Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì có bình thường không?
Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì
Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì - Ảnh: BookingCare

Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì có bình thường không?

Tác giả: - Xuất bản: 01/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 01/11/2023
Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì là một điều hết sưc bình thường, chị em phụ nữ không nên quá lo lắng nhưng đừng quên theo dõi cẩn thận để có thể đảm bảo sức khỏe luôn trong trạng thái ổn định.

Ở độ tuổi dậy thì, kinh nguyệt có thể bắt đầu và dừng lại đột ngột vì nhiều lý do. Nếu con bạn đang có kinh nguyệt không đều, hãy tìm hiểu xem bạn có thể can thiệp gì để cải thiện tình trạng hoặc khi nào bạn nên tham khảo ý kiến ​​của các chuyên gia y tế.

Kinh nguyệt không đều là như thế nào?

Hầu hết nữ giới sẽ có kinh nguyệt lần đầu tiên vào khoảng từ 10 đến 15 tuổi. Một số thanh thiếu niên sẽ có kinh sớm hơn và một số có thể đến muộn hơn.

Thông thường, một khi các em bắt đầu có kinh nguyệt thì có thể mất đến 2 năm trước khi các em có một chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Kỳ kinh nguyệt thường không xuất hiện vào đúng ngày cụ thể hoặc không thể tính được ngày rụng trứng. Tình trạng này còn được gọi là rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì.

Các biểu hiện thường gặp ở nữ giới tuổi dậy thì có kinh nguyệt không đều

Kinh nguyệt không đều có thể dễ dàng nhận biết khi chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện không đều đặn, bất thường và không thể đoán trước cả về ngày rụng trứng cũng như lượng máu mất đi ở mỗi kì kinh nguyệt là khác nhau.

Ở nữ giới bình thường, độ dài trung bình của một chu kỳ kinh nguyệt là 28 ngày, những trường hợp chu kỳ kinh ngắn 24 ngày hoặc dài 38 ngày vẫn được xem là bình thường. Thời gian hành kinh kéo dài khoảng 3 - 5 ngày. Lượng máu kinh mất ở mỗi chu kỳ khoảng 5 - 80ml , máu có màu đỏ tươi, không có mùi nồng hoặc hôi tanh.

Ở nữ giới trong độ tuổi dậy thì, số ngày hành kinh hoặc lượng máu kinh diễn ra không theo một chu kỳ bình thường, chẳng hạn như chu kỳ kinh nguyệt có thể xuất hiện sớm hơn hoặc muộn hơn, số ngày hành kinh ngắn hơn hoặc dài hơn, lượng máu kinh quá nhiều hoặc quá ít…

Dưới đây là một số biểu hiện cụ thể của kinh nguyệt không đều ở nữ giới trong độ tuổi dậy thì:

  • Kỳ kinh nguyệt đầu tiên chỉ kéo dài khoảng vài ngày, lượng máu kinh rất ít. Kỳ kinh nguyệt thứ hai sẽ xuất hiện muộn hơn, có thể cách lần đầu tiên khoảng 35 - 40 ngày, thậm chí khoảng 2 tháng hoặc lâu hơn thế nữa.
  • Khoảng cách giữa các chu kỳ kinh không đều, có thể 2 - 3 tháng mới có kinh một lần hoặc 1 tháng có đến 2 - 3 lần hành kinh, lượng máu kinh chảy nhiều hoặc ít không xác định được.
  • Máu kinh có màu sắc khác lạ, có thể có màu đen, nâu đen và có thể vón thành những cục máu đông.

Nguyên nhân gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì

Có nhiều lý do khác nhau tác động đến việc gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều ở nữ giới tuổi dậy thì. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất:

Nội tiết tố chưa ổn định

Một trong những yếu tố quyết định sự ổn định của kinh nguyệt nữ giới là nội tiết tố nữ estrogen. Thời kỳ dậy thì, cơ thể nữ giới đang trong giai đoạn phát triển nhưng chưa hoàn thiện. Lúc này, cơ quan sinh dục, đặc biệt là buồng trứng chưa thể phát huy đầy đủ vai trò sản xuất nội tiết tố.

Trứng không rụng hoặc không phóng noãn đúng chu kỳ sẽ gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều.

Tâm sinh lý không ổn định ở độ tuổi dậy thì

Giai đoạn dậy thì là lúc các bạn gái có sự thay đổi, xáo trộn mạnh mẽ về tâm – sinh lý. Những yếu tố xung quanh như bạn bè, thầy cô, các mối quan hệ tuổi mới lớn… có thể tác động sâu sắc đến cảm xúc của các em, gây ra sự “nhiễu loạn”, tình thần dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi.

Bên cạnh đó, việc học hành, thi cử căng thẳng cũng là yếu tố gây ảnh hưởng đến tâm lý của các bé gái. Nhiều trường hợp rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì một phần do bị tác động bởi yếu tố này.

Thói quen ăn uống ảnh hưởng đến chu kì kinh nguyệt

Các bạn nhỏ thường chưa có nhận thức về sự quan trọng của chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn hàng ngày.  Những thói quen ăn uống không lành mạnh ở tuổi dậy thì như ăn uống không đầy đủ chất, bỏ bữa hay thích ăn những món ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ… ngoài cổng trường, lề đường,... có thể dẫn đến các tình trạng suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể…

Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn. Ngoài ra, tình trạng thừa cân hoặc béo phì cũng sẽ gây ra những bất thường ở chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. 

Cơ thể vận động mạnh do lựa chọn các môn thể thao không phù hợp

Các bộ môn thể thao vận động mạnh, tốn nhiều sức lực như: tập võ, chạy nhảy, bật xà,... có ảnh hưởng trực tiếp tới chu kì kinh nguyệt của nữ giới trong độ tuổi dậy thì.

Những môn thể dục, thể thao quá sức có thể khiến số ngày hành kinh giảm xuống, thậm chí bé gái có thể mất kinh trong nhiều tháng.

Các bệnh lý phụ khoa khác 

Một số bệnh lý phụ khoa có thể gây ra những biểu hiện chậm kinh, mất kinh, kinh nguyệt thất thường ở nữ giới kể cả trong độ tuổi dậy thì. 

Các bệnh viêm  nhiễm phụ khoa, đặc biệt là hội chứng buồng trứng đa nang khiến buồng trứng không thể sản xuất ra hormone Estrogen, gây thiếu hụt nội tiết tố, làm giảm tần suất phóng noãn thậm chí là không phóng noãn khiến mất hẳn chu kì kinh nguyệt. Đây là trường hợp hiếm gặp nhưng mức độ nghiêm trọng khá cao.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Mặc dù kinh nguyệt không đều là tình trạng rất phổ biến ở nữ giới trong độ tuổi dậy thì nhưng trong một số trường hợp, đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý khác. Phụ huynh cần theo dõi và đưa con đi khám nếu gặp các trường hợp sau đây:

  • Không có kinh nguyệt từ 6 tháng trở lên.
  • Thời gian hành kinh trên 7 ngày.
  • Lượng máu kinh ra quá nhiều.
  • Máu kinh có màu sắc lạ và có mùi hôi.
  • Đau bụng dưới dữ dội, buồn nôn và nôn.
  • Ngứa ngáy hoặc sưng đỏ ở vùng kín.
  • Vùng kín tiết dịch, khí hư bất thường.

Khi nhận thấy cơ thể bé xuất hiện những triệu chứng bất thường hoặc tình trạng kinh nguyệt biến mất quá lâu, phụ huynh cần đưa con đi khám trong thời gian sớm để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị chính xác nhất.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết