọc lệch lạc, lộn xộn, không đúng vị trí trên khuôn hàm, làm mất đi sự tương quan vốn có của xương hàm trên và xương hàm dưới.
Dấu hiệu đặc trưng của khớp cắn
Dấu hiệu đáng chú ý nhất của khớp cắn ngược là răng hàm trên bị thụt vào trong hơn so với răng hàm dưới, dẫn đến người bệnh mặt bị dài và cằm nhô ra phía trước. Ngoài ra còn một số dấu hiệu khác như:
- Mặt bị lệch.
- Ăn nhai khó khăn, đau buốt khi ăn uống.
- Trở ngại trong giao tiếp, phát âm như nói ngọng, nói lắp.
- Hàm răng lộn xộn.
Ảnh hưởng của khớp cắn ngược như thế nào?
Khớp cắn ngược gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe răng miệng cũng như sức khỏe toàn diện của người bệnh nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
Một số ảnh hưởng của khớp cắn ngược đến người bệnh như sau:
- Mất nét thẩm mỹ của nụ cười và khuôn mặt khiến người bệnh thiếu tự tin khi giao tiếp.
- Rối loạn chức năng xương hàm.
- Chức năng ăn nhai bị suy giảm dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, ăn uống kém,...
- Tăng nguy cơ bệnh lý răng miệng như: viêm lợi, sâu răng, viêm nha chu, hôi miệng,..
- Ảnh hưởng giấc ngủ.
- Đau đầu, đau tai.
Điều trị khớp cắn ngược
Những ảnh hưởng của khớp cắn ngược đến sức khỏe người bệnh là vô cùng nghiêm trọng đặc biệt là các biến chứng liên quan đến các bệnh lý răng miệng. Vì vậy, khi phát hiện khớp cắn ngược cần có biện pháp khắc phục kịp thời.
Độ tuổi lý tưởng để thực hiện các thủ thuật điều trị khớp cắn ngược là khoảng 6 - 12 tuổi.
Một số phương pháp điều trị khớp cắn ngược bao gồm:
Điều trị chỉnh nha
Một số phương điều trị chỉnh nha phổ biến hiện giúp cải thiện tình trạng khớp cắn ngược như:
- Niềng răng mắc cài:
- Đây là phương pháp được nhiều người lựa chọn để cải thiện tình trạng khớp cắn ngược do bảo tồn được tối đa cấu trúc và chức năng của răng. Phương pháp này giúp răng được điều chỉnh về đúng vị trí khuôn hàm và sự tương quan giữa hàm trên và hàm dưới hài hòa hơn.
- Nhược điểm của phương pháp này là thời gian chỉnh nha lâu, kém thẩm mỹ, hệ thống dây cung và mắc cài tác động lên toàn bộ khuôn hàm dẫn đến cảm giác khó chịu đồng thời hạn chế khả năng ăn nhai trong thời gian điều trị.
- Niềng răng trong suốt hay niềng răng không mắc cài: là phương pháp chỉnh nha hiện đại, đảm bảo được tính thẩm mỹ, ít gây đau trong quá trình điều trị.
- Ngoài ra, một số phương pháp khác được sử dụng như: thay đổi các thói quen xấu của trẻ nhỏ, sử dụng các dụng cụ chỉnh như cơ học như: khí cụ chỉnh xương facemask, Headgear,...
Phẫu thuật chỉnh hình
Là phương pháp được chỉ định cho trường hợp khớp cắn ngược do xương hàm. Mục đích của phương pháp là giúp điều chỉnh mối tương quan giữa xương hàm trên và hàm dưới, từ đó cải thiện được hình dạng và tính thẩm mỹ của khuôn mặt.
Đây là phương pháp phức tạp đòi hỏi tính chuyên môn và kỹ thuật cao nên chi phí thường đắt.
Trong nhiều trường hợp cần phối hợp điều trị phẫu thuật chỉnh hình và điều trị chỉnh nha để đạt được kết quả tối ưu nhất về chức năng và thẩm mỹ cho bệnh nhân.
Làm răng sứ
Là phương dùng để điều chỉnh khớp cắn ngược nhẹ. Phương pháp này cho hiệu quả nhanh nhưng phải thực hiện mài răng, lấy tủy có thể gây ảnh hưởng đến chức năng răng. Đồng thời chi phí thực hiện tương đối cao
Khớp cắn ngược là tình trạng sai lệch khớp cắn nghiêm trọng cần phát hiện và điều trị kịp thời ngay từ khi còn nhỏ để tránh các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng cũng như sức khỏe toàn diện của người bệnh. Lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp giúp cải thiện nhanh chóng khớp cắn ngược mang lại nụ cười tự tin và tính thẩm mỹ cho khuôn mặt.